Xã hội

Độc đáo nghề chế tác than đá chỉ còn một truyền nhân

10/06/2023, 06:26

Từ bàn tay tinh xảo của mình, nhiều nghệ nhân ở vùng đất mỏ đã biến những hòn than đá vô tri thành những sản phẩm độc đáo.

Tiếc thay, đến nay cả Quảng Ninh chỉ còn duy nhất vợ chồng anh Quyết giữ nghề.

Vì yêu nên gắn bó

img

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình giới thiệu về một số sản phẩm của gia đình

Sau một thời gian tìm kiếm, PV Báo Giao thông đến được xưởng chế tác than đá của vợ chồng anh Nguyễn Tiến Quyết và chị Nguyễn Thị Thanh Bình ở tổ 3, khu 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long. Gia đình anh Quyết là hộ duy nhất ở Quảng Ninh lựa chọn nghề này làm kế sinh nhai.

Gọi là xưởng cho sang, vì cơ sở chế tác vẻn vẹn vài chục mét vuông nằm ở chân Núi Hạm, được che nắng, che mưa bằng bạt, mái tôn. Cả xưởng phủ kín bụi đen, chị Bình mặt mũi, chân tay đen nhẻm, đon đả mời khách ngồi.

Chị kể, anh Quyết là truyền nhân đời thứ 3 duy trì nghề chế tác than đá tại Quảng Ninh. Bố anh là nhà điêu khắc Nguyễn Tuấn Lợi, ông nội Nguyễn Đức Thuận từng là phu mỏ ở Cẩm Phả thời Pháp thuộc.

Do có bàn tay khéo léo, ông Thuận đã chế tác nhiều bức tượng than cho các chủ mỏ người Pháp thời bấy giờ, nên được đặt làm một số vật dụng lưu niệm của quan Pháp.

Sau này, bố anh Quyết đã phát huy nghề cha truyền lại để gây dựng lên cơ sở chế tác than đá có tiếng ở Quảng Ninh mấy chục năm trước.

Thời đó, ông làm tới chức Trưởng xưởng thủ công mỹ nghệ thuộc Ty Văn hóa tỉnh Quảng Ninh (nay là Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh).

img

Anh Tiến Quyết nghiên cứu các họa tiết mẫu trên mạng để ứng dụng vào sản phẩm của mình

“Đã có thời, nghề chế tác than đá thịnh vượng, nhiều người theo nghề, sống được với nghề. Nhưng đến khoảng năm 1980, vì công việc vất vả, thu nhập không cao, lượng khách đặt hàng có xu hướng giảm, các nghệ nhân bỏ dần nghề, giải thể xưởng”, chị Bình chia sẻ.

Đang chăm chú nghiên cứu họa tiết của một chiếc trống đồng trên điện thoại, anh Quyết nói thêm: “Có thời điểm, sản phẩm bán rất chạy khiến cả xưởng làm ngày đêm. Nhưng cũng có thời điểm, chẳng ai mua, nên xưởng im tiếng cưa, lặng tiếng đục, tiếng máy. Nghề này lấm lem cả ngày. Chỉ trừ lúc ăn, lúc ngủ là chân tay được sạch sẽ mà thu nhập cũng không cao. Vì vậy, mọi người cứ bỏ dần”.

Anh Quyết kể, anh gắn bó với nghề từ năm 16 tuổi. Năm 26 tuổi thì lấy chị Bình. Yêu chồng, chị Bình cũng yêu luôn nghề chế tác than đá gia truyền của nhà chồng. Tính đến nay, anh chị đã gắn bó với nghề này gần 30 năm với nhiều cung bậc thăng, trầm.

“Gia đình tôi phần vì yêu nghề, phần vì nghề đã cho gia đình mấy đời có cơm ăn, áo mặc, nên tôi không bỏ được, dù có lúc gặp nhiều khó khăn”, anh Quyết khẳng định.

Nghề lắm công phu

img

Cặp lộc bình được chế tác từ tảng than hơn 2 tấn được khách hàng đặt mua với giá 180 triệu đồng

Theo anh Quyết, để làm ra một sản phẩm than đá phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên là việc thửa phôi, người làm cần ngắm, lựa chọn phôi than nguyên khối phù hợp với tác phẩm định tạc, điêu khắc. Sau đó là vệ sinh, rửa phôi than sạch sẽ bằng nước để lộ nguyên thổ than.

Bước thứ 3 chế tác bằng việc cưa, cắt, đục, mài, gọt giũa than theo ý tưởng nghệ thuật. Bước thứ 4 là đánh giấy ráp tạo độ bóng, mịn cho tác phẩm. Bước cuối cùng là việc khắc chữ, chỉnh sửa, gọt giũa, chau truốt lại tác phẩm trước khi xuất xưởng, đưa ra thị trường.

“Để hoàn thành một tác phẩm lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp đều phải qua tay nhiều người thợ phụ trách từng công đoạn”, anh Quyết nói.

Quảng Ninh có rất nhiều vỉa than từ Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long đến Cẩm Phả, nhưng chỉ có than đá từ 3 mỏ than là Đèo Nai, Cọc 6 là dùng được cho việc chế tác. Đó là loại khối lớn có chất lượng tốt, độ đen đặc, bề mặt không có đường vân, mạch đứt gãy xuyên ngang dọc.

Giá mua một tấn than loại này hiện nay là 35 triệu đồng. Như cặp lục bình tại xưởng của anh Quyết trị giá tới 180 triệu đồng, được làm từ than nguyên khối hơn 2 tấn rồi cắt, xẻ, đẹp gọt mất mấy tháng trời mới thành phẩm.

“Nghề này không chỉ đòi hỏi bàn tay khéo léo mà cần phải có tính cẩn trọng. Chỉ cần sơ sẩy làm sứt mẻ một chi tiết là mất công cả xưởng. Đối với sản phẩm lớn thì còn xẻ ra làm sản phẩn khác, nhưng sản phẩm nhỏ thì chỉ còn cách đưa vào bếp để làm… chất đốt”, anh Quyết kể.

Niềm vui tìm được truyền nhân

img

Nguyễn Phạm Phương Thanh - truyền nhân của anh Quyết, chị Bình đang miệt mài chế tác sản phẩm

Hiện xưởng của anh Quyết có 8 thợ, thu nhập trung bình mỗi thợ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Anh chị vẫn tâm tư khi công việc này tồn tại từ rất lâu, nhưng vẫn chưa được công nhận là làng nghề.

Nhiều năm nay, chị Bình đã làm hồ sơ gửi các ngành, các cấp để xin công nhận làng nghề, song chỉ nhận được câu trả lời: “Lĩnh vực này không nằm trong danh mục để được công nhận”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc công nhận làng nghề phải nằm trong danh mục ngành, nghề theo quy định. Hiện nghề chế tác than đá không có trong văn bản quy định nào, vì thế không thể cấp chứng nhận làng nghề được…

“Chúng tôi đề nghị công nhận làng nghề để được vay vốn duy trì và mở rộng sản xuất. Bởi nhiều lần làm hồ sơ xin vay vốn ngân hàng, khi đến thẩm tra, đối chiếu, nhiều ngân hàng đã lắc đầu vì không thể cho vay”, chị Bình chia sẻ.

Không có vốn mở rộng sản xuất, nên xưởng của gia đình chỉ là hộ sản xuất cá thể, khiến cái vướng này quàng sang cái khó kia. Bởi chẳng doanh nghiệp nào lại bán than cho một hộ cá thể không có pháp nhân.

Bên cạnh đó, dù có nhiều khách ngoại quốc đến mua sản phẩm của gia đình nhưng khi làm thủ tục xuất cảnh, những sản phẩm có trọng lượng lớn không thể thông quan được do không chứng minh được nguồn gốc. Vì thế, dù nhiều du khách rất thích nhưng chỉ mang được những sản phẩm xách tay…

Được biết, những vướng mắc của anh chị đang được tháo gỡ sau thời gian dài làm hồ sơ kiến nghị. Mới đây, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã có hướng dẫn gia đình thành lập Công ty TNHH Kỹ nghệ than đá Quốc Bình. Nếu việc thành lập doanh nghiệp ổn thỏa, vấn đề mua nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm sẽ được giải quyết.

Nhưng niềm vui lớn nhất của anh chị là đã tìm được truyền nhân, đó là 2 cậu con rể. Đang miệt mài đục, gọt chiếc đế lộc bình, anh Nguyễn Phạm Phương Thanh, con rể anh Quyết kể: “Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, tôi lấy con gái út của bố Quyết, mẹ Bình, rồi dần theo nghề này được hơn 2 năm rồi. Vất vả lắm, nhiều lần làm hỏng sản phẩm, tôi đã định bỏ nghề. Nhưng đêm về, nghe vợ động viên, lại quyết tâm học hỏi”.

Ông Duy Thanh, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, Sở đã nhận được kiến nghị của gia đình anh Quyết và đang phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục để có cơ sở pháp lý mua nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm…

“Tuy nhiên, đối với việc mua than từ các mỏ để về chế tác, hiện nay vẫn còn vướng mắc từ phía Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam do sản phẩm than tiêu thụ cho cơ sở chế tác chưa nằm trong danh mục nào. Hiện nay, Sở đang tiếp tục làm việc để sớm tháo gỡ khó khăn này…”, Vị phó giám đốc Sở nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.