Quân sự

Đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới có thể được ngăn chặn?

07/06/2020, 09:22

Một quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ cho biết cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí tích cực.

img
Quân đội Ấn Độ - ảnh tư liệu.

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ngày 6/6 đã tổ chức cuộc đàm phán cấp cao với cách tiếp cận cho thấy 2 bên có ý định chấm dứt tình trạng đối đầu quyết liệt kéo dài một tháng qua ở vùng núi phía Đông Ladakh.

Phái đoàn đàm phán của quân đội Ấn Độ do Trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh Quân đoàn 14 đóng tại Leh (thủ phủ Ladakh) dẫn đầu, trong khi phía Trung Quốc do Thiếu tướng Liễu Lâm, Tư lệnh Chiến khu Nam Tân Cương làm trưởng đoàn.

Một quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ cho biết cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí tích cực.

Phái đoàn Ấn Độ tham gia đàm phán đã yêu cầu khôi phục hiện trạng ở tất cả các khu vực nhạy cảm dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), cũng như đề nghị phía Trung Quốc rút quân tăng viện khỏi khu vực này.

Tuy nhiên, theo báo chí Ấn Độ, Quân đội và Bộ Ngoại giao nước này không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc đàm phán.

Người phát ngôn Lục quân Ấn Độ chỉ lưu ý rằng các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục can dự thông qua các kênh quân sự và ngoại giao có sẵn để giải quyết tình hình hiện tại ở khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc.

Cuộc đàm phán ngày 6/6 diễn ra một ngày sau khi Ấn Độ và Trung Quốc tổ chức cuộc họp ngoại giao, trong đó hai bên nhất trí giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, trong khi tôn trọng các vấn đề nhạy cảm và quan ngại của nhau.

Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng đáng kể binh sĩ đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sĩ đến vùng Ladakh trên dãy Himalaya để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo LAC hiện được coi là biên giới với Trung Quốc.

Hôm 1/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang duy trì các kênh liên lạc ngoại giao và quân sự về những vấn đề tại các khu vực biên giới giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng tình hình biên giới giữa hai nước nhìn chung ổn định và trong tầm kiểm soát.

Ông Triệu Lập Kiên tin tưởng rằng các vấn đề giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể được giải quyết một cách thỏa đáng thông qua đàm phán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.