Hạ tầng

Đổi đời khi nhường đất làm cao tốc, sân bay: An cư trong khu tái định cư

10/02/2023, 06:13

Không chỉ xây nhà lầu, sắm được xe hơi, sinh kế lâu dài của những hộ dân ở khu tái định cư đều được đảm bảo, nơi ở mới tốt hơn nhiều lần...

Kỳ 1: Đổi đời khi nhường đất làm cao tốc, sân bay

Kỳ 2: An cư trong khu tái định cư

Không chỉ xây nhà lầu, sắm được xe hơi, sinh kế lâu dài của những hộ dân ở khu tái định cư đều được đảm bảo. Nhiều người thừa nhận cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn nhiều lần nơi ở cũ.

Đi lại, học hành, chữa bệnh thuận tiện hơn

img

Những dãy nhà cao tầng, khang trang, hiện đại mới mọc lên tại khu tái định cư ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An khiến nhiều người liên tưởng tới những khu biệt thự ở thành phố lớn

Ngày 28/1, trong chuyến kiểm tra tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã ghé thăm và chúc Tết bà con nhân dân ở khu tái định cư xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, Thủ tướng đã tới thăm và trò chuyện với nhân dân thôn 4 - nơi có 95 hộ dân đã bàn giao đất cho dự án để chuyển về nơi ở mới.

Chia sẻ với Thủ tướng, người dân cho biết, trước khi dự án triển khai, nhiều người cũng có những băn khoăn, lo ngại vì sợ không bằng nơi ở cũ.

Tuy nhiên, khi ra nơi ở mới, họ choáng ngợp bởi hạ tầng khang trang, rộng rãi hơn rất nhiều so với mường tượng trước đó. Trong hội trường thôn 4, hàng trăm người dân bao quanh đoàn công tác của Thủ tướng để được trò chuyện, kể với Thủ tướng những niềm vui khi ra nơi ở mới.

Theo ghi nhận, dọc các tuyến đường giao thông rộng hơn 10m, hàng loạt các ngôi nhà xây từ 2 - 3 tầng với diện tích từ 200m2 trở lên xây nối liên nhau trông không khác khu biệt thự ở những thành phố lớn. Cạnh đó là khu trạm y tế, nhà văn hóa thôn rộng hàng nghìn m2, có đầy đủ sân chơi cho các cháu thiếu nhi.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh (84 tuổi) chia sẻ: “Trước kia, nhà văn hóa nơi ở cũ rộng chưa tới 500m2 nhưng ra đây rộng gần 2.000m2, chúng tôi có nơi sinh hoạt rộng rãi, các cháu có sân chơi thì ở đâu bằng”.

Chỉ tay về phía ngôi trường khang trang, bề thế, ông Tĩnh cho hay, trước đây tại nơi ở cũ, các cháu ông đi học rất xa, trong khi trường lớp xập xệ. Từ khi chuyển ra nơi ở mới, việc học hành thuận lợi hơn rất nhiều. Chưa kể, trước đây khi ốm đau phải lên tận huyện, tỉnh thì giờ có thể vào ngay trạm y tế trong khu tái định cư để thăm khám, điều trị ban đầu.

“Nơi ở mới tốt gấp 3 lần nơi cũ!”

Tại Nghệ An những ngày đầu năm mới, về khu tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam ở xóm 5, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, chúng tôi không khỏi choáng ngợp. Giữa làng quê lam lũ, hàng chục ngôi biệt thự mới mọc lên san sát. Hệ thống hạ tầng, điện, đường, nước sạch… cũng được đầu tư bài bản, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Đại, Xóm trưởng xóm 5 cho biết: “Nơi này so với trước đây phải tốt gấp 2, gấp 3 lần. Trường học, nhà văn hóa đều khang trang, rộng rãi, việc học hành của con em chưa bao giờ được thuận lợi thế này”.

Không chỉ ở Nghi Phương mà cuộc sống của người dân ở 27 khu tái định cư khác của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An đều tốt hơn nơi ở cũ. Điển hình như các khu Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai), Diễn Phú (Diễn Châu), Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên)…

Trong khi đó, tại các khu tái định cư ở xã Yên Hồ và Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) người dân cũng đã sớm ổn định cuộc sống. Anh Tống Đình Hiển (SN 1982, ở xóm Vĩnh Hòa, xã Quang Vĩnh) cho biết: “Đến nay, gia đình đã đón 2 cái Tết ở khu tái định cư. Nơi ở mới, rộng rãi, cao ráo hơn; hệ thống đường giao thông, điện, nước được đầu tư mới, đồng bộ… nên công việc sửa chữa máy nông nghiệp và xe của tôi cũng thuận lợi hơn nhiều!”.

Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, địa phương bố trí tái định cư cho 95 hộ dân, trong đó chủ yếu là nhân dân thôn 4. “Ở nơi mới hạ tầng được đầu tư rất tốt, đường sá rộng rãi, các cháu đi học từ cấp mầm non đến THCS đều thuận tiện hơn nhiều vì đường cũ mở rộng, đi qua hầm chui cao tốc. Đối với công việc của bà con thì cơ bản ổn định.

Trước đây, thu nhập bình quân 1 năm khoảng 49 - 54 triệu đồng/người. Nhưng khi ra khu tái định cư đã đạt hơn 70 triệu đồng/người. Trước kia nhiều hộ phụ thuộc vào đất nông nghiệp, trông cây lâu năm nhưng nay nhiều người đi làm công nhân và mở các cửa hàng tạp hóa, sửa chữa cơ giới, tạo nguồn thu nhập ổn định”, ông Hùng chia sẻ.

An cư rồi lạc nghiệp

img

Bên trong căn biệt thự sân vườn của gia đình anh Phạm Tất Thắng (ở xóm Phú Điền, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) tại khu định cư Hưng Thành

Đã nhiều năm kể từ ngày nhường đất xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để vào các khu tái định cư, đến giờ cuộc sống của các hộ dân đã ổn định.

Tại khu tái định cư Cống Chùa, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi hơn 30 hộ đã xây dựng nhà ở từ năm 2015. Anh Trần Hồng Cơ, một trong số các hộ dân chia sẻ, đường giao thông, điện chiếu sáng, trường học, trạm y tế được đầu tư đồng bộ đã giúp các hộ dân yên tâm sinh sống, làm ăn.

“Với những hộ dân có đất nhường cho dự án lên đến hàng nghìn m2, khi về đây họ được nhận rất nhiều đất đền bù, có người làm trang trại chăn nuôi, có người lại xây nhà xưởng cho thuê, cuộc sống khấm khá hẳn so với trước”, anh Cơ kể.

Dọc theo Tỉnh lộ 623B về phía Tây, khu tái định cư Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa như một đô thị thu nhỏ khi những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Kể từ khi hình thành khu tái định cư, giá đất tại đây cũng tăng lên, kích cầu giá đất ở các khu dân cư hiện hữu.

Anh Võ Trực, xã Nghĩa Kỳ chia sẻ: “Khi vào đây, vợ tôi chuyển từ làm ruộng sang buôn bán ở chợ. Còn tôi thì xin được vào làm công nhân ở khu công nghiệp Quảng Phú. Cuộc sống ở nơi này khác hoàn toàn so với thời nghèo khó khi xưa”.

Ghi nhận tại các khu tái định cư dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cũng cho thấy, ngoài việc xây được nhà lầu, sắm sửa các vật dụng tiện nghi, sinh kế của người dân cũng được đảm bảo lâu dài.

Tại khu tái định cư xã Thủy Bằng, TP Huế, nằm sát bên QL49, 1 trong 9 khu tái định cư dự án Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Xuân Dũng (59 tuổi) cho biết, ngoài được bố trí 400m2 đất, gia đình ông nhận được số tiền đền bù khá lớn. Có tiền, ông bỏ nghề lái xe đường dài và sắm ô tô, chuyển qua nghề lái taxi, thu nhập khá hơn và không phải đi biền biệt như trước.

“Xây nhà chỉ hết một nửa diện tích, chỗ còn lại gia đình có thể mở quán hoặc cho thuê mặt bằng làm quán cà phê hay quán nhậu”, ông Dũng cho hay.

Tại khu tái định cư xã Phong Mỹ, TP Huế, vợ chồng ông Võ Mật và bà Nguyễn Thị Mai là một trong những hộ dân đã tới an cư đầu tiên. Với số tiền đền bù được hơn 850 triệu đồng, vợ chồng ông Mật xây dựng căn nhà trên một nửa diện tích 500m2, hết khoảng 500 triệu đồng, số tiền còn lại ông đầu tư vào chăn nuôi. Hai người con của vợ chồng ông cũng xây dựng nhà ở gần đó với diện tích hộ phụ được cấp rộng 200m2 và cũng vừa xin được việc tại một khu công nghiệp ngay cạnh nhà.

Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, khu tái định cư bố trí cho các hộ dân nhường đất làm cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được Nhà nước đầu tư rất khang trang và đời sống của bà con hiện nay khởi sắc hơn nơi ở cũ rất nhiều.

Liên quan đến sinh kế lâu dài, ông Lành cho hay, ngoài những người đi làm công nhân, mở xưởng sản xuất, tiệm buôn bán, với những người chưa có công việc ổn định, xã cũng đã xem xét giải quyết cho thuê đất sản xuất khi họ có nhu cầu, với tiêu chuẩn 1,5 ha/hộ để trồng cây lâm nghiệp, keo tràm.

Phải quan tâm cuộc sống, sinh kế của người dân

Tới thăm người dân ở khu tái định cư xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày 28/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn tới bà con đã nhường nơi ở cho dự án. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy bà con chia sẻ cuộc sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và luôn ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm ăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.