Hạ tầng

Đổi đời nhờ đường giao thông nông thôn: Thênh thang đường làng, ngõ xóm

06/07/2015, 07:18

Xã Hòa Đồng - một trong những địa phương đi đầu về tiến độ bê tông hóa GTNT của huyện và tỉnh Phú Yên.

91
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao mô hình phát triển GTNT tại Phú Yên Ảnh: Xuân Huy

Không phải ngẫu nhiên trong lần kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tây Hòa (Phú Yên) mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đặc biệt ấn tượng mô hình hỗ trợ 100% chi phí xi măng, để tạo đà “đối ứng” tiền, ngày công, phát huy sức dân, đẩy nhanh tốc độ hoàn thành tiêu chí GTNT trên địa bàn tỉnh.

2 năm làm đường bằng 40 năm cộng lại

Chúng tôi theo đoàn xe chạy bon bon dọc con đường to rộng, đổ bê tông xi măng từ xã Hòa Đồng sang Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa). Dù chưa cán đích nông thôn mới nhưng bộ mặt nông thôn như được “thay áo mới”. Thống kê của UBND xã Hòa Đồng, hiện xã hoàn thành gần 35 km đường liên thôn, xóm, (đạt gần 80%) trở thành một trong những địa phương đi đầu về tiến độ bê tông hóa GTNT của huyện và cả tỉnh Phú Yên. Ngoài ra xã đã cứng hóa hơn chục km đường giao thông nội đồng.

"Hạ tầng GTNT ở Tây Hòa, Phú Yên được cải thiện rõ rệt, người dân đi lại thuận lợi, đời sống kinh tế, xã hội vùng nông thôn được tạo đà phát triển”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể

Theo ông Đinh Ngọc Sum, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, người dân đều tự nguyện hiến đất, phá tường rào, vật dụng kiến trúc để làm đường. Phong trào GTNT thiết thực, sôi động. Năm 2015, xã đặt mục tiêu bê tông hóa 100% tuyến đường liên thôn, xóm, đạt tiêu chí 2 xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Hòa Đồng lên phương án bê tông hóa gần 2km đường liên xã nối với xã Hòa Phong, với kinh phí nhân dân “đối ứng” chừng 500 triệu đồng… “GTNT không chỉ thay đổi diện mạo làng xã, mà còn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm, chung sức đồng lòng của tất cả các hộ dân trên địa bàn”, ông Sum nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho hay, 5 năm triển khai chương trình GTNT (2010-2014), huyện đã bê tông hóa được 285km, tăng gấp 6,3 lần so với kết quả đạt được trong 5 năm trước đó, và gấp 8,7 lần chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015. Hiện, bình quân mỗi xã, thị trấn trên địa bàn có 26km được bê tông hóa. “Chỉ cần 2-3 năm làm đường GTNT theo chương trình nông thôn mới đạt kết quả tương đương 40 năm trước đây”, ông Thọ nhấn mạnh

“Bê tông hóa" sức dân

Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ 100% chi phí xi măng, chở đến tận công trình để làm đường, cống thoát nước; đồng thời hỗ trợ 2 triệu đồng/km để quản lý, giám sát thi công. Tỉnh giao trách nhiệm Sở Tài chính thanh quyết toán công trình nhanh, gọn và không thu thuế; Sở Xây dựng thiết kế mẫu đường bê tông nông thôn (rộng 3 mét, bê tông dày từ 16-18 cm. Chi phí còn lại, chính quyền huyện, xã, thôn và nhân dân “đối ứng”.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở GTVT Phú Yên, hiện tỉnh đã bê tông hóa trên 900km, xây mới, sửa chữa hơn 2.600m cầu, cống các loại, với tổng kinh phí đầu tư hơn 969 tỷ đồng chương trình nông thôn mới. Năm 2015, tỉnh tiếp tục thực hiện 500km đường GTNT bằng bê tông xi măng đạt hơn 100% kế hoạch đề án.

Ông Trí cho hay: “Mô hình hỗ trợ 100% xi măng như mở đường “bê tông hóa” sức dân. Các địa phương, người dân hồ hởi hưởng ứng. Có những lúc cơ sở đăng ký nhiều, tỉnh tưởng chừng “vỡ quỹ”, xuất tiền không kịp. Hiện, nhiều địa phương chưa cán đích nông thôn mới, nhưng hầu hết tiêu chí 2 về GTNT về đích sớm, thực sự góp phần thay đổi diện mạo, đời sống người dân. “Giao thông huyết mạch, đi trước mở đường phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trí nói.

Còn ông Thọ cho rằng, chương trình GTNT được quán triệt, triển khai đồng bộ đến các cấp chính quyền, cơ sở, người dân và thực hiện công khai, minh bạch tạo sự đồng tình, tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp của cả hệ thống chính trị. Huyện vận động từ CBCNV đóng góp 1 ngày công/năm, huy động các tổ chức, người dân cùng tham gia.

Dưới cơ sở, ông Đinh Ngọc Sum đúc kết: “Từ khi triển khai chương trình nông thôn mới, các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động, chủ trương, chính sách, kinh phí đóng góp “đối ứng” của người dân với tinh thần“dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Đặc thù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng người dân đồng lòng đóng góp 2,5-2,6 triệu đồng/khẩu làm đường.

Đổi thay

Diện mạo xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Phú Yên đang đổi thay từng ngày. Những con đường, cổng thôn, nhà văn hóa… thêm khang trang, to đẹp. Không ít ngôi nhà cao tầng, bề thế “tô điểm” cho bộ mặt làng quê. Theo thống kê UBND xã Bình Kiến, triển khai nông thôn mới, toàn xã đã huy động trên 256,8 tỉ đồng; trong đó, doanh nghiệp đóng góp 16,9 tỉ đồng, nhân dân đóng góp trên 156 tỉ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương và của tỉnh.

GTNT thuận lợi, Bình Kiến quy hoạch các vùng sản xuất kinh tế, chuyên canh cây cảnh, rau màu làm khâu đột phá, đặc biệt là vùng chuyên canh trồng hoa cây cảnh với diện tích 45ha tại các thôn Liên Trì 2, Liên Trì 1 và Phú Vang.

Lãnh đạo HTX Bình Kiến 1 cho hay, đơn vị phối hợp mở 16 lớp hướng dẫn trồng cây cho hàng trăm lượt người dân. Tại HTX Bình Kiến 2, tám lớp hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”; kỹ thuật trồng hoa cây cảnh, nấm linh chi, bào ngư được tổ chức đều đặn. Theo ông Nguyễn Chí Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến, GTNT kết nối xã  về KCN An Phú, với 16 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động và có 355 hộ sản xuất kinh doanh cá thể cung ứng các mặt hàng đa dạng, phong phú, tạo việc làm, ổn định phát triển đời sống cho người dân. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.