Hạ tầng

Đổi đời nhờ đường mới

17/11/2016, 05:58
image

Trở lại QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên sau hơn một năm các tuyến huyết mạch này hoàn thành, đưa vào khai thác...

1

QL1 qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Vĩnh Phú

Trở lại QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sau hơn một năm các tuyến huyết mạch này hoàn thành, đưa vào khai thác, PV Báo Giao thông đã chứng kiến nhiều đổi thay, nhất là về đời sống và giao thương phát triển kinh tế - xã hội của người dân.

Làm ăn khấm khá

Đi dọc tuyến QL1 qua các tỉnh Duyên hải miền Trung sau ngày được nâng cấp, mở rộng bằng hình thức đầu tư BOT; PV chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây “thay da đổi thịt” so với hơn một năm trước khi công trường còn bề bộn.

Mỗi ngày, bà Đinh Thị Thu (trú xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tất bật với tiệm Mì Quảng ngay mặt tiền QL1 (thuộc công trình BOT của nhà đầu tư CECO545) lúc nào cũng nườm nượp khách. Bà Thu nói: “Đường sá rộng rãi, mọi người đi lại nhiều hơn, chỗ đỗ xe thoáng đãng, quán đông khách từng ngày. Trước đây, bán tốt lắm chỉ được 100 tô/ngày, giờ tôi bán gần 400 tô. Giá mỗi tô vẫn giữ nguyên nên lợi nhuận tăng gấp 4-5. Số tiền này tôi dành dụm để con cái ăn học và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh”.

Dự án QL1 được đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1 có chiều dài 1.475 km, gồm hai đoạn chính: Đoạn Hà Nội - Thanh Hóa dài 133 km đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 12/2013 và đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ dài 1.342 km chia thành 38 dự án (không bao gồm dự án Đèo Cả và tuyến tránh Cai Lậy); trong đó, 18 dự án đầu tư bằng hình thức BOT và 20 dự án đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Đối với QL14, chiều dài 419 km được chia thành 11 dự án, gồm 5 dự án BOT và 6 dự án Trái phiếu Chính phủ.

Tại Hà Tĩnh, ghi nhận của PV gần một năm nay, trên trục đường này xuất hiện nhiều điểm dừng nghỉ, lò cu-đơ (đặc sản Hà Tĩnh) để phục vụ hành khách. Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ cửa hàng kẹo cu-đơ Thu Thủy cho biết, sau khi đường được cải tạo, xe khách, xe du lịch qua lại nhiều, sẵn có nghề truyền thống nên gia đình quyết định đầu tư mở một cơ sở sản xuất kẹo cu-đơ. Lượng kẹo nhiều khi làm không đủ bán, doanh thu nhờ đó mà liên tục tăng.

Ghi nhận của PV, tình hình giao thông trên QL1 đoạn Dầu Giây đến giáp ranh huyện Hàm Tân (Bình Thuận) êm thuận, nhiều đoạn được lắp dải phân cách nên các phương tiện giao thông lưu thông an toàn, tránh được tai nạn đối đầu. Anh Trần Minh Thiện (ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc), chủ quán cà phê Việt Kiều rộng hơn 1.000m2 nằm trên QL1 cho biết: “Từ ngày QL1 được nâng cấp khang trang, người dân đều vui mừng, nhiều cửa hàng, trạm dừng chân liên tục mọc lên”.

Anh Võ Đình Cường, chủ Trạm dừng chân Hưng Thịnh (huyện Xuân Lộc) cho biết, từ khi tuyến QL1 hoàn thành, những đoàn khách du lịch ghé trạm dừng chân tăng cao hơn. Tiếp tục mở rộng kinh doanh, cách đây vài tháng, gia đình anh vừa đưa vào hoạt động Trạm dừng chân Hưng Thịnh 3 (huyện Xuân Lộc) bao gồm cây xăng, bãi đỗ xe rộng rãi, khu nhà ăn thoáng mát phục vụ hành khách.

Tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên từ khi đưa vào khai thác cũng khiến nhiều người dân đổi đời. Anh Đào Trung Kiên, ngụ thôn 1, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông tâm sự: “Hai vợ chồng lấy nhau ở quê rồi cùng lên Tây Nguyên sinh sống được gần 10 năm. Nhiều năm trước, đường Hồ Chí Minh là con đường nắng bụi, mưa lầy, vợ chồng muốn buôn bán, kiếm kế sinh nhai cũng khó. Đã nhiều lần vợ chồng tôi tính bỏ về quê sinh sống, nhưng từ khi đường mới hoàn thành, tôi quyết định dốc hết vốn đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng”.

Kể từ đó, cuộc sống gia đình anh đã sang trang mới. Anh Kiên tiếp tục bỏ vốn mở thêm nhiều cửa hàng nữa bên đường Hồ Chí Minh, đồng thời đầu tư mua hai xe tải chuyên chở vật liệu và làm ăn rất khấm khá. “Khi chủ đầu tư dự án BOT Đức Long Đắk Nông không tìm ra giải pháp thoát nước cho đoạn đường qua nhà tôi, nên mới đây vợ chồng tôi quyết định cho xẻ nền móng nhà để làm hệ thống thoát nước, đảm bảo chất lượng tuyến đường”.

Ông Nguyễn Trung Kiên, phụ trách dự án Trang trại Chăn nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú 1 (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, thuộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai) cho hay: “Đường Hồ Chí Minh đẹp, thuận lợi cho việc đầu tư, nên đầu năm 2016, công ty được UBND tỉnh giao 75ha đất rừng (trước thuộc một hợp tác xã trồng rừng). Khi đường hoàn thành, chúng tôi quyết định xây dựng trang trại nuôi bò. Tháng 10/2016, chúng tôi đã nhập những đàn bò đầu tiên từ Thái Lan về”.

Xem thêm video:



2

QL1 qua Quảng Trị

Rút ngắn tối đa hành trình

Ông Trần Sơn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Sơn Tùng (Quy Nhơn, Bình Định) - một đơn vị vận tải lớn trên địa bàn với gần 30 đầu xe khách tỏa đi các tuyến Đà Nẵng và Khánh Hòa quả quyết, từ khi có các trạm thu phí, đơn vị mỗi tháng đóng hơn 100 triệu đồng mua vé. Nhưng nếu cân đối với các lợi ích về độ an toàn, giảm hao mòn phương tiện, chi phí nhiên liệu… doanh nghiệp vận tải vẫn lợi hơn rất nhiều. “Trước đây, từ Quy Nhơn đi Đà Nẵng mất khoảng 7 tiếng, nay chỉ còn 6 tiếng; Tiêu hao nhiên liệu 81 lít nay còn 75 lít… Đặc biệt là việc giảm tối đa nạn ùn tắc, kẹt xe và mất ATGT”, ông Tùng phân tích. Mới đây, đơn vị này tiếp tục mở thêm tuyến Quy Nhơn - Đắk Nông với ba đầu xe chạy gối đầu.

Theo ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hải Vân, ngay sau khi QL1 khánh thành, lượng khách tăng trưởng khá nên ông đầu tư thêm 7 xe khách giường nằm, hoạt động ổn định trên các tuyến miền Trung.

Tại cảng Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định), PV chứng kiến từng đoàn xe container nhộn nhịp vào cảng bốc xếp hàng. Ông Trần Chiến Thắng, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP cảng Thị Nại cho biết, từ khi có QL1 mới, lượng xe ở các tỉnh ngoài đổ về Quy Nhơn nhiều hơn. Đường đẹp, thông thoáng nên rút ngắn được thời gian, cảng không bị ứ hàng. So với các năm trước, lượng xe ra vào cảng hiện nay tăng khoảng 50 lượt/ngày. Các tháng cao điểm mỗi ngày có khoảng 250 - 300 lượt xe ra vào cảng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Định đánh giá, từ khi đưa vào vận hành, khai thác công trình QL1, lưu lượng các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua địa bàn tỉnh Bình Định tăng cao. Hành trình vận chuyển được rút ngắn tối đa, chi phí vận chuyển giảm, nhiên liệu và độ hao mòn phương tiện cũng được cải thiện. Bên cạnh đó, sự thông suốt trong giao thông của tuyến đường huyết mạch này còn tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư đến với Bình Định, từ đó tạo nên những bước đột phá trong sự phát triển của tỉnh.

Theo ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý KKT mở Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam), thời điểm sau khi khánh thành QL1, số doanh nghiệp đầu tư vào KKT này tăng vượt bậc. Hiện, trên địa bàn KKT mở Chu Lai có hơn 110 dự án đã cấp phép đầu tư, tổng vốn đăng ký 2,02 tỷ USD. Các tập đoàn lớn từ: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… liên tục đánh tiếng đầu tư vào KKT mở Chu Lai, chiếm hơn 26% tổng số doanh nghiệp tại đây.

Ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết, sau QL1, tỉnh đầu tư, nâng cấp đường nối từ QL1 vào KKT Dung Quất giúp lưu thông hàng hóa ra vào KKT thuận lợi hơn. Hiện, có 132 dự án đầu tư vào KKT Dung Quất với tổng vốn đăng ký 10,5 tỷ USD và đã có 82 dự án đi vào sản xuất kinh doanh với tổng vốn khoảng 5 tỷ USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.