Xã hội

Dời lư hương về đền thờ: Có xâm phạm di sản văn hóa?

26/02/2019, 00:52

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, dời lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo về đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo không có vấn đề gì cả.

img
Tượng đài Trần Hưng Đạo (Quận 1, TP.HCM)

Việc Quận 1 (TP.HCM) di dời lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo về đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã vấp phải những tranh cãi gay gắt. Không ít ý kiến cho rằng, thành phố đang xâm phạm một di sản văn hóa mà cha ông để lại từ những năm trước 1975.

Nói về điều này, Giáo sư - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền nhận định, lư hương để ngoài trời chỉ là để người dân tỏ lòng kính trọng với các danh nhân. Còn trong đền thờ mới là nơi thắp hương chính.

“Việc đưa lư hương về đền thờ, tôi nghĩ không có vấn đề gì cả mà nói xâm phạm di sản. Tượng đài không phải tượng thờ, không phải là nơi thờ cúng mà là nơi để chiêm ngưỡng, để người dân nhớ tới công lao của vị đại anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo”.

img
Giám sư - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền

Cùng với nhận định này của nhà nghiên cứu, nhà điêu khắc Phú Cường đã chia sẻ hiện nay, quan niệm giữa tượng đài và tượng thờ theo văn hóa Việt Nam vẫn chưa thống nhất. Người dân thường quan niệm, ở mỗi bức tượng danh nhân có thế giới tâm linh nên mọi người đều rất tôn trọng.

Liên quan tới tượng đài và tượng thờ, một nhà điêu khắc cho biết, có hiện tượng một số nhà tài trợ lạm dụng, muốn cầu lợi nên biến tượng đài thành tượng thờ ngoài trời, làm sai lệch nội dung của tượng. Nhà điêu khắc này đưa ra hai ví dụ là hai bức tượng đài Thánh Gióng tại núi đá Chồng (Sóc Sơn, Hà Nội) và tượng Nguyên Phi Ỷ Lan tại khu di tích Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan (Gia Lâm, Hà Nội).

Trước đó, ngày 18.2, Bí thư Quận ủy Q.1 (TP. HCM) Trần Kim Yến cho biết, thành phố quyết định di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh về đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu. Theo bà Yến, hành động này để việc thờ cúng, dâng hương dâng hoa được thực hiện trang nghiêm hơn, đúng vị trí hơn.

Tuy nhiên, việc di dời lư hương đã gây ra những phản ứng trái chiều từ người dân. Bởi lâu nay, người dân vẫn quen đến dưới chân tượng đài để thắp nhang, để tưởng nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương.

Ngay sau đó, một thông tin chính thức khác được gửi đi từ lãnh đạo Q1 lại cho biết việc dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo là do khu vực này đang sửa chữa, tôn tạo. Quận 1 không đề cập tới việc sau khi hoàn tất việc tôn tạo khu vực này thì lư hương có được đưa trở lại hay không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.