Chuyện dọc đường

Đôi mắt người mẹ

10/05/2020, 23:08

Sau khi nghe HĐXX phiên giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, người phụ nữ gần như quỵ xuống.

img
12 năm đối với một người tù bị tuyên án tử là rất dài, nhưng với một người mẹ đi kêu oan cho con thì hành trình đó có lẽ cũng chẳng thấm gì. Ảnh: Thanh niên

Đó là bà Nguyễn Thị Loan, người mẹ đã đứt ruột đẻ một đứa con mà để rồi sau này dùng gần như cả phần đời còn lại để đi tìm sự sống cho đứa con ấy một lần nữa.

Cuối năm 2008, Hồ Duy Hải, con trai bà Loan bị TAND tỉnh Long An tuyên án tử do được xác định là thủ phạm gây ra cái chết của 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Từ đó, hành trình của người mẹ đi kêu oan cho con bắt đầu.

12 năm cho những thử thách, những chông gai. 12 năm đối với một người tù bị tuyên án tử là rất dài, nhưng với một người mẹ đi kêu oan cho con thì hành trình đó có lẽ cũng chẳng thấm gì.

12 năm ấy, tôi không phải lúc nào cũng theo dõi hết diễn biến câu chuyện. Nhưng từ các phương tiện thông tin đại chúng, thi thoảng, tôi vẫn thấy hình ảnh một người phụ nữ tần tảo với gương mặt gầy gò, lân la từ Nam ra Bắc, gõ hết những “cánh cửa” mà bà biết chỉ để làm một việc duy nhất: kêu oan cho con. Nếu không phải là tấm lòng người mẹ, có lẽ sẽ chẳng có ai đủ kiên trì như thế, chẳng có ai vững niềm tin sắt đá như thế.

Tôi luôn bị ám ảnh bởi đôi mắt của những người mẹ. Lần này cũng thế. Đôi mắt ấy, đã có lúc tôi thấy ánh lên một niềm tin mãnh liệt như vào một ngày tháng 12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử đối với Hải để điều tra lại xem có oan sai. Đôi khi, lại là ánh mắt vô hồn khi nghe tin Liên ngành tư pháp Trung ương họp, xác định Hải không bị oan vào năm 2016.

Gần như chạm đến tận cùng của sự tuyệt vọng, bởi ngần ấy năm, qua bao cuộc trầm luân, bao nhiêu nước mắt và mồ hôi đổ ra chỉ thu về gần như một con số 0 tròn trĩnh. Tuyệt vọng, nhưng chưa bao giờ hết hy vọng. Người đàn bà ấy lại đứng dậy rồi đi tìm sự sống cho con mình.

Tôi tự hỏi, điều gì làm một người phụ nữ như bà lại trở nên mạnh mẽ đến thế. Có lẽ chỉ mình bà, và những người đã từng làm mẹ chứng kiến con trai mình sắp đi vào những ngày cuối cùng của cuộc đời mới hiểu hết được.

Tôi không nói đến chuyện đúng sai, việc ấy đã có cơ quan chức năng phán xét. Tôi cũng không biết Hồ Duy Hải có thực sự bị oan hay không. Điều này có lẽ chỉ mình Hải là rõ nhất. Tôi cũng tin rằng, bà Loan cũng chẳng chắc chắn được là con mình bị oan. Sự thật thì luôn là sự thật.

Ở đây, tôi chỉ nói đến tình thương và bản năng của người mẹ. Khi mà mọi mối nguy hiểm đang đổ dồn lên đầu đứa con mình dứt ruột đẻ ra, điều đầu tiên một người mẹ nghĩ đến, chắc chắn cứu nó.

Hôm nay là ngày của mẹ, ở nhiều nơi trên thế giới, tôi vẫn thấy những đứa con thể hiện tình cảm đối với mẹ mình. Có người tặng hoa, tặng quà, đưa mẹ đi du lịch. Nhưng dù bằng cách nào, tôi tin rằng, cách cảm ơn mẹ tốt nhất của một đứa con đối với mẹ là nên người. Dù rằng trong mắt mẹ, chẳng có đứa con nào trưởng thành cả. Dù nó có bao nhiêu tuổi, thì vẫn là một đứa trẻ, cần sự bao bọc và thương yêu.

Hôm nay là ngày của mẹ, nhưng đâu đó vẫn còn những người mẹ tần tảo đi quét rác, phụ hồ, làm những việc nặng nhọc chỉ để những đứa con của mình có một tương lai tốt đẹp hơn mẹ của nó. Và vẫn còn những người mẹ như bà Loan, vẫn lặn lội đi kêu oan cho con, dù thời gian dần cạn kiệt.

Xã hội ngoài kia, cạm bẫy thì nhiều, nhưng mẹ chỉ có một. Dù mẹ có làm bất cứ nghề gì, được xã hội nể trọng hay bị coi thường, thì lòng mẹ vẫn vậy. Chẳng có tình cảm nào chung thủy bằng tình yêu người mẹ dành cho con. Mỗi ngày trôi qua, trán mẹ thêm một nếp nhăn mới.

Nên trước khi làm gì, mong bạn hãy một lần, ngoảnh lại nhìn... mắt mẹ!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.