Quản lý

Đổi mới chương trình đào tạo thuyền viên, học phí có tăng?

07/05/2020, 18:56

Từ 1/5, chương trình đào tạo một số loại chứng chỉ thuyền viên phương tiện thủy tăng số môn học và thời gian học so với trước đây...

img
Từ tháng 5/2020, chương trình đào tạo thuyền viên phương tiện thủy tăng thêm môn học và giờ học

Theo quy định tại Thông tư số 06/2020 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa), từ 1/5, chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghề điều khiển phương tiện, chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện thủy đi ven biển (tàu VR-SB) tăng thêm khối lượng kiến thức, thời gian học.

Cụ thể, khóa học đào tạo chứng chỉ điều khiển phương tiện VR-SB 280 giờ, gồm các môn: hàng hải địa văn, thiết bị hàng hải, khí tượng thủy văn, quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển, điều động tàu. So với trước, chương trình mới tăng 130 giờ học và 2 môn.

Còn chương trình đào tạo cấp chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển có tổng thời gian học 75 giờ, với 2 môn: an toàn cơ bản và bảo vệ môi trường, an toàn sinh mạng trên biển. So với chương trình cũ, tăng 35 giờ học và bổ sung nội dung về đào tạo an toàn làm việc. Cùng với thay đổi chương trình đào tạo, số câu hỏi sát hạch cũng tăng lên 30 câu và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính.

Ngày 7/5, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đến nay các cơ sở đào tạo đã áp dụng dạy và học theo chương trình khung thống nhất đã được ban hành, trên cơ sở đó xây dựng giáo trình chi tiết. Về chi phí đào tạo, theo quy định hiện hành, các cơ sở đào tạo được tự quyết định về giá dịch vụ đào tạo.

Lãnh đạo một số cơ sở đào tạo cho biết, dù chương trình đào tạo có sự thay đổi, tăng môn học và giờ học, song hiện tại giá dịch vụ đào tạo không tăng so với trước đây.

“Chương trình đào tạo mới được áp dụng đúng vào thời kỳ dịch Covid-19, thu nhập của thuyền viên, người làm nghề phương tiện thủy giảm sút nên giá dịch vụ đào tạo không tăng. Hơn nữa, toàn quốc hiện có hơn 30 cơ sở đào tạo thuyền viên phương tiện thủy, các cơ sở phải tính toán mức giá phù hợp để cạnh tranh, thu hút người học, nên khó có khả năng tăng chi phí đào tạo” ông Bùi Đình Thiện, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT đường thủy II cho biết.

Tham khảo bảng giá dịch vụ đào tạo tại một số cơ sở đào tạo cho thấy, tổng chi phí học, lấy chứng chỉ chuyên môn (thủy thủ, thợ máy, lái phương tiện), chứng chỉ điều khiển tàu VR-SB từ khoảng gần 2 triệu đến 3,5 triệu đồng; lấy giấy chứng nhận thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất từ hơn 5 triệu đến hơn 7 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.