Chuyện dọc đường

Đổi mới cơ chế quản lý các “cổng trời”

20/10/2021, 06:00

Dự thảo đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng CHK” của Bộ GTVT lấy ý kiến các địa phương đang thu hút sự quan tâm.

Có thể nhận thấy ngay những điểm mới cần được ủng hộ trong cách tiếp cận, mục tiêu và yêu cầu chuyển đổi quản lý của Bộ GTVT trong việc quản lý hệ thống các cảng hàng không trên cả nước.

img

Sân bay Cát Bi, Hải Phòng

Theo đó, Bộ quản lý chuyên ngành muốn “nới rộng” chủ thể quản lý các sân bay qua việc phân cấp, phân quyền và nâng cao trách nhiệm của địa phương, nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường huy động nguồn lực, vốn đầu tư, khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Quan điểm, định hướng, lộ trình, bước đi để thực hiện việc chuyển đổi quản lý các sân bay được nêu trong dự thảo đề án là rõ ràng.

Tiêu chí phân loại các sân bay được đề xuất theo 3 nhóm để thực hiện phân cấp quản lý, có thí điểm là cần thiết.

Tuy nhiên, Đề án cần đặt trong bối cảnh chung của ngành giao thông, hiện trạng, tình hình hoạt động các sân bay, năng lực tiếp nhận của các địa phương.

Đặc biệt là cơ chế quản lý vốn Nhà nước hiện hành để đảm bảo việc “chuyển đổi cơ chế quản lý” đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng các sân bay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của ngành, liên kết vùng và của từng địa phương.

Các sân bay cũng chính là những “điểm nút” quan trọng trong chuỗi cơ sở hạ tầng logistics của vùng.

Vì vậy, bên cạnh việc tiếp cận theo mối quan hệ chuyển giao giữa Trung ương - địa phương, cần xem xét yêu cầu phát triển của từng vùng.

Để đáp ứng yêu cầu đó, các “cổng trời” này phải đảm bảo sự kết nối trong định hướng quy hoạch phát triển của toàn ngành hàng không, liên kết tốt với các phương thức giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển và đường sắt.

Việc chuyển giao sân bay về cho từng tỉnh quản lý phải đảm bảo không đi ngược lại yêu cầu sử dụng “tài sản chung” của toàn vùng.

Thí dụ, các sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá nằm trên địa bàn một địa phương, thực hiện chuyển giao cho địa phương đó quản lý, nhưng lại là “cơ sở hạ tầng dùng chung” của vùng ĐBSCL.

Việc chuyển giao không chỉ là việc chuyển đổi chủ thể quản lý mà phải đảm bảo yêu cầu phát triển vùng. Trách nhiệm đầu tư, khai thác, cơ chế quản lý đối với “tài sản dùng chung” cần được làm rõ.

Cùng với việc chuyển giao cơ chế quản lý, cần xây dựng cơ chế tạo nguồn, phân bổ ngân sách đầu tư để đảm bảo cho yêu cầu phát triển các sân bay ở địa phương.

Việc tổ chức thí điểm chuyển đổi cơ chế quản lý đối với sân bay Cát Bi, Hải Phòng nêu trong dự thảo Đề án là cần thiết.

Tuy nhiên, để có đủ cơ sở thực tiễn tổng kết, đánh giá việc thí điểm, cần tiến hành thí thêm ở một số sân bay khác, đại diện cho các vùng miền khác.

Theo đó, cần xem xét chọn lựa thêm hai sân bay trong các sân bay thuộc nhóm 3 dự kiến chuyển đổi cho địa phương quản lý để thực hiện thí điểm trong số các sân bay: Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

TS. Trần Hữu Hiệp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.