Chuyện dọc đường

Đổi mới để vươn xa

20/06/2022, 12:36

Đã xa rồi cái thời làm nội dung tốt thì bạn đọc sẽ tự tìm đến, thay vào đó là khẩu hiệu “bạn đọc ở đâu, báo chí phải ở đó”.

Tính đến nay, nền báo chí Cách mạng Việt Nam đã có 97 năm (21/6/1925 - 21/6/2022) đồng hành cùng đất nước.

Trong gần một thế kỷ qua, đi cùng sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, báo chí luôn thể hiện được vai trò, sứ mệnh của mình, là công cụ truyền thông hữu hiệu trong việc định hướng tư tưởng, hành động, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, báo chí đã và đang tham gia đắc lực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thanh lọc sự trì trệ và góp phần thúc đẩy sự đổi mới...

img

Bìa Báo Giao thông số đặc biệt với chủ đề "Đổi mới để vươn xa"

Tuy nhiên, cùng với sự biến chuyển của thời cuộc, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi từng ngày, nền báo chí cách mạng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh với mạng xã hội.

Bạn đọc đang ngày càng dịch chuyển từ đọc báo trực tiếp sang đọc báo và nhận thông tin từ các thiết bị điện tử, mạng xã hội. Theo đó, dòng tiền quảng cáo cũng chạy về các mạng xã hội nhiều hơn là các cơ quan báo chí.

Bối cảnh trên đang đẩy các cơ quan báo chí đến cuối của con đường hẹp. Điều này đặt ra cho các cơ quan báo chí một thách thức sống còn: Đổi mới hay là chết?

Thực tế cũng cho thấy, nhiều tờ báo trên thế giới đã từng bước thoát khỏi khó khăn nhờ đổi mới thành công. Điển hình nhất là tờ New York Times, khi tờ báo này đầu tư đổi mới công nghệ và từng bước thay đổi thói quen người dùng từ đọc báo miễn phí sang đọc báo có trả phí (năm 2021 có 7,5 triệu tài khoản đăng ký, doanh thu gần 1,7 tỷ USD).

Song song đổi mới công nghệ, điều khiến tờ báo giữ chân và lôi kéo được bạn đọc trả tiền chính là chất lượng nội dung…

Đã xa rồi cái thời làm nội dung tốt thì bạn đọc sẽ tự tìm đến, thay vào đó là khẩu hiệu “bạn đọc ở đâu, báo chí phải ở đó”. Nói như nhà báo Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, phải coi TikTok, Facebook… là những sạp báo. Điều đó đòi hỏi báo chí ngày nay muốn tồn tại và phát triển không thể tách rời công nghệ và mạng xã hội.

Thực tế cũng cho thấy, những tờ báo điện tử có lượng bạn đọc lớn nhất tại Việt Nam hiện nay đều có những “ông lớn” về công nghệ đứng sau.

Tuy nhiên, đây thực sự là cuộc chơi lớn, tốn kém mà đa phần các cơ quan báo chí vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay khó có thể chạy đua. Vậy báo chí phải làm gì để tồn tại và phát triển, làm thế nào để giải quyết được bài toán công nghệ, chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí? Báo chí sống chung với mạng xã hội như thế nào ?...

Nhân Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/ 2022), Báo Giao thông xuất bản ấn phẩm đặc biệt “Đổi mới để vươn xa”.

Số báo tập hợp những bài viết, những câu chuyện, chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo để trả lời cho các câu hỏi trên. Bên cạnh đó, số báo cũng truyền tải bài viết, phóng sự hấp dẫn quanh chuyện đời, chuyện nghề của người làm báo…

Báo Giao thông số đặc biệt gộp 3 số: 49, 50, 51, phát hành ngày 21/6/2022. Báo dày 124 trang, giá bìa 25.500 đồng.

Xin trân trọng gửi tới độc giả, doanh nghiệp và các đối tác ấn phẩm đặc biệt này như một lời tri ân của đội ngũ những người làm Báo Giao thông!

Báo Giao thông

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.