Quản lý

Đổi mới đường sắt nhìn từ chiếc máy chèn đá

07/05/2014, 07:13

Máy chèn đá Plaser 08-8GS hiện là một trong những thiết bị hữu dụng trong việc duy tu, sửa chữa đường ray, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Dây chuyền liên hợp giật - nâng - chèn của máy
Dây chuyền liên hợp giật - nâng - chèn của máy

Một giờ bằng 23 người làm một ngày


Cuối tháng 4/2014, tại ga Hương Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh, PV Báo Giao thông đã tận mắt chứng kiến máy chèn đá Plaser 08-8GS hoạt động. Nhìn bề ngoài, máy có phần giống đầu máy kéo của đoàn tàu Thống Nhất với hai ca bin điều khiển dây chuyền liên hợp nâng, giật, chèn. Trên cabin số 1, anh Nguyễn Hữu Linh lần lượt bấm các nút thao tác, từng thanh tà vẹt nhẹ nhàng nhích lên. Hai bộ bánh kẹp cặp chặt vào đường ray và nhấc bổng để 8 mũi búa chèn cắm thẳng xuống nền đá rồi từ từ khép lại như gọng kìm, gom đá xung quanh ép chặt vào đế tà vẹt. 60 phút sau, máy Plaser 08-8GS đã chèn xong 300m đường.


Anh Nguyễn Xuân Thọ, Cung Trưởng cung đường Phúc Trạch cho biết, với 300m đường, nếu chèn thủ công phải cần tối thiểu 23 người làm việc liên tục cả ngày mới xong. 


Giám đốc Công ty Quản lý Đường sắt Thanh Hóa Phạm Minh Khôi - đơn vị đang được Tổng công ty Đường sắt VN giao quản lý máy Plaser 08-8GS khẳng định, chất lượng đường chèn máy tốt hơn nhiều so với đường chèn bằng thủ công. Trên thực tế, máy Plaser 08-8GS còn đáp ứng được việc đảm bảo cao độ mặt đường, lấy lại được độ trắc dọc trong khi công nhân lao động thủ công chỉ có thể chèn đá. “Mỗi công nhân một ngày chèn được 10m đường trong khi máy một giờ chèn 250 đến 300m” - ông Khôi nói.

Không thể nâng công suất vì vướng…cơ chế


Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chiếc máy Plaser 08-8GS được đưa vào vận hành từ năm 2003 với vốn đầu tư là 17,4 tỉ đồng cùng với 3 máy khác hoạt động trên chiều dài 3.000km đường sắt toàn quốc. Đến nay, qua 11 năm sử dụng, ông Phạm Minh Khôi cho biết sau khi trả nợ và lãi suất ngân hàng, giá trị khấu hao của Plaser 08-8GS hiện còn 670 triệu đồng và đến 2014 sẽ hết khấu hao.


Lý giải về thời gian hoàn vốn, ông Khôi đưa ra những con số: Chiều dài được giao vận hành máy từ Nam Định đến Quảng Bình là 519km. Tuy nhiên, trong 11 năm qua, tổng số km được duy tu bằng máy Plaser 08-8GS chỉ là 1.500km, bình quân một năm chỉ có 150km/519 km toàn tuyến được duy tu bằng cơ giới hóa. 
 

Theo thống kê của Công ty QLĐS Thanh Hóa, chỉ riêng 120km đường sắt thuộc địa phận đơn vị quản lý, nếu năm 2003 có 26,5 điểm xóc, lắc trên chiều dài 1km đường sắt, đến hết năm 2013 số điểm xóc, lắc chỉ còn 2,1 điểm trên 1km và đến hết quý I/ 2014 chỉ còn lại 0,63 vị trí xóc, lắc trên 1km đường. Hiệu quả rõ nhất của việc đưa máy Plaser 08-8GS vào duy tu là mặt đường êm thuận, tốc độ chạy tàu đoạn qua Thanh Hóa bình quân 79,8km/h, cao nhất trên mạng lưới đường sắt toàn quốc hiện nay. Đáng lưu ý, đến nay trên tuyến 120km đường sắt Bắc - Nam qua Thanh Hóa nhiều năm qua không xảy ra sự cố tàu trật bánh.  

“Để vận hành máy chèn đá, phải có giờ phong tỏa, khoảng thời gian giãn cách giữa hai đoàn tàu đảm bảo đủ cho máy đi và về từ ga đến khu vực làm việc và khoảng 1 giờ cho máy vận hành. Trong khi đó, để có được một giờ phong tỏa cần rất nhiều thủ tục, thậm chí trong dịp Tết hay ngày nghỉ lễ, số đoàn tàu chạy tăng lên là máy và công nhân chỉ có ngồi chơi xơi nước” - ông Khôi cho biết thêm.

Cũng theo lãnh đạo Công ty QLĐS Thanh Hóa, hiện tại chỉ có duy nhất một phương án là tăng số lượng thiết bị chèn đá đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa thay cho lao động thủ công vừa nâng cao chất lượng đường, vừa đảm bảo hiệu quả chạy tàu đồng thời bảo đảm ATGT.

 
“Do giờ thời gian phong tỏa rất hạn chế nên cách duy nhất là tăng thiết bị để cùng một lúc có thể tranh thủ làm tại nhiều vị trí. Trên đoạn từ Hà Ninh đến Quảng Bình có thể tăng thêm 2, 3 thiết bị nữa thì vẫn có thể đảm bảo hiệu quả và năng suất của thiết bị. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư thêm thiết bị để tăng cường việc cơ giới hóa trong công tác duy tu thời gian tới nếu có cơ chế phù hợp” - ông Khôi khẳng định. 


Theo lãnh đạo Công ty QLĐS Thanh Hóa, ngoài máy chèn đá Plaser 08-8GS, đơn vị này còn quản lý một máy sàng đá RM 74 trị giá 87 tỉ đồng và một thiết bị máy đa năng KGT/V trị giá 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, máy chèn Plaser 08-8GS hiện đã chuẩn bị hết khấu hao, trong khi kinh phí dành cho việc đại tu máy Plaser 08-8GS với số tiền khoảng 7 tỉ đồng hiện chưa được phê duyệt. Trong khi đó, để đầu tư một chiếc máy mới như Plaser 08-8GS theo giá trị hiện nay cũng cần đến khoảng 50 tỉ đồng.  


Tuấn Anh - Văn Thanh - Văn Lộc
 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.