Hàng hải

Đội tàu biển Việt Nam thay đổi thế nào sau gần một thập kỷ?

14/01/2021, 11:07

Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam dù đã có xu hướng phù hợp với thị trường song vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với đội tàu “ngoại quốc”.

img

Sau gần một thập kỷ phát triển, đội tàu biển Việt Nam đã có sự thay đổi về cơ cấu nhưng vẫn thiếu năng lực cạnh tranh trên thị trường vận tải xuất nhập khẩu - Ảnh minh họa

Chuyển biến về “lượng” nhưng vẫn yếu về “chất”

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, đội tàu biển Việt Nam đã giảm 212 tàu. Tuy nhiên, về cơ cấu và trọng tải tàu đã từng bước phát triển phù hợp hơn so với nhu cầu.

Cụ thể, năm 2013, số lượng tàu vận tải biển Việt Nam là 1.788 tàu các loại (tàu vận tải hàng hóa là 1.333 tàu) với tổng dung tích 4,3 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 6,9 triệu DWT.

Trong đó, số lượng tàu hàng rời, tổng hợp là 1.112 tàu (chiếm 82%), tàu container là 26 tàu (chỉ chiếm 1,95%), tàu chở dầu hóa chất có 150 tàu (chiếm 11,3%), tàu chở khí hóa lỏng là 8 tàu (chiếm 0,6%) và 37 tàu khách (chiếm 2,8%).

Đến nay, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam giảm còn 1.576 tàu (trong đó đội tàu vận tải là 1.049 tàu) với tổng dung tích khoảng 6,1 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT.

Trong đó, tàu hàng rời, tổng hợp có 764 tàu, (chiếm 72%); tàu chở dầu, hóa chất có 162 tàu (chiếm 15%); tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 19 tàu chiếm (1,8%); tàu chở khách có 66 tàu (chiếm 6,2%) và đội tàu container được nâng lên 38 tàu (chiếm 3,6%). Tuổi tàu trung bình là 15,5 tuổi.

Mặc dù cơ cấu đội tàu đã có sự chuyển biến tích cực, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về số lượng, trẻ hơn đội tàu thế giới 5,8 tuổi (theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hiệp quốc). Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, sức cạnh tranh trên trường quốc tế của đội tàu Việt còn yếu.

Nguyên nhân bởi đa số các chủ tàu biển Việt Nam phát triển nhỏ, trong 1.049 tàu vận tải có đến 550 chủ sở hữu. Trong đó, chỉ có khoảng 30 chủ tàu sở hữu đội tàu trên 10.000 DWT, còn lại bình quân mỗi chủ tàu chỉ sở hữu từ 1 - 2 tàu.

Cơ cấu đội tàu cũng phát triển chưa hợp lý khi xu hướng vận tải hàng hóa trên thế giới theo hướng container hóa, đội tàu container Việt Nam chỉ có 38 tàu, chiếm tỷ trọng nhỏ nhoi (3,7%) trong cơ cấu đội tàu vận tải (đội tàu container thế giới chiếm 13% trong tổng cơ cấu đội tàu).

Cùng đó, trên thế giới đã phát triển loại tàu container có sức chở trên 20.000 TEUS, nhưng doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư được tàu có sức chở 1.800 TEUS.

“Như vậy, sự phát triển của đội tàu Việt Nam ngày càng cách biệt so với sự phát triển của đội tàu thế giới. Đó là lý do thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam ngày càng giảm, từ 10% (2015) chỉ còn 5% (2020)”, Cục Hàng hải chỉ rõ.

img

Thời gian qua, các hiệp hội và cơ quan chức năng đã đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có năng lực thanh thải tàu cũ, đóng tàu mới - Ảnh minh họa

Tài chính đầu tư vẫn là “nút thắt”

Nhận định nguyên nhân chất lượng tàu biển Việt Nam chưa cao, Cục Hàng hải cho rằng, hiện, nguồn hàng vận tải không ổn định, hợp đồng vận tải chủ tàu ký kết với khách hàng thường trong thời gian ngắn (1 - 2 năm). Do vậy, chủ tàu Việt Nam không dám đầu tư đóng mới tàu trong khi chưa ký kết được hợp đồng vận tải dài hạn.

Theo Cục Hàng hải, đầu tư đội tàu biển cần một nguồn vốn rất lớn và lâu dài. Nguồn tài chính tự lực các doanh nghiệp thời điểm hiện tại rất khó có thể đầu tư được đội tàu chất lượng cao.

Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải đã kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển đội tàu biển.

Cụ thể, cho phép doanh nghiệp vận tải biển được tiếp cận nguồn vay vốn tín dụng đầu tư tàu biển với lãi suất ưu đãi; Điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vận tải biển từ 20% xuống 15% trong thời gian 03 năm.

Đồng thời, miễn, giảm các loại thuế, phí (phí đăng ký trước bạ, thuế VAT...) khi đóng hoặc mua tàu mới hiện đại, các loại tàu chuyên dụng nhằm khuyến khích chủ tàu loại bỏ tàu cũ khai thác không hiệu quả để đầu tư tàu mới, tàu chuyên dụng.

Bên cạnh về cơ chế tài chính mua, đóng mới tàu biển, chính sách tăng mức tiền lương, tiền công phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên tham gia vận tải nội địa nhằm giảm thuế thu nhập cho thuyền viên cũng được Cục Hàng hải đề cập để khuyến khích đội ngũ thuyền viên gắn bó lâu dài với nghề, nâng cao sức cạnh tranh của đội tàu biển Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.