So với hơn 10 năm trước, vùng lòng hồ sông Đà thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La vẫn đẹp như “vịnh Hạ Long ở Tây Bắc”, còn cuộc sống của người dân thì khởi sắc từng ngày. Không chỉ nhọc nhằn trồng cấy trên những ngọn đồi cao, thả lưới đánh bắt cá ven hồ…, nhờ giao thông thuận lợi, người dân đã có thêm nhiều nghề mới để mưu sinh, thoát nghèo…
Đường mở cơ hội phát triển
Những ngày đầu tháng 10, từ trung tâm TP Sơn La, chúng tôi di chuyển theo QL279D đi qua thị trấn Ít Ong, rồi men theo con đường huyện khang trang để vào vùng lòng hồ sông Đà. Dọc hai bên đường từ ngã ba Pi Toong đến xã Mường Trai của huyện Mường La, nhiều ngôi nhà, hàng quán mới mọc lên san sát, hấp dẫn du khách.
Dừng chân tại một quán nước ven con đường huyện, men theo đường bê tông, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi, trú TP Sơn La), người thường xuyên vào xã Mường Trai buôn bán.
Anh Hùng kể: “Ngày xưa đường vào đây đi lại rất khó khăn, mặt đường gồ ghề, bụi bẩn. Vào mùa mưa, để đến các bản thuộc khu vực lòng hồ mất cả tiếng đồng hồ. Giao thông trắc trở nên hàng hóa vào được tới bà con vùng lòng hồ vừa đắt vừa ít; sản phẩm nông, thủy sản của bà con làm ra cũng khó bán, thương lái ép giá rất thấp. Mấy năm trở lại đây, đường sá được đầu tư nâng cấp, đổ bê tông mở rộng nên việc giao thương, đi lại thuận tiện, đời sống của bà con được nâng cao”.
Trong căn nhà cấp 4 khang trang có đủ tivi, tủ lạnh, xe máy, anh Quàng Văn Dũng, xã Mường Trai phấn khởi: “Từ chỗ trẻ con ở đây nhìn thấy xe máy là ồ lên thích thú, thì giờ thấy ô tô bọn trẻ cũng không còn ngạc nhiên nữa rồi. Có đường, đi lại làm ăn, cái gì cũng dễ”.
Theo ông Lèo Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mường Trai, xã có 7 bản, 489 hộ là đồng bào dân tộc Thái và La Ha cùng sinh sống. Thực hiện phương châm chính quyền và nhân dân cùng làm, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân đóng góp hơn 1.300m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động, cát, đá, sỏi trị giá hơn 2,3 tỷ đồng để bê tông hóa đường liên xã, liên bản.
“Đến cuối năm 2019, tuyến đường đến trung tâm xã dài hơn 12km đã được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi được quanh năm; 100% tuyến đường trục bản, liên bản được cứng hóa; người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nuôi cá lồng trên lòng hồ, kinh doanh dịch vụ du lịch… Năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Cương phấn khởi thông tin.
Đổi đời nhờ... lòng hồ
Mường Trai là xã vùng cao của huyện Mường La, những năm trước đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, khoai, sắn.
Thu nhập của người dân từ việc nuôi cá lồng ở lòng hồ sông Đà đã gấp 5 lần so với làm nương, cuộc sống vì thế nâng cao hơn, kinh tế hộ gia đình ổn hơn, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện mỗi năm giảm từ 4% - 5%. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện chỉ còn 27%. Riêng xã Mường Trai, xã trọng điểm tái định cư thủy điện chỉ còn 12%.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường La
Khi nhường đất đai cho Thủy điện Sơn La, nhiều hộ dân đã chuyển đến an cư ở vùng kinh tế mới, chỉ còn một số hộ bám trụ ven hồ, canh tác trên những diện tích cao và đánh bắt cá ven hồ sinh sống. Do đó, đa phần các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp.
Sau khi Thủy điện Sơn La tích nước, vài năm gần đây, chương trình hỗ trợ hộ nghèo của huyện về phát triển nghề nuôi cá lồng ở lòng hồ sông Đà được triển khai, đem đến nhiều đổi thay cho cuộc sống người dân.
Chỉ tay vào những lồng cá dưới lòng hồ, anh Lường Văn Thủy (bản Bó Ban, xã Mường Trai) cho hay, ban đầu gia đình được chính quyền hỗ trợ 10 triệu đồng mua vật liệu về làm lồng nuôi cá rô phi, trắm cỏ, cá chép.
Sau một thời gian nuôi, thấy đàn cá phát triển rất tốt, chi phí đầu tư thấp nên anh mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng mua thùng phi, lưới, khung sắt... về làm 8 lồng cá nữa.
“Ban đầu cũng vất vả vì mình chưa có kinh nghiệm nên cá không lớn, có thời điểm còn bị chết hàng loạt. Tôi phải tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá, về Hòa Bình học hỏi mô hình, rồi dần dần đúc rút được kinh nghiệm để đàn cá cho năng suất cao”, anh Thủy nói và cho hay, giờ nghề nuôi cá lồng giúp gia đình anh thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Với nhiều người dân chưa đủ điều kiện nuôi cá lồng thì có thể tìm việc làm bằng cách làm thuê cho hộ nuôi cá lồng. Ông Lò Văn Hồng (52 tuổi, công nhân của trang trại cá tầm ở bản Lả Mường, xã Mường Trai) cho biết: “Trước đây khi chưa là vùng ngập, cuộc sống của bà con phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn, thu nhập bấp bênh. Giờ tôi làm công nhân của Công ty Cá Tầm Việt Nam, cũng được 3 năm rồi, thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng, cao hơn hẳn trước kia, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn…”.
Ông Nguyễn Ngọc Lan, Quản đốc Công ty TNHH MTV Cá Tầm Việt Nam cho biết, công ty đã đầu tư vào trang trại cá ở Mường Trai gần 100 tỷ đồng với hơn 200 lồng cá lớn, nhỏ. Hiện, trại cá của công ty có 17 công nhân, trong đó 12 người là dân địa phương…
“Theo kế hoạch, công ty sẽ mở rộng thêm diện tích mặt nước khoảng 7ha để phát triển nuôi cá tầm, tiến tới liên kết với các HTX, hộ dân trong khu vực theo hướng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống, kỹ thuật, nhằm tạo sản lượng cá tầm lớn cung cấp cho khách hàng”, ông Lan nói.
Cũng “đổi đời” nhờ… lòng hồ, một số hộ dân ở đây đã tham gia vào việc đưa đón khách du lịch tham quan lòng hồ, tham quan trang trại nuôi cá tầm...
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường La cho hay, hiện nay, một số hộ dân ở các xã vùng lòng hồ đã nắm bắt cơ hội, đầu tư xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, kết hợp thưởng thức ẩm thực địa phương, trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống, bước đầu thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là tín hiệu tích cực để các xã vùng lòng hồ nhân rộng mô hình nuôi cá lồng theo chuỗi gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy thương hiệu cá sông Đà ngày một phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận