Điện ảnh

Đối thoại Hãng phim truyện Việt Nam: "3 năm không làm vẫn nhận lương"

19/09/2017, 21:08

Đại diện Tổng công ty Vận tải thủy, cổ đông lớn nhất Hãng phim truyện Việt Nam hé lộ nhiều vấn đề nội bộ.

vfs

Đối thoại Hãng phim truyện Việt Nam: 3 năm không làm vẫn nhận lương

Trải qua 2 tháng sau khi Hãng phim truyện Việt Nam được cổ phần hoá, nhiều vấn đề về lương bổng, việc làm cho các nghệ sĩ trong hãng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cổ đông lớn nhất - Tổng công ty Vận tải Thuỷ (VIVASO) là đối tượng hứng nhiều chỉ trích nặng nề nhất. Tuy nhiên, trong cuộc gặp mặt chiều 19/9, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIVASO đã tiết lộ nhiều vấn đề nội bộ nghiêm trọng.

Có làm có hưởng

Không khí căng thẳng khi các nghệ sĩ nói về vấn đề lương bổng. Điển hình, biên kịch Nguyễn Xuân Thành cho hay: "Hai tháng sau khi cổ phần hoá, lương chỉ về sau khi chúng tôi có đơn kiến nghị. Tôi có lên hãng làm việc, giao lưu với anh em bình thường nhưng trước kia lương tôi 2,8 triệu, nay chỉ còn 1 triệu, chưa bằng 70%". 

Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên lý giải, đó chỉ là tạm ứng. "Hai tháng quá ngắn ngủi, chúng tôi chưa kịp giải quyết các vấn đề về thuế, xây dựng bảng lương mới. Tháng 7 chúng tôi trả theo mức trước cổ phần hoá thì các anh em kêu. Do đó chúng tôi chưa trả lương mà mới chỉ tạm ứng mức tiền như vậy".

SON_7090

Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIVASO tại buổi đối thoại

Cũng liên quan đến lương, ông Thuỷ Nguyên cho hay khi tiếp nhận hãng phim, VIVASO đã phải gánh một đơn vị đang trong tình hình tài chính vô cùng thê thảm. Năm 2015 lỗ 7 tỉ. Năm 2016 lỗ hơn 10 tỉ. 6 tháng đầu năm 2017 đã lỗ 4,7 tỉ đồng. Dù vậy, công ty vẫn cố trả lương đầy đủ cho các anh em nghệ sĩ.

"Tiền trả lương không bao giờ thiếu", ông Nguyên nói thẳng gây sốc: "Nhưng các đồng chí sống ở thời bao cấp mấy chục năm rồi. Có những người thuộc dạng cây đa cây đề ngồi đây, 2 năm rồi thậm chí 3 năm không làm một cái gì cả vẫn cứ nhận lương đều 100%. Chưa kể còn phải lo phòng làm việc cho các đồng chí, bổ đầu người ra công ty phải trả thêm 3 triệu/người".

Ông Thuỷ Nguyên bày tỏ sự bức xúc về cách làm việc này và khẳng định: "Nguyên tắc trả lương của tôi là có làm thì có hưởng, không làm thì không hưởng. Chúng tôi mới vào, chưa đánh giá được nên trả lương đúng mức trước khi cổ phần hoá. Nhưng cổ phần rồi phải công bằng chứ. Người 1 tháng không lên cơ quan, 3 năm vắng mặt vẫn đóng bảo hiểm, lĩnh lương bình thường. Tôi không bắt như ngân hàng, 8h sáng có mặt rồi đến muộn trừ lương. Nhưng nói thế không có nghĩa là không có sản phẩm".

Ai đến kiểm kê đồ trong kho?

Theo ông Nguyên, nhịp độ lao động ở Hãng VFS trước cổ phần vô cùng mỏng. Các nhà biên kịch được mở hai hướng làm việc, hoặc là tự triển khai đề án kịch bản, hoặc tự viết rồi trình lên cho ban lãnh đạo duyệt. Nhưng có người bao năm nay không viết được bộ nào. Điều tương tự cũng xảy ra với các đạo diễn.

Theo đó, ông Thuỷ Nguyên nhắc lại: "Nếu chưa có sản phẩm tôi ứng. Nếu làm 2-3 năm không ra sản phẩm, tôi vẫn chấp nhận trả lương nếu các anh có mặt đầy đủ. Nhưng nếu không biết các ông làm gì, hay 3-4 năm không đến cơ quan thì tôi không bao giờ trả lương. Đó là sự công bằng của xã hội".

Diễn viên, đạo diễn gạo cội Quốc Tuấn đặt vấn đề: Trong bản cam kết ghi một năm chỉ có một phim truyện nhựa và một phim video, tức là chỉ có 2 đạo diễn làm việc. Vậy 8 đạo diễn còn lại có được tính là làm việc hay không? Chúng tôi muốn công việc, muốn cống hiến nhưng anh không cho chúng tôi cơ hội đó. Tôi muốn anh giải thích thế nào là công việc” ông Tuấn bức xúc nói.

Về cơ sở vật chất, ông Tuấn chỉ rõ: "Vừa rồi dọn kho, có một cái áo, 2 cái mũ rơi ở đây tôi phải nhặt lại. Các anh chuyển từ chỗ này sang chỗ kia, tài sản cả đấy nhưng không ai kiểm định, kê khai. Đó là sự tắc trách không tôn trọng nghề nghiệp chúng tôi. Rồi các anh bắt cả phòng đạo diễn, biên kịch nhồi nhét vào không gian 20m2. Những chỗ trống, tôi được biết ông bán phở chuẩn bị thuê, chân gà, nước... ra vào vun vút".

vfs

Diễn viên, đạo diễn gạo cội Quốc Tuấn nói ra những bất cập về cơ sở vật chất

Trước những chỉ trích này, ông Thuỷ Nguyên lập tức phản bác: "Cái nhà kho giờ như cái ổ chuột, xử sao là trách nhiệm của người quản lý ở đây. Chúng tôi là người làm kinh doanh, không điên gì vứt đi những thứ có lợi hay không chưa biết. Tôi đã dặn anh Thắng (Nguyễn Danh Thắng - Đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần VFS) rằng vứt cái gì thì mời các ông đạo cụ tới kiểm kê lại. Mời rồi, có ai đến không?

Về vấn đề sử dụng đất, ông Nguyên khẳng định chưa bao giờ có ý định biến nơi đây thành chỗ bán chân gà nướng như lời đồn dù "mỗi tháng chúng ta đang  phải trả 200 triệu. Cánh cửa trước dãy nhà, nếu vẫn mở chúng ta phải trả 10 triệu/tháng. Nó có 1 mét vuông, không thể làm cửa chính. Đằng nào rồi cũng phải làm cửa sau. Vậy mà các đồng chí kêu là làm nhục anh em nghệ sĩ, bắt đi cửa sau". Theo ông Nguyên, rất nhiều đồng chí ở đây "ngộ nhận mình, trong khi chẳng làm gì cả". 

"Có 5 ông Thanh Vân chắc tôi chết"

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhắc lại phát ngôn của ông Nguyễn Danh Thắng trên báo chí rằng "cả hãng phim chỉ có 20 người làm việc". Theo vị đạo diễn này, lãnh đạo hãy công bố thử xem 80 người còn lại, những phòng hành chính, tài vụ, bảo vệ đó có thể làm gì để phát triển hãng phim và điện ảnh Việt Nam.

vfs

Không khí gay gắt diễn ra tại buổi đối thoại ở hãng phim truyện Việt Nam

Ngay lập tức, ông Thuỷ Nguyên đã đưa ra các con số thống kê giật mình: "Theo báo cáo tài chính, các anh chẳng làm được gì, thu về 0 đồng. Ông Nguyễn Thanh Vân từ năm 2014 đến nay không có bộ phim nào cả. Cả công ty được một bộ phim thu mấy trăm triệu trong mấy năm nay. Tôi nói thật, may có một anh, chứ nếu có 5 anh Thanh Vân chắc tôi chết". Ông Nguyên khẳng định hãng phim sau khi cổ phần hoá có tình hình tài chính rất thê thảm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.