Hồ sơ tài liệu

Đối thoại Shangri-La 2016: Các cường quốc quan trọng, ASEAN quan trọng hơn

03/06/2016, 22:48

Tối 3/6, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha có bài phát biểu quan trọng khai mạc Đối thoại Shangri-La 15.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha có bài

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha phát biểu quan trọng khai mạc Đối thoại Shangri-La 15.

Trước 600 quan chức quốc phòng bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức cấp cao, học giả, Giám đốc điều hành có mặt tại Đối thoại Shangri-La 2016, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha có bài phát biểu khai mạc dài 30 phút, tập trung vào các vấn đề an ninh khu vực.

Trong đó về vấn đề Biển Đông, ông Prayut kêu gọi các nước liên quan trong căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông như: Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Trung Quốc hãy chọn hợp tác để vượt qua xung đột. “Các bên liên quan hãy có những hoạt động mang tính xây dựng và hợp tác để vấn đề tranh chấp chủ quyền không là chướng ngại” - Thủ tướng Thái Lan nói. 

Ngoài ra, ông Chan-o-cha nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc xây dựng thế cân bằng mới trong khu vực. Đồng thời, Thủ tướng Thái Lan nêu cao giá trị của các hiệp định thương mại tự do, điển hình là Hiệp Định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. “Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn có vai trò quan trọng song Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và ASEAN quan trọng hơn”.

Thủ tướng Thái Lan cũng nêu ra hàng loạt những thách thức an ninh khác của khu vực châu Á – Thái Bình Dương như xung đột xã hội, kinh tế, quản trị kém, an ninh lương thực, khủng bố quốc tế, buôn lậu ma tuý, biến đổi khí hậu, khói mù độc hại, tội phạm mạng, đánh bắt cá trái phép, buôn người, di cư trái phép và dân số đang già đi. 

Trước những diễn biến trong khu vực Châu Á, Tiến sĩ William Choong - chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức  cho rằng Đối thoại Shangri-La lần này sẽ là cơ hội tốt để Bộ trưởng Quốc phòng các nước có cơ hội nêu quan điểm của từng nước về vấn đề an ninh trong khu vực. 

Tiến sĩ William Choong cũng cho rằng một điều dễ nhận thấy ở cấp độ vĩ mô là vẫn đang tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này đã tác động đến các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực, đặc biệt là việc hai cường quốc này đều theo đuổi những tầm nhìn chiến lược của riêng mình đối với nền an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Do đó, tại Shangri-La, Mỹ có thể nhấn mạnh về các hoạt động hợp tác với các nước đồng minh để đảm bảo an ninh hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, trong bối cảnh an ninh hàng hải của khu vực đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, các nước liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Malaysia có thể cùng thảo luận các biện pháp để củng cố an ninh hàng hải tại khu vực này và đề cập đến các vấn đề các bên quan ngại như việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, Anh tổ chức. Ba vấn đề chủ chốt đang gây quan ngại tới an ninh Châu Á sẽ được các quan chức quốc phòng bàn thảo bao gồm: tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vấn đề Triều Tiên, khủng bố Nhà nước Hồi giáo lan sang Đông Nam Á.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.