Thế giới

Đối thoại Shangri-La: Biển Đông và sự ngang ngược của Trung Quốc

06/06/2016, 05:14

Tại Đối thoại Shangri-La, vấn đề an ninh, chủ quyền biển Đông và cách hành xử của Trung Quốc được chú ý nhiều nhất.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tham dự phiên toàn thể tại Đối thoại Shangri-La

Hôm qua, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La 2016) kết thúc và đúng như những gì dự đoán trước khi diễn ra hội nghị, vấn đề biển Đông đã nóng từ đầu đến cuối.

“Lén lút” rải tờ rơi

Tại Đối thoại Shangri-La, vấn đề an ninh, chủ quyền biển Đông và cách hành xử của Trung Quốc được chú ý nhiều nhất. Ngay sau cuộc họp song phương với đoàn Việt Nam, phía Trung Quốc cho phân phát một tờ rơi in bằng hai thứ tiếng Anh, Trung chứa thông tin hoàn toàn xuyên tạc sự thật rằng, toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc, với tựa đề: “Các khía cạnh của vấn đề Nam Hải (Biển Đông)” để tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền phi lý của mình. Nội dung tờ rơi này cho rằng các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam). 

Động thái không giống ai nói trên của Trung Quốc, trong bối cảnh chủ quyền biển Đông đang là tâm điểm Đối thoại Shangri-La lần này khiến cho báo giới được một phen ngạc nhiên. Khi được hỏi về việc này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Việt Nam tại Shangri-La nói: “Nếu là tôi, tôi sẽ không làm như vậy, vì đây là một diễn đàn mở, công khai minh bạch, các nước đều lắng nghe nhau một cách hết sức tôn trọng. Nếu một ai đó muốn chứng minh chủ quyền và lý lẽ của mình, họ sẽ lên diễn đàn”.

Trả lời Báo Giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế nhận định, động thái “rải tờ rơi” là một trong những hành động nhằm vận động thế giới, bào chữa lập trường của Trung Quốc trên biển Đông, chuẩn bị để đối phó trước phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên biển Đông. “Song, dù Trung Quốc có rải tờ rơi thêm nữa cũng không có tác dụng, sự thật vẫn là sự thật”, Tiến sĩ Trường nói.

Bà Bonnie Glaser, Cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) cho rằng: “Có rất nhiều tài liệu Trung Quốc công bố về biển Đông vốn không hoàn toàn là sự thật. Nên cần phải dựa vào các học giả và chính phủ các nước xem Trung Quốc có bóp méo sự thật hay không”.

Nguy cơ đối mặt với Hội đồng Bảo an LHQ

Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng, vấn đề biển Đông vô cùng phức tạp, nhạy cảm và cách giải quyết tốt nhất là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan. Điều này đi ngược lại quan điểm chung của các học giả, ASEAN, của các cường quốc và mới nhất là Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa kết thúc hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Hôm qua, trong bối cảnh PCA sắp ra phán quyết vụ kiện về vấn đề chủ quyền trên biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Trưởng đoàn Trung Quốc công khai chĩa mũi nhọn công kích vào Philippines cho rằng, nước này lợi dụng chiêu bài luật pháp quốc tế để kiện Trung Quốc. Bài phát biểu dài 30 phút của Đô đốc Tôn nói nhiều tới vụ kiện, khẳng định không tham gia và cho rằng Philippines đã vi phạm luật pháp, thỏa thuận giữa hai bên.

Tuy nhiên, bà Bonnie Glaser cho rằng, đàm phán song phương cũng chỉ là một cách giải quyết; chỉ có thể áp dụng nếu 2 bên cùng đồng ý. Đồng thời, các học giả Philippines tại Đối thoại Shangri-La chỉ ra rằng, các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc suốt 20 năm qua không mang lại kết quả nào, buộc nước này phải thúc đẩy vụ kiện.

Trao đổi với Báo Giao thông về vụ kiện nói trên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nói: “Philippines đưa ra 15 điểm, nhưng toà trọng tài xác nhận phán quyết ở 7 điểm; Trong đó, liên quan đến “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Đông. Theo tôi, vào cuối tháng 6 này, PCA sẽ phán quyết ở hai mảng: Thứ nhất, có thể, toà án sẽ phán quyết, đường lưỡi bò không hợp pháp. Thứ hai, về việc Philippines yêu cầu tòa Trọng tài công nhận những hành vi sai trái của Trung Quốc trên biển Đông và công nhận chủ quyền của Philippines với bãi cạn Scabouroug. Tòa sẽ quyết định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.

Tiến sĩ Trường cho rằng, có thể phán quyết này không ép Trung Quốc kiềm chế, thay đổi hành vi trên biển Đông và sẽ tiếp tục việc bồi đắp trái phép, bất chấp phán quyết của PCA. Song nó sẽ làm Trung Quốc suy yếu về mặt pháp lý. Các nước có thể dựa vào hành vi này của Trung Quốc để đấu tranh lâu dài.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Greg Raymond, thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Australia): Nếu bác phán quyết của PCA - đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với việc có thể bị đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ xem xét. Khi đó, Hội đồng Bảo an LHQ có thể kiến nghị/ quyết định buộc bên không tuân thủ phải thi hành phán quyết và có thể xem biển Đông như một tranh chấp gây xung đột quốc tế thuộc thẩm quyền của cơ quan này.

Việt Nam dựa vào sức mình để bảo vệ lợi ích dân tộc

Hôm qua, tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Những thách thức trong giải quyết xung đột”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La có bài phát biểu quan trọng nêu bật vai trò ngày càng quan quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trong đó, cộng đồng ASEAN đã trở thành một nhân tố tích cực.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Lợi ích quốc gia dân tộc cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở vững chắc và được đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế. Tránh đơn phương áp đặt, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định khu vực và trên toàn thế giới”; và nhấn mạnh “cần coi trọng sự đoàn kết, vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN và trách nhiệm của các quốc gia thành viên, cũng như các quốc gia liên quan, đặc biệt là các nước lớn vì hòa bình và công lý”.

Đồng thời, Tướng Vịnh khẳng định: Trong bối cảnh tình hình phức tạp như vậy, Việt Nam kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng. Việt Nam dựa vào sức mình là chính để bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc, không đi với nước này để chống nước khác.

Xuân Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.