Y tế

Cách phân loại cách ly ngừa lây dịch Covid-19 ai cũng cần biết

10/03/2020, 11:40

Chi tiết cách thức phân loại các đối tượng cách ly (bắt buộc tập trung tại cơ sở y tế hay tại nhà) để ngừa lây nhiễm dịch Covid-19.

img
Chỉ cách ly với người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc gần

Chỉ cách ly tập trung với người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc gần

Thông tin mạng xã hội chia sẻ cách thức nhận diện, phân loại người có nguy cơ nhiễm Covid-19 từ F0 đến F4 để cách ly đang lan rộng khiến nhiều người hoang mang.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS.BS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết: "Mấy ngày nay rộ lên tình trạng mỗi nơi làm/áp dụng một kiểu xác định F1, F2, F3, F4... tìm người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị Covid-19 để đưa đi cách ly.

Nhiều trường hợp không xử lý đúng dẫn tới hiện tượng cách ly tràn lan làm người dân hoang mang, lo sợ bị chính quyền/cơ quan tới bắt đi bệnh viện hoặc cho nghỉ việc ở nhà....

Chẳng hạn phải cách ly ở nhà vì đến chơi căn hộ ở tầng 17 của một chung cư X mà nơi này tầng 23 có người Y đi cùng chuyến bay với ông Z bị nhiễm..!?!.

Rồi lo sợ phải khai báo những thông tin nhạy cảm như khai chi tiết lịch trình đi đâu, với ai, làm gì... Điều này có thể dẫn tới việc gia tăng sự sợ hãi, kỳ thị.

Hậu quả người dân có thể che giấu dịch, không khai báo với cơ quan chức năng, cử người khác đi cách ly thay (!)...".

Theo BS. Cường, trong văn bản cách ly và theo dõi sức khỏe phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế đã ghi rất rõ:

- Những người có tiếp xúc gần (nói chuyện, bắt tay, ăn uống cùng, đi cùng chuyến xe,...) với người nhiễm Covid-19 sẽ phải cách ly tại cơ sở y tế trong 14 ngày; Đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm khẳng định.

- Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân thì cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày và thông báo cho chính quyền địa phương, phải giám sát chặt chẽ sức khỏe hàng ngày. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, mệt mỏi, ớn lạnh, hoặc khó thở lập tức thông báo tới đường dây nóng, đi khám và cách ly tại cơ sở y tế để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

- Những người có liên quan khác ngoài các trường hợp trên thì lập danh sách và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, thấy có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, ớn lạnh, hoặc khó thở thì chủ động đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời.

Lưu ý những trường hợp nghi nhiễm có tiếp xúc gần, khi có dấu hiệu cần thông báo cho BV trước khi đến khám theo đường dây nóng và đến các BV có cơ sở cách ly đã được Bộ Y tế công bố để tránh lây lan ra cộng đồng (theo bảng dưới đây).

img
Danh sách các bệnh viện kèm số điện thoại, người nghi nhiễm cần liên hệ trước khi đi khám

Xét nghiệm âm tính lần 1, nếu xuất hiện triệu chứng ho sốt vẫn phải xét nghiệm lại

Theo bác sĩ Cường, những người đã có xét nghiệm Covid-19 (RT-PCR) âm tính lần 1 trong thời gian cách ly cũng chưa thật sự an toàn vì có thể đang trong thời gian ủ bệnh. Do đó, nếu sau đó xuất hiện triệu chứng, vẫn phải xét nghiệm lại.

Xét nghiệm Covid-19 không phải dạng test nhanh, không làm đại trà nên không phải ai muốn là cũng có thể xét nghiệm được. Bác sĩ sẽ chỉ định các trường hợp cần xét nghiệm.

Hà Nội tổ chức cách ly ra sao?

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang tập trung điều tra dịch tễ để xác định các đối tượng tiếp xúc F1, F2, F3 với những ca bệnh Covid-19 đã được phát hiện, đồng thời tổ chức cách ly theo hướng nâng lên một cấp.

img
Quy trình phân loại cách ly với các ca nhiễm Covid-19 của Hà Nội

Cụ thể, đối với trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh (F1) sẽ cách ly tại các cơ sở y tế;

Đối tượng tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) cách ly tại nhà có sự giám sát

Người liên quan (F3) khuyến cáo nếu xuất hiện biểu hiện ho sốt phải đến cơ sở y tế.

Trong trường hợp, đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19 thì toàn bộ F2 phải chuyển lên F1 và cách ly tại cơ sở y tế, để tránh bỏ sót và ngăn ngừa việc lây lan trong cộng đồng.

Còn theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã và đang áp dụng cơ chế cách ly 4 vòng để phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, gồm:

img
Quy trình 4 vòng cách ly của Việt Nam

Vòng 1: Cách ly tại cơ sở y tế với các trường hợp nhiễm bệnh và người nhà đã tiếp xúc gần với bệnh nhân (cũng coi như là bệnh nhân).

Vòng 2: Cách ly tại cơ sở cách ly tập trung dành cho người tiếp xúc gần với người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân.

Vòng 3: Cách ly tại cộng đồng (tại nhà) đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, y tế.

Vòng 4: Cách ly cả một cộng đồng nếu có nhiều ca bệnh.

img
Đường dây nóng tiếp nhận thông tin bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.