Hạ tầng

Đòn bẩy kinh tế từ cao tốc hiện đại nhất Việt Nam

06/12/2015, 07:51

Đến thời điểm này, Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

dji_0541-1608
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày thông xe

Đến thời điểm này, Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là tuyến cao tốc có quy mô và hiện đại nhất Việt Nam. Việc khánh thành tuyến cao tốc này không chỉ là đòn bẩy cho vùng kinh tế Bắc bộ nói riêng, cả nước nói chung mà còn mở ra những cơ chế mới trong việc thu hút nguồn vốn, cũng như triển khai các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Tuyến đường thông ra biển lớn

Trong chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ cùng các tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành mạng lưới đường cao tốc xuyên suốt các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tuyến đường này có ý nghĩa thúc đẩy, hỗ trợ phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng các địa phương trong khu vực và các tỉnh thành lân cận. Mặt khác, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một bộ phận của quy hoạch “Hai hành lang, một vành đai” giữa Việt Nam và Trung Quốc có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ và thu hút đầu tư, xuất - nhập khẩu hàng hóa.

Theo đánh giá, việc đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như cảng biển, sân bay và các quần thể du dịch, thúc đẩy giao thương, du lịch, dịch vụ và sản xuất trong khu vực phát triển.

“Sau nhiều khó khăn, thách thức, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành. Điều đó thể hiện sự nỗ lực của các bên có liên quan. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công và các địa phương để dự án đến nay cơ bản hoàn thành và có thể đưa vào thông xe toàn tuyến.

Ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan sớm hoàn thiện hệ thống biển báo, các hạng mục ATGT, Bộ GTVT đã chỉ đạo làm tiếp một số nút giao tại đầu và cuối tuyến để tuyến đường được hoàn thành đồng bộ, đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả cao nhất”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

Tuyến đường này còn góp phần giảm tải cho QL5 và sẽ giảm thời gian, tiết kiệm chi phí xăng dầu cho các phương tiện vận tải lưu hành trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tăng mức độ thuận tiện, đảm bảo ATGT, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông cho các phương tiện vận tải trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng.Theo chủ đầu tư dự án là TCT Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), tuyến đường được khởi công từ năm 2008, thực hiện theo hình thức BOT, thời hạn thu hồi vốn là 30 năm và được thực hiện theo một số cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù.

Theo đó, công tác GPMB được giao cho UBND các tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư thực hiện tiểu dự án GPMB, tái định cư. Về nguồn vốn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được giao chủ trì thu xếp nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay đầu tư dự án theo cơ chế thị trường. Để đầu tư và thu hồi vốn, chủ đầu tư được quyền quyết định mức thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo từng thời kỳ và được kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đường và được độc quyền kinh doanh quảng cáo dọc theo tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Sau khi công trình được hoàn thành, chủ đầu tư cũng được thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ dọc tuyến và một số quyền khác.

Vì vậy có thể nói, việc hoàn thành tuyến đường quan trọng này không chỉ mang ý nghĩa của một tuyến giao thông huyết mạch mà còn là kết quả mở ra những phương thức đầu tư mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Cao tốc đầu tiên theo tiêu chuẩn quốc tế

Theo thiết kế, vận tốc tối đa trên tuyến cao tốc này là 120 km/h, khoảng cách tối thiểu giữa các xe là 100 m. Các loại ô tô có tốc độ thiết kế dưới 60 km/h, xe máy, xe thô sơ không được đi vào. Mặt đường cao tốc được sử dụng lớp tạo nhám có độ ma sát lớn (dày 5 cm phủ trên bề mặt bê tông nhựa) để đảm bảo an toàn cho xe chạy tốc độ cao.

Theo ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT VIDIFI, ngay từ thiết kế, đơn vị đã xác định đây là tuyến cao tốc có lưu lượng xe vào loại lớn nhất Việt Nam, tải trọng trục xe cũng thuộc loại cao nhất, phân làn tuyệt đối, do vậy nếu không bảo đảm chất lượng, sẽ khó tránh khỏi hư hỏng, hằn lún ngay sau khi đưa vào khai thác một thời gian ngắn. Nếu vậy, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của dự án. Từ khi hoàn thành và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến cho đến nay, chưa phát hiện sự việc nào nghiêm trọng, ảnh hưởng chất lượng công trình.

“Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những tuyến đường mẫu về chất lượng, là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuyến đường sẽ có hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín, tổ chức giao thông hiện đại và thông suốt, có lắp đặt hệ thống camera kiểm soát và ghi nhận hình ảnh, có các trạm dịch vụ, các thiết bị cung cấp xăng dầu, sửa chữa. Công trình cao tốc được thi công đáp ứng yêu cầu thiết kế, đảm bảo kỹ thuật. Độ bằng phẳng và độ nhám mặt đường đảm bảo xe chạy an toàn với tốc độ 120 km/h”, ông Chiến cho biết.

Nói về quá trình triển khai dự án, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, do dự án đi qua vùng đồng bằng với mật độ dân số cao, hệ thống đường giao thông, thủy lợi dày đặc, diện tích phải GPMB lớn. Đồng thời, trong quá trình thực hiện có sự thay đổi về chính sách đất đai (Nghị định 69/2009/NĐ-CP)... nên công tác GPMB của dự án gặp nhiều khó khăn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị địa phương cùng với chủ đầu tư đã triển khai rất quyết liệt các biện pháp như: Tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của dự án cũng như các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước về đền bù, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân bị thu hồi đất.

“Dự án phải xử lý đất yếu khoảng 84/105,8 km bằng  nhiều biện pháp như: Gia tải trước, giếng cát, bấc thấm, cọc cát đầm chặt, sàn giảm tải. Bên cạnh đó, khối lượng vật liệu (cát, đá, đất) đưa vào dự án rất lớn, lên tới hàng chục triệu m3. Vì vậy, để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, VIDIFI đã phải đặc biệt quan tâm việc tổ chức cung cấp vật liệu và giám sát chặt chẽ việc thi công để hạn chế tăng tổng mức đầu tư công trình”, ông Tỉnh cho biết.

Là một địa phương hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường này, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ mở ra cơ hội phát triển, góp phần quan trọng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, thu hút đầu tư đối với các địa phương liên quan. Đây là công trình trọng điểm quốc gia. Tỉnh cam kết trong việc đảm bảo ATGT trong quá trình khai thác.

Phát biểu tại lễ thông xe tạm 52,5 km mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhìn nhận, tuyến đường có vai trò hết sức quan trọng đối với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường ra biển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là tuyến có lượng vận tải lớn nhất cả nước. Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn… trở thành hệ thống đường cao tốc xuyên suốt và nối vùng kinh tế các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Khi hoàn thành đây là tuyến đường giao thông hiện đại nhất Việt Nam, áp dụng các tiêu chuẩn loại A.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 105,5 km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng từ 32,5 - 35 m. Ngoài ra, có hơn 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. Dự án có 10 vị trí nút giao và 9 cầu lớn vượt sông với tổng chiều dài 4.532 m.

Để phục vụ công tác thu phí, trên toàn tuyến bố trí 2 trạm thu phí lớn tại vị trí đầu tuyến (Km 10+600 thuộc địa phận Hưng Yên với quy mô 14 làn thu phí) và cuối tuyến (Km 94+900 thuộc địa phận Hải Phòng với quy mô 16 làn thu phí) và các trạm thu phí khác bố trí trên nút giao với các đường quốc lộ với quy mô 4 - 10 làn thu phí.

Bên cạnh đó, dự án có 1 trạm dịch vụ tại Km 53+600 (tỉnh Hải Dương), 2 trạm dừng chân tại Km 24+600 (tỉnh Hưng Yên) và tại Km 76+900 (TP Hải Phòng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.