Giao thông

Đòn bẩy phát triển kinh tế phía Nam là kết nối giao thông

30/08/2018, 08:40

Lãnh đạo TP.HCM khẳng định, thành phố muốn phát triển phải có sự liên kết vùng.

37

Tuyến đường Xa lộ Hà Nội được đầu tư mở rộng trên 100m từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai, giúp thông thoáng cửa ngõ phía Đông của TP HCM. Cùng với đó tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng được quy hoạch kéo dài đến Đồng Nai, Bình Dương để phát huy hiệu quả khai thác lâu dài

Cần hơn 100.000 tỷ đồng kết nối giao thông liên vùng

Những ngày qua, Sở GTVT TP HCM đã làm việc với các địa phương để bàn các phương án phân luồng, điều tiết giao thông dịp lễ 2/9. “TP HCM không chỉ lo tắc đường ở địa bàn của mình mà còn lo tắc đường từ Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu… Bởi nếu tắc đường từ Rạch Miễu thì xe sẽ không quay vòng kịp về TP HCM chở người dân về quê. Hay nếu tắc đường ở QL51 thì người dân cũng không kịp trở lại TP HCM để làm việc sau lễ”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM nói và khẳng định sự cần thiết trong việc phát triển giao thông liên kết vùng.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Tại các cửa ngõ TP HCM hay xảy ra tình trạng tắc nghẽn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế không chỉ với thành phố mà với hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh. Đồng Nai là cửa ngõ nhưng cũng thường xuyên tắc nghẽn. Các doanh nghiệp ở Đồng Nai lúc nào cũng trong tình trạng lo lắng không biết hàng có ra cảng kịp không. Hướng nối  với Bà Rịa - Vũng Tàu dù có cao tốc TP HCM - Long Thành nhưng vẫn kẹt.

"Sự phát triển đang đặt các tỉnh, thành phải kết nối với nhau chặt chẽ hơn, liên tục hơn. Đặc biệt trong điều kiện TP HCM vừa được Quốc hội cho phép triển khai cơ chế đặc thù sẽ là nhân tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhất là các dự án mang tính kết nối, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam."

Ông Nguyễn Thành Phong
Chủ tịch UBND TP HCM

Với vị trí chiến lược và tầm quan trọng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và TP HCM. Mức tăng trưởng kinh tế của vùng gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40%  kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mỗi địa phương có thế mạnh riêng, nhưng phát triển công nghiệp ở Đồng Nai, du lịch ở Bà Rịa - Vùng Tàu… sẽ bị chững lại nếu giao thông với TP HCM và các địa phương trong vùng không thuận lợi.

Thạc sĩ Trần Đức Tuấn, Đại học Kinh tế - Luật TP HCM cho rằng, các khu vực lân cận TP HCM như Nhơn Trạch, Đức Hòa, Thủ Dầu Một… cần được kết nối hệ thống giao thông để tạo “cú hích” mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động tại TP HCM. “Nếu có một cây cầu bắc qua Nhơn Trạch, một người làm việc tại TP HCM có thể mua nhà tại đây với giá rẻ hơn nhiều. Buổi sáng họ lên thành phố làm việc, tối trở về nhà thuận tiện”, Thạc sĩ Tuấn nói.

Mới đây, ngành Giao thông 8 tỉnh đã họp và thống nhất kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông trong vùng. Theo đó, sẽ bổ sung mới 5 tuyến liên vùng chiều dài gần 240km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 32.200 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn từ 2020-2025 và sau 2025. Cụ thể gồm các tuyến: đường ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối với sông Sài Gòn (TP HCM); đường nối từ nút giao Gò Công (Tiền Giang) qua sông Đồng Nai kết nối QL20, QL1; Đường nối QL14 với Chơn Thành (Bình Phước), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thuận An (Bình Dương) và cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát (Tây Ninh). Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh, nếu đoạn cao tốc từ TP HCM đến Mộc Bài được đầu tư sớm sẽ phát huy hiệu quả kết nối các thành viên trong vùng cũng như cả vùng với Campuchia.

Các tỉnh cũng đề xuất kéo dài 10 trục đường đã quy hoạch với tổng chiều dài gần 727 km, tổng mức đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng. Bao gồm: Trục khép kín vành đai 4 qua Cần Giờ và kết nối với đường liên cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) qua cầu Phước An (Đồng Nai); điều chỉnh kết nối giữa trục đô thị số 4 với cao tốc Bến Lức - Long Thành và sân bay Long Thành (Đồng Nai); đường vành đai 4 nhằm giảm áp lực cho cao tốc Long Thành - Dầu Giây khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác; điều chỉnh hướng tuyến vành đai Bắc Biên Hòa qua sông Đồng Nai đi Bình Dương để kết nối với đường vành đai 3 TP HCM…

Một trong những dự án có tính kết nối vùng quan trọng nhất hiện nay là đường vành đai 3 được nhiều địa phương quan tâm. Đường vành đai 3 có chiều dài 89,3km đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn (Bình Dương), QL22 và kết thúc tại Bến Lức. Tuyến đường này được chia làm 4 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Tân Vạn (TP HCM) tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 23.600 tỷ đồng. Đoạn 2 từ Mỹ Phước - Tân Vạn đang được tỉnh Bình Dương đầu tư tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 3.500 tỷ đồng. Đoạn 3 từ Bình Chuẩn (Bình Dương) - QL22 (TP HCM) tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.800 tỷ đồng. Đoạn 4 từ QL22 - cao tốc TP HCM - Trung Lương (TP HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.500 tỷ đồng. TP HCM cũng đặt mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ kêu gọi đầu tư một số đoạn tuyến quan trọng trước đề từng bước khép kín vành đai 3.

38

Hệ thống giao thông đường thủy cảng Bến Súc (Bình Dương) sẽ được khơi thông đến các cảng ở TP HCM khi cầu đường sắt Bình Lợi được nâng tĩnh không lên 7m từ cuối năm nay

Phát triển hài hòa đường bộ - sắt - thủy

Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng trường ĐH GTVT TP HCM, cần chú trọng đường sắt, đường thủy trong hệ thống vận tải liên vùng. Ông Bùi Xuân Cường cho biết, các địa phương đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc kết nối giao thông thủy dựa trên lợi thế của vùng. Vì vậy, khi triển khai “Dự án BOT nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc”, tỉnh Bình Dương đã cho nhà đầu tư vay 300 tỷ đồng không tính lãi, TP HCM hỗ trợ 156,3 tỷ đồng để GPMB.

Những ngày qua trên công trường thi công cầu Bình Lợi, các nhà thầu đang tập trung tối đa thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ. Ông Vũ Đức Cúc, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Đô thị xanh - chủ đầu tư dự án cho biết, hiện các nhà thầu đã thi công xong các trụ dưới sông, đang tiến hành thi công nhịp dầm cầu thép để cuối năm 2018 có thể hoàn thành cầu đường sắt Bình Lợi mới, nâng tĩnh không lên 7m và nạo vét luồng sông Sài Gòn. “Lúc đó, những tàu chở container trên 300 tấn từ cảng Bến Súc có thể lưu thông theo sông Sài Gòn về các cảng Tân Cảng, Cái Mép - Thị Vải góp phần giảm tải cho đường bộ”, ông Cúc nói.

Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đang khẩn trương hoàn tất báo cáo khả thi trình Bộ GTVT và Chính phủ điều chỉnh quy hoạch dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ. “Chúng tôi vừa ký kết với Quỹ Morfund Canada về gói tài chính 6,3 tỉ đôla Canada (tương đương 5 tỉ USD) để tiếp tục nghiên cứu dự án xây đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ”, GS.TS. Trần Công Hoàng Quốc Trang - Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.