Vận tải

Đơn giản thủ tục vào, rời cảng với phương tiện thủy để phòng Covid-19

06/08/2021, 19:29

Phương tiện thủy hoạt động tại các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được tạo thuận lợi tối đa về thủ tục vào, rời cảng.

Được làm thủ tục thay, chỉ kiểm tra xác suất

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hoạt động vận tải thủy khu vực phía Nam gần đây giảm sút mạnh so với trước khi 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội (từ 19/7) để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong số hơn 1.100 cảng bến trên các tuyến đường thủy quốc gia được phép hoạt động khu vực Cảng vụ Đường thủy III quản lý, có tới gần 900 cảng, bến đang tạm dừng (chiếm khoảng 79%).

img

Một tuyến vận tải đường thủy phía Nam - Ảnh: Viwa

Cũng theo tìm hiểu của PV, tại địa bàn Cảng vụ Đường thủy khu vực IV, trong số hơn 1.800 cảng, bến chỉ còn hơn 50 cảng bến hoạt động, kéo theo sản lượng vận tải giảm mạnh. Những ngày đầu tháng 8/2021, trung bình mỗi ngày chỉ khoảng trên 200 lượt phương tiện thủy vào, rời các cảng, bến thủy.

“Do phần lớn cảng bến tạm ngưng hoạt động nên không có tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng bến. Luồng tuyến đều rất thông thoáng, an toàn. Các cơ quan chức năng cũng đơn giản thủ tục, hỗ trợ tối đa cảng bến, phương tiện góp phần lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu”, lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy khu vực III thông tin.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, để thực hiện mục tiêu vừa đảm bảo lưu thông vận tải hàng hóa bằng đường thủy và phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị này đã yêu cầu lực lượng cảng vụ đường thủy tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng bến qua phương thức liên lạc điện tử.

“Ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, toàn bộ thuyền viên không cần lên bờ và và được ủy quyền cho người khác để làm thủ tục cảng vụ. Người được ủy quyền làm thủ tục cảng vụ có thể là người của đơn vị vận tải, cảng bến, chủ hàng hóa ở trên bờ.

Việc ủy quyền này để hạn chế tiếp xúc, đồng thời tháo gỡ khó khăn của thuyền viên trong việc đáp ứng yêu cầu về giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19”, ông Hưng nói.

Ông Đoàn Trường Sơn, Phó phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện lực lượng cảng vụ đường thủy chỉ áp dụng hậu kiểm xác suất đối với phương tiện chấp hành thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19 làm hàng tại cảng, bến thủy. Việc này để phương tiện thủy, xe ô tô lưu thông thuận lợi theo “luồng xanh” vận tải.

“Việc kiểm tra xác suất giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 để xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, không gây cản trở hoạt động vận tải trong mùa dịch”, ông Sơn nói.

img

Xét nghiệm y tế tại một cảng thủy ở Ninh Bình - Ảnh: Viwa

Thiếu điểm xét nghiệm y tế

Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III, IV, hiện công tác phòng chống dịch tại các cảng, bến thủy phía Nam được thực hiện khá chặt chẽ. Các cảng bến đều xịt khử khuẩn khi xe ra, vào bến. Các nhân viên làm việc tại cảng bến được xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên. Thuyền viên phương tiện thủy khi cập bến chỉ cử 1 người đại diện có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lên bờ làm thủ tục cảng vụ.

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang yêu cầu toàn bộ thuyền viên khi thực hiện công tác giao nhận hàng tại các cảng thủy, nhà máy phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính (có giá trị hiệu lực 72 giờ), mà không chấp nhận kết quả test nhanh.

Theo quy định của Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm test nhanh cũng có giá trị, vì vậy Cục Đường thủy đề nghị các địa phương trên chấp nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp Test nhanh kháng nguyên) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thuyền viên phương tiện thủy.

Tuy vậy, khó khăn nhất đối với thuyền viên hiện nay là mất nhiều thời gian, chi phí cho việc đáp ứng các điều kiện về xét nghiệm y tế.

“Nhiều chốt kiểm soát y tế trên đường thủy yêu cầu toàn bộ thuyền viên phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính SARS-COV-2 trong vòng 3 ngày. Điều này gây khó khăn đối với những tuyến hành trình dài hơn 3 ngày. Trên hành trình thuyền viên phải test lại. Trong khi đó, đường thủy không có nhiều vị trí xét nghiệm, mỗi lần xét nghiệm thuyền viên phải lên bờ làm", đại diện Cảng vụ Đường thủy khu vực III thông tin.

Cũng theo đơn vị này, Công văn 5886 của Bộ Y tế yêu cầu bố trí nhân lực test nhanh tại các cảng, bến thủy, song hiện phần lớn các địa phương chưa có bố trí trạm test nhanh Covid-19.

Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cũng cho biết, hiện hầu hết địa phương chưa bố trí được điểm test nhanh y tế tại chỗ đối với phương tiện vận tải thủy.

“Các địa phương cần triển khai tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các trạm kiểm soát liên ngành trên sông, đảm bảo đủ nhân lực và điều kiện trang thiết bị, kỹ thuật, kít test để hỗ trợ các phương tiện thủy”, Cục Đường thủy nội địa VN kiến nghị.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.