Hàng hải

Đơn hàng tới tấp, đóng tàu lo thiếu người làm

11/03/2023, 13:51

Cơ hội đóng tàu xuất khẩu rộng mở, đơn hàng được ký tới tấp nhưng các doanh nghiệp đóng tàu đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân công.

Liên tiếp ký nhiều hợp đồng lớn

Từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp đóng tàu trên cả nước liên tiếp ký kết các đơn hàng đóng mới tàu xuất khẩu có giá trị lớn với đối tác nước ngoài.

img

Tàu du thuyền 110m do Công ty Đóng tàu Hạ Long thi công cho Úc

Ông Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Phà Rừng cho biết, năm 2022, Phà Rừng ký hợp đồng sửa chữa gần 90 tàu, trong đó có cả tàu trong nước, nước ngoài.

Riêng tàu đóng mới, đơn vị đã ký hợp đồng đóng 3 chiếc tàu hóa chất 13.000 tấn với chủ tàu Hàn Quốc, thỏa thuận sẽ đóng tiếp 2 tàu nữa sau khi hoàn thành 3 chiếc này. Như vậy, đơn vị đã lo đủ việc làm cho 2 năm.

“Có nhiều doanh nghiệp quốc phòng, tư nhân đóng được tàu xuất khẩu, nhưng để đóng tàu lớn, sản lượng nhiều cùng thời điểm như Phà Rừng thì không nhiều”, ông Chiến tự tin.

Tương tự Phà Rừng, các công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hạ Long cũng đang tất bật hoàn thiện các tàu đóng mới. Công xưởng luôn rầm rập tiếng búa máy.

Cho biết đang có rất nhiều cơ hội trên thị trường tàu xuất khẩu, một lãnh đạo của Đóng tàu Hạ Long cho hay, nhu cầu đóng mới rất nhiều: “Ukraine là một những nước có thế mạnh đóng tàu thì đang có chiến sự.

Các nhà máy đóng tàu Trung Quốc kín đơn hàng, nhất là đơn hàng tàu trọng tải lớn hoặc rất lớn. Chủ tàu muốn đóng tàu tải trọng nhỏ hơn sẽ tìm đến doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam”.

Vị này cho biết thêm, chỉ riêng 2 năm 2021 - 2022, Hạ Long đóng 2 tàu du lịch 110m, tàu nhôm phục vụ công trình điện gió ngoài khơi và một số tàu đánh bắt cua, cá cho Anh quốc; Cuối năm 2022 ký hợp đồng đóng tàu cho Damen (Hà Lan). Riêng năm 2022 bàn giao 4 tàu xuất khẩu gồm 1 tàu du lịch 110m, 2 tàu nhôm điện gió, 1 tàu cua.

Tính thuê nhân công nước ngoài

img

Tàu do SSIC đóng cho chủ tàu Singapore

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, khi hợp đồng liên tiếp được ký kết, nguồn việc làm đủ cho nhiều năm, họ lại đang đối mặt nỗi lo khác là tìm kiếm nguồn nhân công.

Đại diện Công ty Đóng tàu Hạ Long cho biết, nhu cầu đóng tàu xuất khẩu tuy nhiều nhưng ít nhà máy đáp ứng được.

Chủ tàu tìm hiểu rất kĩ và yêu cầu cao về cơ sở vật chất, kĩ thuật cũng như đội ngũ kĩ sư, thợ lành nghề. Ngay cả cơ sở vật chất đáp ứng được thì nhân công lại thiếu do lao động cũ thì nghỉ việc, lao động mới chưa tuyển được.

Trường hợp đưa thầu phụ tham gia thi công, phải gửi danh sách để chủ tàu đánh giá, chấp thuận. Như Hạ Long, hiện có hơn 900 lao động, nhưng để đáp ứng nhu cầu công việc cả đóng mới và sửa chữa thường xuyên có 200 - 300 lao động thầu phụ. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ tham gia các phần việc phụ về mộc, trần vách...

Chia sẻ với những khó khăn của Đóng tàu Hạ Long, Tổng giám đốc Phà Rừng Vũ Hữu Chiến cho biết cũng đang phải chịu cảnh tương tự.

Biên chế của Phà Rừng hiện chỉ còn khoảng 600 người, trong khi trước đây là 2.500 người. Nhiều kĩ sư, thợ giỏi, lành nghề đã bỏ việc dần, trong khi không tuyển dụng được mới.

Do nghề đóng tàu vất vả, nên mặc dù thu nhập ổn định, không thấp, trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng, nhưng người lao động không mặn mà, họ sẵn sàng làm việc khác có mức lương thấp hơn nhưng đỡ vất vả hơn.

Công ty đã phải thuê thầu phụ tham gia sửa chữa, đóng mới, với lực lượng khoảng 300 - 400 người. Cùng đó, Đóng tàu Hạ Long cũng đã thí điểm thuê lao động Ấn Độ.

“Mức lương của lao động người Ấn Độ chỉ tương tự lao động cơ hữu của chúng tôi. Đơn vị đang tính phương án thuê lao động nước ngoài lâu dài để bù đắp thiếu hụt lao động trong nước”, ông Chiến cho hay.

Vẫn khó khăn về vốn

Một khó khăn khác theo ông Chiến vẫn là vốn và bảo lãnh. Với chủ tàu nước ngoài, bắt buộc phải có bảo lãnh họ mới chuyển tiền, vật tư để thi công vì giá trị con tàu rất lớn: “Phà Rừng đã phải rất vất vả đàm phán với chủ tàu để có được hợp đồng đóng tàu dầu 13.000 tấn với giá trị hợp đồng khoảng 23 triệu USD. Nhưng không phải lúc nào cũng thành công”.

Cho biết những khó khăn về vốn và bảo lãnh không phải riêng có với Phà Rừng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (SBIC) cho hay, do SBIC đang tái cơ cấu nên không thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) cho biết, đa số chủ tàu có nhu cầu ký hợp đồng turnkey (hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay).

Nếu có vốn hay được ngân hàng bảo lãnh, doanh nghiệp sẽ có cơ hội ký hợp đồng trọn gói này, đóng toàn bộ tàu với vật tư, thiết bị do doanh nghiệp cung cấp. Khi đó, giá trị thặng dư sẽ cao hơn, lợi nhuận cũng tốt hơn.

Nhưng hiện SSIC cũng như đa số các doanh nghiệp đóng tàu thuộc SBIC đều đang phải nỗ lực thuyết phục chủ tàu cho thực hiện phần nhân công, không cần bảo lãnh, phần vật tư, thiết bị do họ cung cấp, đảm bảo là tài sản của họ.

“Không dám mơ tưởng làm trọn gói tàu to, giá trị lớn, chúng tôi chấp nhận làm gia công để duy trì doanh nghiệp, trả lương người lao động, dần dần xây dựng uy tín với chủ tàu nước ngoài”, ông Châm nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc SBIC, thị trường đóng tàu đang dịch chuyển dần từ châu Âu sang châu Á.

Các nước có thế mạnh về đóng tàu như Trung Quốc, Hàn Quốc tập trung đóng tàu cỡ lớn nên dòng tàu cỡ trung, cỡ nhỏ là cơ hội cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Năng lực đóng tàu Việt Nam có thể đảm nhận loại tàu cỡ trung, cỡ nhỏ, trong đó có các doanh nghiệp thuộc SBIC. Hiện, SBIC có thể đóng các tàu trọng tải từ 70.000 tấn trở xuống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.