Pháp luật

Đơn kháng án của "bầu" Kiên dài 118 trang

01/12/2014, 13:19

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã xin được bổ sung đơn kháng cáo dài 118 trang được đánh máy, thay cho đơn viết trong tù. "Bầu" Kiên cũng cho rằng, "bản án 30 năm đối với người không phạm tội là rất dài".

img

Sau khi trở lại tòa từ khu cách ly, bị cáo Nguyễn Đức Kiên được mở còng khóa tay. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên xin phép HĐXX ký một đơn bổ sung và thay thế đơn đã gửi trước đó.

Đứng trước vành móng ngựa, "bầu" Kiên xin đọc nguyên văn đơn kháng án, tuy nhiên chủ tọa phiên tòa cho rằng: “Đơn đó có 118 trang, hơn nữa, các thành viên HĐXX đã đọc kỹ, nên không cần thiết. Bị cáo có thể trình bày ở phần tranh luận”.

"Bầu" Kiên cho biết, đơn trước gửi tòa được viết trong tù nên có thể có nội dung chưa chính xác, chữ viết khó đọc. Lá đơn này được đánh máy cẩn thận và có chỉnh sửa một số nội dung trích dẫn nên xin được bổ sung đơn này. Đề xuất này đã được HĐXX chấp thuận.

Trong đơn, ông Kiên tái khẳng định, 5 công ty của mình được thành lập theo đúng luật định. “Quyết định mua cổ phần là ý chí của tập thể, không phải cá nhân tôi” – bị cáo Kiên  khẳng định. “Tôi tin tôi đã làm đúng tại các công ty”. Bị cáo cũng cho rằng, "bản án 30 năm đối với người không phạm tội là rất dài" và xin tòa cho trình bày hết bản kháng cáo.

Trong quá trình trình bày, bị cáo Kiên đôi lúc đứng lên ngồi xuống để hít thở và được HĐXX dặn dò: “Bị cáo bình tĩnh khi trình bày”. Bị cáo nói, bản thân bị tim và huyết áp cao nhưng tin rằng sẽ giữ được bình tĩnh.

Khi được HĐXX hỏi về hoạt động của 5 công ty do Kiên đăng ký thành lập, bị cáo nói: 5 công ty này căn cứ vào giấy phép kinh doanh và hoạt động bình thường. 5 công ty này đầu tư vào 3 nội dung: tham gia góp vốn thành lập DN mới; mua cổ phần của các DN đã được thành lập; mua cổ phần của các công ty trên sàn chứng khoán tập trung.

Đây chính xác là hoạt động đầu tư tài chính theo qui định của pháp luật.

HĐXX đề nghị đại diện Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nhà Rồng, Công ty cổ phần xi măng Hòa Phát, Công ty cổ phần đầu tư ACB, Cty cổ phần đầu tư AFG, ACI, ACI HN, Công ty cổ phần hàng hóa Sài Gòn, Ngân hàng Phương Nam, Vietbank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long… và một số cá nhân liên quan xác nhận các số liệu được kê khai trong hoạt động đầu tư tại 5 công ty của Nguyễn Đức Kiên.

Các đơn vị đều xác nhận số liệu đầu tư có liên quan đến mình mà HĐXX đưa ra là đúng.

Về hợp đồng số 17 trong hoạt động kinh doanh vàng, HĐXX hỏi, bị cáo là người ký hợp đồng số 017, ngày 10/12/2009, vậy việc gọi điện thoại đến ACB thực hiện vào thời điểm nào? Nguyễn Đức Kiên cho biết, mỗi khi có giao dịch với ACB, Tổng Giám đốc Thiên Nam là ông Lê Quang Trung - đã mất - sẽ có lệnh và tôi (bị cáo Kiên) có trách nhiệm gọi điện thoại đến ACB để đọc lệnh của Tổng Giám đốc Thiên Nam. Vì hệ thống điện thoại chỉ nhận diện được giọng của tôi.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, mình là người trực tiếp gọi điện thoại đến ACB để đặt lệnh giao dịch trạng thái vàng và người xác nhận lệnh này là ông Hân – Phó TGĐ của ACB. Do hệ thống điện thoại chỉ ghi được giọng nói của ông nên ông Kiên phải thay ông Trung gọi điện thoại sang ACB.

Trước đó, trong phần trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết, ACB không mở tài khoản nước ngoài cho công tyThiên Nam để kinh doanh vàng mà dùng chính tài khoản của mình ở nước ngoài để mua bán vàng.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc mua bán trạng thái vàng theo Hợp đồng số 017, số dư trạng thái vàng của Thiên Nam tỷ lệ thế nào với số dư trạng thái vàng giữa ACB và Thiên Nam, ông Hải nói: Thực ra không có mối liên hệ nào. ACB giữ trạng thái ấy ở nước ngoài và mang trạng thái ấy về kinh doanh trong nước.

Theo bị cáo Lý Xuân Hải, trong giao dịch vàng, ACB đứng giữa để lấy phí giữa Thiên Nam và phía nước ngoài. Nếu mức giá hợp lý với Thiên Nam, khi mua về, ACB có thể thu thêm một khoản phí nào đấy.

 

Hữu Tuấn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.