Thời sự

Dồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm

02/07/2015, 09:03

Đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án giao thông trọng điểm là chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

32
Nhiệt độ cao là một trong những tác nhân gây hiện tượng hằn lún (Ảnh nhỏ: Nhiệt độ mặt đường trên QL1 qua Quảng Bình lên đến hơn 70OC) - Ảnh: Văn Thanh

Tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng bộ GTVT diễn ra sáng qua (1/7), Bộ trưởng - Bí thư Ban cán sự Đinh La Thăng chỉ đạo các đơn vị phải tập trung đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án giao thông trọng điểm.

Dồn lực cho nhiều dự án lớn

Cùng với việc tập trung xử lý dứt điểm tình trạng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX), nhiệm vụ quan trọng của 6 tháng cuối năm 2015 được người đứng đầu Bộ GTVT - Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ rõ là phải dồn sức cho các dự án giao thông trọng điểm, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Những cái tên được Bộ trưởng nhấn mạnh gồm: Dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, dự án nâng cấp CHK Pleiku, Sân bay Tân Sơn Nhất... đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.

“Dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành vừa được Quốc hội thông qua. Để không phụ lòng tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân, các cơ quan, đơn vị chức năng phải nhanh chóng lập các kế hoạch triển khai. Trước hết phải tổ chức đấu thầu để chọn được nhà thầu xây dựng báo cáo khả thi, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.

Trước đó, chỉ đạo việc xử lý tình trạng hằn lún, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Phải thấy rằng, chỉ 1m hằn lún chúng ta cũng cảm thấy có lỗi với người dân. Dự án dù làm bằng vốn trái phiếu hay BOT, BT… đều là tiền của dân, của doanh nghiệp. Làm quản lý, mình phải có trách nhiệm đưa ra các giải pháp đúng đắn, nhanh chóng khắc phục”.

Liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Vũ Đức Thuận cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; chất lượng văn bản QPPL ban hành được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, theo kết quả đánh giá chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014 (MEI 2014), mức cải thiện điểm số của Bộ GTVT ở MEI 2014 so với MEI 2012 là 27,58%, dẫn đầu trong 14 Bộ. Đồng thời, Bộ GTVT cũng dẫn đầu 14 Bộ ở chỉ số Xếp hạng hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật với 68,22 điểm.

Cũng theo ông Thuận, 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng vận tải ước đạt khoảng 546 triệu tấn hàng và 1.611 triệu lượt hành khách; Công tác kiểm soát tải trọng xe tiếp tục được siết chặt; TNGT 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm trên cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm 2014; Công tác thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hoàn thành vượt tiến độ 59 công trình, dự án để đưa vào khai thác, phục vụ đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Nghiên cứu hình sự hóa hành vi tái phạm chở hàng quá tải trọng trên 150%

Liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, một trong những vấn đề quan trọng được bàn thảo tại buổi làm việc của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT sáng qua (1/7) là đề xuất hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chở hàng quá tải trọng trên 150%, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga, Bộ GTVT đang nghiên cứu xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Theo đó, sẽ cụ thể hóa mức phạt với xe chở quá tải trọng 150%. “Quy định hình sự hóa với hành vi xe ô tô chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm là để bảo đảm sự thống nhất và tiếp nối giữa Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”, bà Nga khẳng định.

Về kỹ thuật, theo bà Nga, việc chở quá tải trọng phương tiện làm cho toàn bộ hệ thống phanh của phương tiện bị vô hiệu hóa. Phương tiện sẽ trở nên rất nguy hiểm đối với tính mạng của những người khác khi tham gia giao thông. Đồng thời, việc xe ô tô chở hàng quá tải trọng cũng gây áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phá hủy cầu, đường. Vì thế, kể cả khi xe ô tô chở quá tải trọng chưa gây thiệt hại về tính mạng, cũng sẽ ảnh hưởng đến tài sản Nhà nước.

Cũng theo bà Nga, trong Bộ luật Hình sự cũng như dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều hành vi nguy hiểm tuy không xác định được mức thiệt hại cụ thể nhưng đã bị xử lý hành chính có thể chuyển xử lý hình sự như: Điều 142: Tội sử dụng trái phép tài sản; Điều 161: Tội trốn thuế; Điều 164b: Tội làm tem giả; Điều 177: Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện… “Do đó, việc hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm có thể áp dụng cấu thành tội phạm hình sự theo cách tương tự”, bà Nga nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.