Quản lý

Dồn lực giải ngân 63.000 tỷ đồng cao tốc Bắc - Nam

14/03/2023, 13:17

Các chủ đầu tư và nhà thầu đang dồn lực thi công để “tiêu” hết kế hoạch vốn lên đến hơn 63.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thi công ngày đêm

Hơn hai tháng kể từ ngày khởi động dự án, công trường gói thầu XL1 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh vẫn rầm rập tiếng máy móc từ sớm tinh mơ đến tận đêm muộn.

img

Khó khăn về mặt bằng, vật liệu tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã cơ bản được tháo gỡ, nhà thầu đang huy động nguồn tài chính, máy móc, thiết bị để đảm bảo đúng tiến độ. Ảnh: Tạ Hải

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc điều hành gói thầu chia sẻ, đơn vị đảm nhận phạm vi thi công từ Km 636 - Km 651+840 với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.

Hiện tại, Tập đoàn Cienco4 đang tổ chức 5 mũi thi công đường, 2 mũi thi công cầu, 1 mũi đúc dầm, 4 mũi thi công hệ thống thoát nước. Trong đó, các mũi thi công đường và thi công cầu được tổ chức thi công 3 ca.

Được giao kế hoạch vốn năm 2023 lên tới 7.179 tỷ đồng, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau cũng đang được cấp tập thi công để chạy đua giải ngân.

Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo kế hoạch, khối lượng giải ngân năm 2023 với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 2.802 tỷ đồng; dự án Hậu Giang - Cà Mau sẽ giải ngân 4.377 tỷ đồng.

Đến nay, tại dự án Cần Thơ - Hậu Giang, nhà thầu đã huy động 10 mũi thi công, hơn 150 nhân sự cùng 50 thiết bị các loại. Dự án Hậu Giang - Cà Mau đã huy động 26 mũi thi công, hơn 356 nhân lực cùng 105 thiết bị các loại.

Lũy kế đến hết tháng 2/2023, giá trị thực hiện tại hai dự án thành phần đạt hơn 1.936 tỷ đồng. Trong đó, dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt hơn 708 tỷ đồng; dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 1.228 tỷ đồng.

Cận ngày về đích, hơn 2.000 kỹ sư, công nhân trên công trường dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng đang dồn lực hoàn thành các hạng mục còn lại.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc ban điều hành dự án cho biết, năm 2023, giá trị khối lượng công việc còn lại tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết khoảng 3.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng giải ngân dự án đạt khoảng 150 tỷ đồng, vượt kế hoạch đăng ký (100 tỷ đồng), trung bình mỗi ngày, giá trị sản lượng giải ngân tại dự án đạt khoảng 10 - 15 tỷ đồng.

Kết thúc hai tháng đầu năm, Ban QLDA Thăng Long cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực về khối lượng giải ngân.

Theo ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, trong gần 934 tỷ đồng khối lượng giải ngân tính đến hết ngày 28/2/2023 của đơn vị, 4 dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng đã giải ngân được hơn 932 tỷ đồng, vượt 11% so với kế hoạch đăng ký.

Thông mặt bằng mới có kịch bản giải ngân hoàn hảo

Sẵn sàng nguồn lực để bứt tốc, song, nỗi lo lớn nhất của Giám đốc điều hành gói thầu XL1 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh Trần Văn Thành là mặt bằng chưa được khơi thông để thi công đồng loạt.

Theo hồ sơ, diện tích mặt bằng địa phương bàn giao cho Cienco4 thi công được 7km nhưng thực tế, chiều dài mặt bằng thi công liên tục chỉ được 4 - 5km.

Tương tự, tại dự án đoạn Vân Phong - Nha Trang, đại diện Ban QLDA 7 cho biết, công tác GPMB mặc dù nhận được sự vào cuộc rốt ráo của tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ bàn giao đã đạt 73% song vẫn còn 9 điểm mặt bằng xen kẹt, xôi đỗ (6km).

Riêng với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, các khó khăn về mặt bằng, vật liệu đã cơ bản được tháo gỡ. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nhà thầu phải huy động nguồn tài chính, máy móc, thiết bị.
Để không lỡ tiến độ chung, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các Ban QLDA yêu cầu các nhà thầu hỗ trợ nội bộ dự án cho nhau. Các Ban QLDA cũng được yêu cầu cử lãnh đạo nằm tại hiện trường cho đến khi dự án hoàn thành.


Một khó khăn nữa là mỏ đất đắp. Theo tính toán, tổng nhu cầu đất đắp khoảng 9 triệu m3.

Trong đó, gần 3 triệu m3 tận dụng từ công tác đào nền. Hơn 6 triệu m3 còn lại khai thác từ mỏ dự kiến giao cho nhà thầu khai thác trực tiếp.

“Hiện nay, nhà thầu đã lập hồ sơ trình tỉnh 4 mỏ đất. Chúng tôi mong muốn đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2023, địa phương sẽ chấp thuận việc khai thác để nhà thầu tổ chức thi công ngay gói thầu XL1”, đại diện Ban QLDA 7 chia sẻ.

Mặt bằng và vật liệu cũng là hai thách thức lớn được Ban QLDA Mỹ Thuận xác định là yếu tố tiên quyết đến tiến độ giải ngân dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Lê Đức Tuân, hiện tại, tỷ lệ mặt bằng được địa phương bàn giao cho hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau đạt khoảng 80% diện tích.

Tuy nhiên, do một số vị trí còn vướng nhiều nhà cửa chờ tái định cư, chưa di dời nên mặt bằng thực tế nhà thầu có thể thi công chỉ đạt khoảng hơn 60%.

Về vật liệu, nhu cầu của dự án cần khoảng 18,5 triệu m3 cát song các địa phương mới có chủ trương bố trí khoảng 3 triệu m3.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đến nay, các địa phương đã bàn giao khoảng gần 80% diện tích mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, nhưng công địa có thể tổ chức thi công đồng loạt chỉ đạt khoảng 53%.

“Tháo gỡ khó khăn hiện tại, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT làm việc, đề nghị các địa phương giải quyết vấn đề mặt bằng trong tháng 3/2023”, ông Minh nói và khẳng định, có mặt bằng sạch, dự án mới có kịch bản hoàn hảo về giải ngân.

Chia sẻ thêm về giải pháp đảm bảo kế hoạch giải ngân tại dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Minh cho biết, Cục đã chỉ đạo các Ban QLDA trên cơ sở giá trị cần giải ngân, làm phép tính ngược sản lượng cần hoàn thành là bao nhiêu, từ đó xác định ưu tiên mũi thi công vào các hạng mục nào, tính số lượng máy móc, thiết bị, con người để triển khai.

Việc lập tiến độ thi công phải đảm bảo tính khả thi, tính cả đến rủi ro thời tiết, khả năng cung cấp nguồn vật liệu… Tiến độ phải kiểm soát hàng tuần, mũi thi công nào không đáp ứng được kế hoạch cần có ngay giải pháp để tăng ca tăng kíp hoặc bổ sung mũi thi công.

Yêu cầu giải ngân cũng đòi hỏi phải nhanh chóng triển khai các hạng mục giá trị sản lượng cao, những đoạn tuyến thuận lợi, đủ điều kiện phải dồn lực thi công cuốn chiếu.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2023, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao năm 2023); các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%).
Tính đến ngày 28/2/2023, các dự án cao tốc Bắc - Nam với giá trị 8.816 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 82% giá trị đã giải ngân của cả Bộ GTVT).
Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 1.174 tỷ đồng, đạt 6,6% kế hoạch năm.
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, giải ngân 7.641/45.266 tỷ đồng, đạt 16,9% kế hoạch năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.