Thị trường

Dọn nhà dịp Tết lương cao, việc nhiều

12/01/2017, 07:58
image

Nhu cầu dọn nhà dịp Tết tăng cao là cơ hội cho nhiều người làm việc trong lĩnh vực này.

Những người dọn nhà thuê dịp cuối năm đang làm khô

Những người dọn nhà thuê dịp cuối năm đang làm không hết việc. Ảnh: GN.N.

Nhu cầu dọn nhà, mượn người làm trong những ngày Tết đang nóng dần lên. Ngoài băn khoăn giá cả “leo thang”, nhiều gia đình cũng không khỏi lo lắng mất tiền, chuốc “muộn phiền”.

Dọn nhà ngày áp Tết: mất tiền, chuốc bực

Bận công việc cuối năm ở cơ quan, chị Bùi Hoàng Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Năm trước, tận 25 Tết hỏi mãi mới được giới thiệu người giúp dọn nhà, mà không được như ý”. Theo lời kể của chị Mai, được cô bạn thân giới thiệu cho người giúp dọn nhà, chị mừng hơn bắt được vàng nên khi được yêu cầu trả công 800 nghìn đồng/ngày dọn dẹp, chị cũng vui vẻ chấp nhận. Thế nhưng chưa kịp mừng vì nhà cửa sạch sẽ, chị đã giật mình khi cậu con trai hỏi tìm chiếc Ipad vẫn thường dùng để học tiếng Anh. Cả nhà lật tung mọi ngóc ngách mà vẫn bặt vô âm tín. “Đúng là một mất mười ngờ. Người thì do cô bạn thân giới thiệu, nên mình chẳng dám lên tiếng mà giữ trong lòng thì thấy ấm ức. Năm nay chưa biết nên làm sao vì từ giờ đến Tết, công việc vẫn ngập đầu”, chị Mai lo lắng.

Còn chị Lê Ngọc Diệp (Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội) vẫn bực mình khi nhắc lại chuyện mượn người dọn nhà ngày áp Tết trước. Để cẩn thận, chị đặt hàng trung tâm dọn nhà chuyên nghiệp với tiền công 45 nghìn đồng/giờ/người. Đến khảo sát, bên trung tâm nói cần hai người làm trong 5 tiếng là sạch sẽ. Chị Diệp kể: “Gọi là có hai người làm nhưng một bạn sinh viên trẻ mới đi dọn nhà lần đầu, vừa lóng ngóng vừa yếu, làm chừng hai tiếng đã ngồi thở dốc. Cuối cùng thời gian dọn nhà kéo dài suốt 10 tiếng. Tưởng rẻ lại thành đắt!”.

Xem thêm video:

Nhu cầu dọn nhà dịp Tết tăng cao là cơ hội cho nhiều người làm việc trong lĩnh vực này. Mặc dù mới mùng 5 tháng Chạp nhưng chị Nguyễn Thị Ngát (Nam Định) chuyên đi thu mua phế liệu, đồng nát và có thâm niên dọn nhà tại Hà Nội gần 20 năm nay, đã kín lịch dọn nhà từ sớm đến tối khuya từ ngày 24 - 29 Tết. Chị Ngát cho biết, cả 3 mẹ con cứ từ rằm tháng Chạp đều lên Hà Nội nhận dọn nhà. “Mọi người giới thiệu cho nhau, nhiều chỗ thân quen quá nên phải nhận, khoảng 7 ngày sát Tết là phải chấp nhận làm đến tối khuya. Tranh thủ thời gian này kiếm cũng bằng mấy tháng, vừa được trả công hậu hơn lại vừa được nhà chủ cho nhiều món đồ nhân dọn nhà cuối năm”, chị Ngát cho biết.

Cũng như chị Ngát, chị Nguyễn Thị Đồi (Phú Thọ) cũng đã kín lịch dọn trong một tuần cận Tết. “Giờ chỉ ai gọi đi dọn trước ngày 23 Âm lịch thì nhận thôi. Vì mình giữ chữ tín, dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không táy máy đồ nhà chủ nên mọi người giới thiệu cho nhiều”, chị Đồi cho biết.

Ồ ạt tuyển người giúp việc Tết, trách nhiệm chủ nhà chịu(?)

Do nhu cầu cần người giúp việc trong những ngày Tết tăng cao nên phần lớn các trung tâm giới thiệu giúp việc đều ồ ạt tuyển người, thậm chí không thu phí dịch vụ nhận người, giá cả cũng “leo thang” theo. Theo đó, nếu dọn nhà trước ngày 23 Âm lịch giá 75-80 nghìn đồng/giờ/người nhưng sau ngày này giá sẽ lên 150 nghìn đồng/giờ/người (không bao gồm vật tư, thiết bị dọn vệ sinh). Với dịch vụ giúp việc ngày Tết (ăn ở luôn tại nhà chủ hoặc đến trong ngày) không bao gồm trông người bệnh, người già và trẻ nhỏ giá dịch vụ 400 - 600 nghìn đồng/ngày/người cùng 900 nghìn phí giới thiệu/người. Chị Hoàng Ngân, Trung tâm giúp việc Hà Nội cho hay, các gia đình có nhu cầu dọn nhà, giúp việc ngày Tết nên đặt sớm, vì sau ngày Rằm tháng Chạp rất khó tìm người.

Giải đáp cho nỗi lo “người giúp việc ngắn ngày có đáng tin” của khách hàng, chị Ngân cho biết: “Khách hàng hoàn toàn yên tâm vì những người mà trung tâm giới thiệu giúp việc Tết đều là người đã làm việc lâu tại đây. Bên cạnh đó, ngoài hợp đồng với Trung tâm, gia chủ sẽ cầm toàn bộ giấy tờ của người giúp việc như CMND, hộ khẩu hoặc giấy xác nhận nhân thân”.

Tuy nhiên, trước thắc mắc của khách hàng về việc nếu trong mấy ngày Tết có sự cố như mất cắp, hư hỏng tài sản của gia chủ thì trách nhiệm của trung tâm giới thiệu việc làm đến đâu, thì câu trả lời đều cho rằng “người giúp việc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Đại diện Trung tâm giúp việc 88 cho biết: “Trung tâm sẽ hỗ trợ gia chủ, ngoại trừ thời gian nghỉ Tết từ 30 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, đây là thời gian trung tâm nghỉ Tết. Nếu có sự vụ xảy ra, trung tâm sẽ hỗ trợ sau(?)”. Hay như lời của chị Ngân, Trung tâm giúp việc Hà Nội: “Nếu đổ vỡ nhỏ thì gia chủ bỏ qua, nếu làm hư hỏng lớn thì người giúp việc phải đền, việc gia chủ có thể giữ lại tiền lương hoặc có xảy ra trộm cắp thì đã có công an vào cuộc”.

Mặc dù nhu cầu cần người trong những ngày Tết rất lớn với không ít gia đình, tuy nhiên việc thuê người giúp việc cũng cần phải được các gia đình cân nhắc kỹ càng để tránh mất tiền lại mang bực vào thân.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh, điều 600, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 quy định: “Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra".Theo đó, người giúp việc (được coi là người làm công) nếu gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, tổ chức khác thì trung tâm giới thiệu việc làm (là pháp nhân) phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và sau đó trung tâm có quyền yêu cầu người giúp việc phải hoàn trả lại một phần tiền cho trung tâm.

Tuy nhiên, trong trường hợp người giúp việc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự như: Trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... của cá nhân, tổ chức khác thì người giúp việc đó phải hoàn trả lại toàn bộ tài sản cho người bị hại. Khi đó trung tâm giới thiệu việc làm không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.