Hồ sơ tài liệu

Đòn trừng phạt của phương Tây càng đẩy Belarus gần Nga?

26/05/2021, 16:20

Những động thái trừng phạt, cô lập từ phương Tây sau vụ ép máy bay Ryanair hạ cánh được nhận định sẽ càng đẩy Belarus gần hơn với Nga.

img

Tổng thống Nga Vladimir Putin có quan hệ thân thiết với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko

Nga ủng hộ Belarus không ngần ngại

Nghi ngờ chính quyền Belarus tạo cảnh báo bom giả rồi dùng chiến cơ MiG-29 ép máy bay dân dụng chở 170 khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn và bắt nhân vật đối lập Roman Protasevich đang khiến Mỹ, Anh và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sôi sục.

EU đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn về biện pháp trừng phạt Belarus vì hành động mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá là chưa từng có tiền lệ.

Theo Bloomberg, khối 27 quốc gia thành viên đã đồng ý mở rộng lệnh trừng phạt kinh tế với Belarus với việc ngay lập tức chỉ đạo các nước thuộc EU cấm hãng hàng không Belavia của Minsk được bay qua không phận của khối hoặc đến các sân bay thuộc EU. Đồng thời, các hãng hàng không của EU cũng không được đi qua không phận Belarus.

Trong thời gian tới, EU cam kết sẽ đưa thêm nhiều quan chức Belarus vào danh sách đen, vốn đã có tên của Tổng thống Belarus. Đồng thời thực hiện một gói lệnh trừng phạt rộng hơn nhằm vào các công ty của Belarus.

Gần như tất cả các cấp, ban ngành, tổ chức liên quan của Mỹ, từ Bộ Giao thông, Ngoại giao... đến các nghị sĩ và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đều lên tiếng chỉ trích hành động của Belarus với những ngôn từ gay gắt như “sự sỉ nhục trắng trợn với hòa bình”, “hành động gây sốc”... và cân nhắc việc trừng phạt Belarus.

Trước búa rìu dồn dập từ Mỹ và rất nhiều nước phương Tây, Nga không ngần ngại ra mặt ủng hộ và bảo vệ chính quyền Belarus. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhận định động thái của Belarus là “hành động hợp lý”.

Nghị sĩ Nga Leonid Kalashnikov khẳng định, Belarus có quyền chọn phương thức mà họ “cảm thấy khả quan và cần thiết để chống lại mối đe dọa an ninh”.

Về phần mình, chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thừa nhận đã bắt giữ nhà hoạt động, blogger lưu vong Roman Protasevich tại sân bay Thủ đô Minsk (Belarus) sau khi máy bay chở người này hạ cánh khẩn.

Tuy nhiên, Belarus khẳng định tuân thủ đúng quy định pháp luật quốc tế và sẵn sàng điều tra, hoan nghênh các chuyên gia quốc tế tới Minsk tìm hiểu rõ sự tình.

Điều kiện tốt để thúc đẩy “Nhà nước Liên minh”?

img

Máy bay Ryanair phải hạ cánh khẩn tại sân bay Minsk vì cảnh báo bom giả

Câu hỏi đặt ra là liệu sau sự việc này, ý định tăng cường quan hệ với Mỹ và phương Tây mới nhen nhóm của ông Lukashenko có sụp đổ hay không? Và ý tưởng “Nhà nước Liên minh Nga - Belarus” mà chính quyền Moscow ấp ủ bấy lâu nay có đà để thành hiện thực?

Ý tưởng được đưa ra từ năm 1999 giữa ông Lukashenko và Tổng thống Nga khi ấy là Boris Yeltsin với những nội dung quan trọng như hình thành đồng tiền chung, tòa án chung và có người đứng đầu nhà nước liên minh chung... Qua nhiều năm, hai bên mới chỉ tiến tới xây dựng được liên minh thuế quan.

Cách đây ít lâu, khoảng cuối năm 2019 - đầu 2020, quan hệ thân thiết Minsk - Moscow nảy sinh một số rạn nứt liên quan tới vấn đề cung cấp dầu.

Cuối năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo cũng đã có chuyến thăm Belarus, được cho là nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao với Belarus. Ở bối cảnh đó, việc xúc tiến ý tưởng “Nhà nước Liên minh Nga - Belarus” gần như không có mấy biến chuyển tích cực.

Tiếp đó, sau cuộc bầu cử Tổng thống Belarus mang về chiến thắng lần thứ 6 cho ông Lukashenko, đã xảy ra rất nhiều cuộc biểu tình phản đối chính quyền, cáo buộc ông Lukashenko gian lận.

Trong số những người biểu tình có không ít người có tư tưởng hướng đến châu Âu xuống đường phản đối gây bạo loạn, đẩy xã hội Belarus vào bất ổn. Một lần nữa ông Lukashenko đã tìm đến sự hậu thuẫn từ Nga và nhận được ủng hộ từ Moscow.

Lúc đó, ý tưởng liên minh với Nga một lần nữa được giới quan sát, chuyên gia chính trị trên thế giới đề cập tới.

Nhưng đến gần đây cả hai lãnh đạo Nga - Belarus vẫn bác bỏ mọi đồn đoán. Một trong những lý do khiến Belarus không tiến tới liên minh được cho là vì cán cân kinh tế, tiềm lực giữa hai bên quá chênh lệch, khó có thể đảm bảo bình đẳng.

Và nay, với các đòn trừng phạt mới gần như cô lập Belarus từ EU, những khó khăn, thách thức bủa vây, rất có thể đẩy Minsk mềm lòng hơn với ý tưởng “Nhà nước Liên minh Nga - Belarus”.

Nếu đi đến đồng thuận, quan hệ sâu sắc này sẽ trở thành mối đe dọa đáng kể với châu Âu. Khi ấy, Belarus gần như bị ràng buộc với Nga và nước này sẽ trở thành vùng đệm cho phép Nga tiếp cận trực tiếp EU và NATO mà không cần trung chuyển hay quá cảnh qua nước khác.

Hơn nữa, Moscow có thể sử dụng quan hệ này để cạnh tranh ảnh hưởng với EU và những nước láng giềng xung quanh Nga. Hiện nay Nga đang tăng cường mở rộng hiện diện quân sự tại Belarus thông qua một loạt các cuộc tập trận quân sự liên tiếp. Quan hệ giữa Moscow và Minsk hiện nay đã ở mức như hai đồng minh thực sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.