Vận tải

Đơn vị vận tải bù lỗ để đưa hành khách về quê ăn Tết

30/01/2022, 07:34

Dừng hoạt động vận tải hành khách cả năm, đầu năm 2022 khởi động lại tuyến, nhưng nhiều đơn vị vận tải vẫn phải bù lỗ vì “đói khách”.

Chở 1 xe thì thiếu, 2 xe thì đói khách

Đây là tình trạng đang diễn ra đối với rất nhiều nhà xe khách tuyến cố định. Anh Tiến, đại diện nhà xe Diên Hồng chuyên vận chuyển hành khách tuyến Gia Lai - Huế, buồn bã nói: “Tôi có 4 xe khách chạy tuyến Gia Lai - Huế, mà gần như cả năm 2021 xe khách "nằm chơi".

Đến cuối năm 2021 bắt đầu hoạt động trở lại để phục vụ hành khách dịp Tết Dương lịch 2022, thế nhưng xe chạy vẫn đói khách. Những năm chưa có dịch bệnh Covid-19, Tết Dương lịch lượng sinh viên đi lại nhiều, nhưng năm nay sinh viên ở nhà học trực tuyến nên xe khách nào cũng bị ế khách.

img

Hành khách quá ít, nên nhiều nhà xe chấp nhận lỗ

Tuy vậy, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động, hy vọng dịp Tết âm lịch này người dân gốc Huế làm việc tại Tây Nguyên về quê ăn Tết đông hơn sẽ bù lỗ lại. Ai ngờ đến hôm nay (28 Tết âm lịch) chúng tôi vẫn lỗ. Ngày nào cũng chỉ có khoảng 50-60 hành khách đi xe.

Nếu chúng tôi xuất bến 1 xe giường nằm (quy định được chở 40 hành khách) thì dư khách không chở hết. Nếu xuất bến 2 xe thì mỗi xe chở khoảng 25 đến 30 hành khách. Trong khi đó thời gian trước Tết chỉ có lượng khách đi từ Gia Lai ra Huế, còn chuyến từ Huế vào Gia Lai gần như chạy xe không”.

Tương tự, nhà xe Ngọc Thông 1 chuyên chạy 2 tuyến Đắk Lắk - Huế và tuyến Đắk Nông - Quảng Trị cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Theo đại diện nhà xe này, lượng hành khách đi xe trong dịp Tết Nguyên đán 2022 chỉ bằng 40% số hành khách năm trước.

Mọi năm từ ngày 15 Tết 4 xe Ngọc Thông chạy chở hành khách không kịp. Thường thì một ngày 1 chuyến, nhưng dịp Tết phải quay đầu xe liên tục. Nhưng năm nay, chỉ hoạt động 3 xe. Ông Đoàn Điểm, chủ nhà xe Ngọc Thông 1, cho biết: “Đến ngày 27, chúng tôi xuất bến 3 xe thôi, nhưng 1 xe vẫn trống giường, không có khách đi xe”.

Nhiều xe bỏ tuyến

Tình trạng nhiều xe khách chạy tuyến cố định từ Tây Nguyên về các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã phải bỏ tuyến không hiếm. Xe khách Hoàng Sơn chạy tuyến Đắk Nông - Nam Định ngày nào cũng có 1 xe xuất bến, nhưng năm nay bỏ hẳn tuyến để 4 xe khách “nằm chơi”.

img

Đói khách nhiều xe chở hàng để kiếm tiền bù lỗ xăng dầu

Hãng vận tải hành khách Minh Quốc tại Kon Tum cũng đành bỏ nhiều tuyến không hoạt động vì ế khách. Ông Đoàn Thế Tiến, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc, cho biết: “Đợt cao điểm tính từ ngày 25 tết, thế nhưng lượng hành khách và số lượng xe hoạt động chỉ còn đạt 30% so với năm trước.

Đặc biệt, các tuyến Kon Tum - Huế, Kon Tum - Đà Lạt, Kon Tum - Đồng Nai nhà xe Minh Quốc cho dừng hẳn vì không có hành khách. Đối với tuyến Kon Tum - TP.HCM, một ngày Minh Quốc có đến 15 xe xuất bến, nhưng năm nay xuất bến chỉ 5 xe.

Tuyến Kon Tum - Đà Nẵng bình thường một ngày xuất bến 3 xe, nhưng tết năm này hoạt động có 1 xe mà vẫn ế khách. Tuyến Kon Tum - Bình Định bình thường xe Minh Quốc hoạt động xuất bến 5 xe/ngày, Tết năm nay hoạt động có 1 xe. Doanh nghiệp Minh Quốc ước tính năm nay phải bù lỗ khoảng 50% doanh số thu vào”.

Ông Phạm Bá Tuyên, Giám đốc Bến xe liên tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Tết năm nay bến xe Đắk Nông chỉ làm lệnh xuất bến được khoảng 10 xe/ngày. Riêng các tuyến đi các tỉnh Bắc là không có xe nào xuất bến. Ngày Tết mà bến xe đìu hiu hơn cả ngày thường”.

Bù lỗ vẫn đưa người dân về quê ăn Tết

Một số nhà xe xác định dù có lỗ ngày mùng 1 và mùng 2 Tết vẫn hoạt động trở lại để đưa hành khách về quê ăn Tết.

Nhà xe Ngọc Thông 1, hàng năm cứ sau giao thừa là có chuyến xe đưa người dân từ Đắk Lắk về Huế, để hành khách kịp về quê với gia đình vào trưa ngày mùng 1 Tết. Đại diện nhà xe Ngọc Thông cho biết, mọi năm sau giao thừa, 2 xe giường nằm chở 80 hàng khách xuất bến, nhưng năm nay mới có 20 người đến đặt cọc vé. Nếu chỉ có 20 hành khách nhà xe phải bù lỗ chuyến xe này, bởi chi phí tiền lương chuyến phải trả tài xế và nhân viên cao gấp 3 lần họ mới đi chuyến đêm giao thừa.

Tuy nhiên, ông Đoàn Điểm, chủ nhà xe Ngọc Thông 1, cho biết: “Đây là chuyến xe tình nghĩa, dù chỉ 1 hành khách chúng tôi vẫn xuất bến trong đêm giao thừa”.

Anh Nguyễn Văn Thương, trú huyện Ea Ka, tỉnh Đắk Lắk, đến đặt vé xe Ngọc Thông 1 để đi về Huế trong đêm giao thừa, cho biết: “Năm ngoái tôi ở lại đêm 30 Tết để thắp hương tổ tiên tại nhà rồi ra xe Ngọc Thông 1 về quê sớm. Với quãng đường khoảng 600km, 3h sáng lên đường thì đầu giờ chiều mùng 1 Tết tới Huế. Khi đến, nhà xe đã bày sẵn mâm cỗ, hành khách chúng tôi được mời cùng nhà xe thưởng thức để chúc mừng năm mới. Chúng tôi chính là hành khách xông nhà xe đầu tiên, chuẩn bị hành trình để trưa mùng 1 Tết có mặt ở Huế đón Tết cùng gia đình, nên vui và vô cùng ý nghĩa”.

Nhiều nhà xe cũng công bố vẫn hoạt động trở lại từ ngày mùng 1 và mùng 2 Tết để phục vụ hành khách, họ chấp nhận bù lỗ chuyến đầu năm.

Ông Đoàn Thế Tiến, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc, cho biết: “Lúc đầu chúng tôi dự định đến ngày 5 mới hoạt động vận tải hành khách, nhưng có đến hơn 10 người gọi điện đặt vé, nên chúng tôi quyết định ngày mùng 2 Tết sẽ có chuyến xe đầu tiên chở hành khách từ TP.HCM về Kon Tum và coi đây là chuyến xe tình nghĩa, dù có lỗ vẫn vui”.

Đối với các bến xe, dù lượng xe hoạt động ít hơn so với mọi năm nhưng bến xe vẫn có các phương án chủ động phục vụ tốt trong những ngày Tết Nguyên đán.

img

Bến xe Huế chủ động mọi phương án để bảo đảm an toàn trước và sau Tết

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP bến xe Huế, cho biết: “Mặc dù hành khách ra vào bến ít hơn mọi năm, nhưng các bến xe trong Tp.Huế vẫn chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để bảo đảm tốt nhất công tác an ninh trật tự trong bến xe. Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải có phương án tăng cường xe để phục vụ người dân Huế sau Tết.

Thời điểm hành khách đi từ bến xe tăng cao. Với công tác phòng chống dịch, khi có hành khách vào bến bến xe yêu cầu quét mã QR, khai báo y tế, và thực hiện phương pháp chống dịch 5k cho mọi người. Đối với hành khách đi từ các địa phương về bến xe Huế, các doanh nghiệp vận tải phải kê khai y tế khi hành khách đang trên xe để báo về bến xe, để bến xe nhập thông tin khách đến trên trang điện tử phòng chống Covid-19 của tỉnh TT.Huế trước khi xe chở khách về đến bến xe.

Đối với cán bộ nhân viên các bến xe ở Huế cũng đã tiêm vaccine phòng chống Covid-19 đủ 3 mũi và cứ 3 ngày bến xe lại tổ chức tự test nhanh cho cán bộ nhân viên 1 lần”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.