Góc nhìn

Donald Trump - Tập Cận Bình: Ai quyến rũ được ông Putin?

20/07/2018, 07:02

Theo các nhà quan sát, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng sử dụng một chiến dịch tấn công “quyến rũ”...

24

Các nhà lãnh đạo Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình

Theo các nhà quan sát, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng sử dụng một chiến dịch tấn công “quyến rũ” nhằm vào ông Vladimir Putin trong hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi nhà lãnh đạo Nga là “người bạn thân thiết nhất” cách đây chỉ 1 tháng.

Quan hệ tay ba

Các nhà phân tích chính trị trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 19/7 cho rằng, trong cuộc đua tranh “giành Vladimir Putin”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đánh bại Tổng thống Mỹ Donald Trump khi “giành được trái tim của nhà lãnh đạo Nga. Còn sự quyến rũ của nhà lãnh đạo Mỹ đối với ông Putin lại gây ra sự phẫn nộ trên chính trường Mỹ.

Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng, trong “tam giác quan hệ” giữa ba nhà lãnh đạo của các siêu cường kinh tế, quân sự hàng đầu thế giới này, ông Putin và Tập Cận Bình liên kết với nhau những lợi ích chiến lược, cộng với tình cảm cá nhân đích thực. Còn ông Trump lại sử dụng “lá bài cảm xúc” trong mối quan hệ ngoại giao “lộn xộn” giữa mình và ông chủ Điện Kremlin.

“Ông Trump đã cho thấy mình là fan hâm mộ lớn của Tổng thống Putin. Nhưng mọi người đều biết ông Trump thường xuyên thay đổi quan điểm”, SCMP dẫn lời ông Li Xin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc nói.

“Những nỗ lực kết thân của ông Trump không thể sánh với lịch sử và mối quan hệ quen biết lâu nay giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc”, chuyên gia từ Thượng Hải nhận xét và cho rằng, Moscow và Bắc Kinh được liên kết bởi nhu cầu thiết thực và tinh thần chính trị chiến lược dâng cao.

Cụ thể, Trung Quốc muốn có nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi, Moscow đang cấp thiết cần thương mại và đầu tư của Bắc Kinh để chống chọi trước sự bủa vây của các lệnh trừng phạt được phương Tây đưa ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

“Cả hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình đều muốn xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời làm suy yếu các mối quan hệ đồng minh của Washington để từ đó làm thay đổi trật tự thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để Nga - Trung phát triển”, ông Bonnie Glaser từ Washington nhận định.

Từ lâu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã công khai tán dương sự hòa hợp hiếm có giữa họ trong đường lối lãnh đạo. Hai ông đã dành nhiều thời gian để nhóm họp, trao đổi hơn bất cứ với một nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới. Thậm chí, hồi tháng 6, ông Tập đã trao cho ông Putin huân chương Hữu nghị cao quý cấp Nhà nước đầu tiên và gọi nhà lãnh đạo Nga là “người bạn tốt nhất và thân thiết nhất”.

Trump đổi giọng ngay khi gặp Putin

Giáo sư danh dự Stephen Cohen tại Đại học New York cho rằng, trong cuộc gặp tại Helsinki, Tổng thống đương nhiệm Mỹ đã và đang làm tốt những gì mà những người tiền nhiệm từng làm từ năm 1943, đó là “tránh chiến tranh giữa 2 cường quốc hạt nhân”.

Tuy nhiên, điều làm cho mọi người khó hiểu ở cuộc chạy đua lấy lòng lãnh đạo Nga nêu trên là, ngay sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh Helsinki, Tổng thống Trump nhanh chóng sửa lại phát ngôn của mình và quy trách nhiệm cho ông Putin can thiệp bầu cử Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất trên kênh truyền hình CBS, Tổng thống Trump cho rằng, ông Putin phải chịu trách nhiệm vì là lãnh đạo nước Nga. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết thông điệp của ông đối với ông Putin, cảnh báo Nga không được can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ trong tương lai là rất mạnh mẽ.

Tuyên bố mới trái ngược với những gì ông Trump nói tại Helsinki được tờ Guardian (Anh) trích dẫn cho rằng, đây là cách để xoa dịu cơn bão chỉ trích việc Tổng thống Mỹ từ chối công khai buộc tội ông Putin về cáo buộc bầu cử trong Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ. Nhưng điều này cũng đồng thời hạ uy tín trong các phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng.

Các nhà lập pháp Mỹ phản đối ông Trump có vẻ như chưa chịu dừng bước khi viết thư kêu gọi Ủy ban Giám sát Hạ viện triệu tập phiên dịch viên có mặt trong phòng thảo luận kín giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ tại Phần Lan.

“Là một phiên dịch viên, bà Marina Gross là người Mỹ duy nhất ngoài Tổng thống có mặt trong phòng họp kín. Do đó, bà là nhân chứng đáng tin cậy duy nhất tại cuộc thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ”, bức thư viết.

Viết trên Twitter cá nhân, Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen cho rằng, phiên dịch viên Marina Gross có thể giúp làm rõ những gì ông Trump đã nói và đã cam kết với ông Putin nhân danh nước Mỹ.

Điều này cho thấy, nữ phiên dịch Marina Gross đang phải “đứng mũi chịu sào” thay ông Trump trong một cuộc chiến chính trị, nhằm lật đổ vị trí hiện tại của ông chủ Nhà Trắng. Và đây chính là dịp các đảng viên Dân chủ “mượn đà” để tranh thủ sự ủng hộ khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang tới gần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.