Người tốt - Việc tốt

Đồng bào dân tộc phấn khởi hiến đất làm đường, kéo "cái giàu" về quê hương

28/11/2022, 06:30

Nhờ có những tuyến đường mới mở, cuộc sống của đồng bào các dân tộc xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã "thay da, đổi thịt" từng ngày.

Đồng bào dân tộc thiểu số hớn hở hiến đất làm đường mới

Những ngày trung tuần tháng 11, khi đến xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, sẽ thấy niềm háo hức của bà con các đồng bào dân tộc chờ đến ngày tuyến đường Khe Lục – Khe Nà từ trung tâm xã dài 7km vắt qua những dãy núi nối với trụ sở trung tâm xã Đại Thành cũ (xã Đại Thành, Đại Dực sáp nhập năm 2019) được khánh thành.

img

Tuyến đường Khe Lục - Khe Nà xã Đại Dực sắp hoàn thành

Đang cùng với nhóm bạn từ khu vực vùng núi cao xuống chợ trung tâm xã nghỉ bên vệ đường, chị Triệu Nhì Múi, hồ hởi cho biết: Nhà em cách đây gần chục cây số, nằm ở phía trung tâm xã Đại Thành cũ.

Trước kia, khi có việc xuống phải xuống trụ sở xã xin giấy tờ, bà con phải đi từ sáng sớm trên những tuyến đường nhỏ, hẹp, lầy lội. Vào ngày mưa, những suối lớn dân cao ngập hết đường đi, bà con phải đi xuống thị trấn rồi qua xã Đông Hải, Đông Ngũ vòng lên mất mấy chục cây số.

"Khi thấy chủ trương làm đường mới, nghe cán bộ phân tích cái lợi, thế là nhà em hiến luôn gần 2.000m2 đấtcho xã làm đường", chị Múi khoe.

img

Bà con thôn Khe Lục, xã Đại Dực tụ tập ngắm con đường mới đang sắp khánh thành

Hộ bà Lò Thị Chiu, 70 tuổi, ở thôn Khe Lục cũng hiến trên 2.000m2 đất, anh Sằn A Cặm cũng ở bản Khe Khe Lục hiến gần 200m2 đất ở, đất vườn… để làm đường.

Đứng bên vệ đường chỉ vào những xe lu, máy xúc của đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục còn lại chờ đến ngày khánh thành, bà Lò Thị Chiu phấn khởi: "Trước đây, tuyến đường này xấu lắm, nhiều người đi lại bị ngã gãy chân tay, sứt đầu, mẻ trán. Tôi cũng bị ngã phải bó bột chân cách đây vài năm trong một lần đi thăm người ốm ở bên kia núi. Nay đường mới sắp xong, mừng lắm".

img

Tuyến đường Khe Lục - Khe Nà trước đây bằng đất đi lại khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực cho biết, chuyện hiến đất làm đường ở Đại Dực đã có từ lâu. Bởi lẽ, là xã nghèo, nếu phải đền bù, giải phóng mặt bằng thì sẽ khó đủ ngân sách để đầu tư.

Vì thế, mỗi khi chuẩn bị làm tuyến đường mới, xã đã chủ trương tranh thủ đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động.

"Nghe cán bộ nói đúng, nhận ra cái lợi dài lâu, đồng bào ưng cái bụng và cứ thế hiến đất ở, đất nông lâm nghiệp để làm đường, có gia đình còn đóng góp hàng chục ngày công tham gia làm đường", ông Thế Anh cho biết.

img

Lãnh đạo xã Đại Dực vận động bà con ở đầu tuyến dự án Khe Lục - Khe Nà hiến đất làm đường

Tiêu biểu là dự án làm tuyến đường Khe Lục - Khe Nà, toàn xã có tới 85 hộ với diện tích lên tới hàng chục ha đất các loại nằm trong diện cần giải phóng mặt bằng để mở rộng đường. Cùng với việc thực hiện cơ chế đền bù, hỗ trợ, xã đã vận động được người dân hiến hàng vạn mét vuông đất, bàn giao mặt bằng sớm, tạo điều kiện cho công tác thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty TNHH Thành Dương, đơn vị thi công tuyến đường kể: "Chúng tôi đã làm nhiều tuyến đường trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhưng chưa ở nơi nào lại thấy thuận lợi về mặt bằng như khi làm tuyến đường này. Mọi vướng mắc về mặt bằng quá trình thi công, bà con đều chia sẻ, trao đổi chân tình…"

"Thậm chí, có thời điểm khi thi công qua cánh đồng của người dân đúng vào mùa mưa khiến một số đất đá trôi xuống làm ảnh hưởng đến canh tác. Thế mà, người dân vẫn vui vẻ động viên nhau huy động nhân công để nạo, vét kênh mương, xúc dọn đất, đá ảnh hưởng và không hề có khiếu nại, bắt đền đơn vị thi công gì cả", ông Thu cho hay.

Tuyến đường mở hướng làm giàu

Hiện những mái nhà tranh, vách đất không còn thấy xuất hiện ở Đại Dực. Thay vào đó là nhiều căn nhà khang trang, cùng nhiều công trình văn hóa, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng to đẹp không kém gì ở phố.

Ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ: Đại Dực là xã nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Tiên Yên có tổng diện tích tự nhiên là 4.631,63 ha; trên địa bàn có 634 hộ/2824 nhân khẩu, trong đó 99,8% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Dao, Kinh, Tày, Thái sinh sống tại 10 thôn khá cheo leo trên sườn đồi hay những thung lũng nhỏ theo kiểu tự cung, tự cấp là chủ yếu…

img

Đại Dực nằm trong thung lũng với cảnh tự nhiên tuyệt đẹp

Thế rồi, thời gian gần đây, cuộc sống của đồng bào đã có sự thay đổi rõ rệt. Tất cả sự phát triển ấy là nhờ vào chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn kết nối giữa trung tâm với các thôn.

"Sở dĩ, một thời kỳ Đại Dực khó khăn, lạc hậu là vì hệ thống giao thông nơi đây rất khó khăn. Địa bàn xã rất rộng lại bị chia cắt bởi hệ thống núi cao, vực sâu, lắm suối lớn. Do đó, dù điều kiện đất đai, khí hậu có thuận lợi, nhưng mọi canh tác của bà con một thời gian dài chủ là tự cung, tự cấp; sản phẩm nông - lâm nghiệp làm ra thì giá cũng rất thấp so với các xã vùng xuôi", ông Thế Anh nhớ lại.

img

Tuyến đường được khởi công từ đầu tháng 10/2022

Giao thông gian nan, cách trở như vậy, nên mong ước về con đường rộng rãi, tạo động lực cho thoát nghèo vươn lên làm giàu luôn thường trực trong suy nghĩ của cán bộ, nhân dân các dân tộc xã Đại Dực.

Và rồi, mong ước ấy đã trở thành hiện thực từ tháng 10/2021, khi chính quyền cho khởi công tuyến đường Khe Lục -Khe Nà. Đây là tuyến đường cấp V miền núi, dài 7,9km, rộng 5,5m với tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng.

img

Các hạng mục cuối trên tuyến đường đang được hoàn thiện.

"Nhờ mặt bằng thuận tiện, tuyến đường Khe Lục - Khe Lặc đã gần cán đích. Hiện nay, các đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng về đảm bảo ATGT. Dự kiến trong tháng 12 tới, tuyến đường sẽ chính thức khánh thành", ông Thu cho biết.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Nguyễn Thế Anh cho biết: Đón đầu tuyến đường mới mở ra sẽ tạo thuận lợi để lưu thông hàng hóa, thời gian gần đây, xã đã chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, và nhân dân rất đồng thuận.

img

Xã đã đầu tư để phát triển du lịch trải nghiệm

Đặc biệt, là địa phương có nhiều lợi thế về du lịch trải nghiệm, xã đã và đang hình thành lên các mô hình dịch vụ ăn, uống, nghĩ dưỡng.

"Chắc chắn, trong thời gian tới, khi tuyến đường chính thức đi vào hoạt động, kinh tế của đồng bào sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ", ông Thế Anh tin tưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.