Thời sự

Đồng hành chủ tàu thực hiện Công ước Lao động hàng hải

22/06/2015, 13:28

Đội tàu biển VN có 432 chiếc chạy tuyến quốc tế đã được cấp Chứng nhận đáp ứng điều kiện của Công ước.

MLC Audit_MOON BRIGHT_25-12-2014 (6)1
Cán bộ Cục Đăng kiểm VN làm việc với thuyền viên để thẩm định cấp chứng nhận MLC.

Sau hơn 1 năm gia nhập Công ước Lao động Hàng hải MLC 2006, đội tàu biển VN có 432 chiếc chạy tuyến quốc tế đã được cấp Chứng nhận đáp ứng điều kiện của Công ước, góp phần đảm bảo quyền lợi của thuyền viên và nâng uy tín của nước ta trong lĩnh vực vận tải biển.

Công ước bảo vệ quyền lợi thuyền viên

Đi biển là nghề nặng nhọc, nguy hiểm, thế nhưng trước đây các quy định về an toàn và an ninh hàng hải chưa có sự quan tâm tương xứng quyền và lợi ích chính đáng của những người đi biển. Ngày 23/2/2006, Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC 2006) được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua tại Geneva, Thụy Sỹ, đánh dấu một bước tiến dài của cộng đồng hàng hải quốc tế trong việc xây dựng một chuẩn mực toàn cầu cho yếu tố cốt lõi của thể chế an toàn và an ninh hàng hải quốc tế: yếu tố con người - yếu tố được coi là chiếm từ 80-90% nguyên nhân của các sự cố, tai nạn hàng hải trên thế giới. Nội dung chính của công ước là quy định điều kiện tiêu chuẩn về sinh hoạt và quyền lợi đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển.

Hiện đã có 65 quốc gia, chiếm hơn 80% tổng dung tích đội tàu thế giới phê chuẩn công ước này. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ước MLC đã có hiệu lực đối với: Australia, Singapore, Philippines, Nga, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc. Việt Nam gia nhập công ước này từ năm 2013 và đã có hiệu lực với Việt Nam từ 8/5/2014. Sau thời điểm trên, tàu biển nào cập cảng các quốc gia thành viên công ước mà không đảm bảo tiêu chí MLC 2006 sẽ bị lưu giữ. 

Cục Đăng kiểm VN đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện MLC 2006

Việt Nam gia nhập Công ước MLC 2006 là phù hợp với xu thế chung của ngành Hàng hải thế giới, giúp nâng uy tín của nước ta trong lĩnh vực vận tải biển, thể hiện cam kết rõ ràng về đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tàu biển và lao động hàng hải. Tuy nhiên, do Công ước MLC 2006 có hiệu lực đúng vào lúc rất khó khăn của nền kinh tế nói chung và của ngành Vận tải biển nói riêng, nên việc triển khai khá khó khăn. Vì thế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN vận tải biển quốc tế, Bộ GTVT đã có Văn bản số 5047/BGTVT-HTQT ngày 7/5/2014 cho phép lùi thời hạn bắt buộc phải có Giấy chứng nhận lao động hàng hải và Bản công bố phù hợp lao động hàng hải phần 2 được duyệt trên tàu đến trước ngày 20/8/2014.

Dù vậy nhiều chủ tàu vẫn chưa lưu tâm thỏa đáng hoặc không nhận thức được những khó khăn khi áp dụng, có tâm lý chờ đến hạn chót mới thực hiện. Trước tình hình trên, Cục Đăng kiểm VN đã chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp vừa hỗ trợ, tháo gỡ tối đa đối khó khăn cho DN, vừa đảm bảo chứng nhận cho các tàu đúng quy định, đúng tiến độ.

Trong 6 tháng trước và sau thời điểm công ước có hiệu lực, Cục Đăng kiểm VN tập trung lực lượng, làm việc trong cả thời gian ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm để tổ chức thẩm định, đánh giá và chứng nhận cho các tàu theo đề nghị của chủ tàu. Một số biện pháp ưu tiên chủ tàu cũng được đưa ra như: tàu hoàn thành 80% khắc phục khiếm khuyết thẩm định thì cho bố trí đánh giá, chủ tàu hoàn thiện nốt trong thời gian đánh giá; khi có kết quả đánh giá đạt yêu cầu, chỉ cần gửi bản fax hoặc scan về Cục Đăng kiểm VN là tiến hành cấp Giấy chứng nhận trong thời gian ngắn nhất, hồ sơ hoàn thiện gửi sau; ủy quyền Tổ chức đăng kiểm quốc tế uy tín đánh giá tàu VN đang hoạt động ở vùng biển xa.

Nhờ đó, công tác chứng nhận cho đội tàu biển Việt Nam có tổng dung tích từ 500 trở lên hoạt động tuyến quốc tế đã hoàn thành đáp ứng yêu cầu. Hiện tại, đội tàu biển VN chạy tuyến quốc tế có 432 chiếc đã được chứng nhận theo Công ước MLC 2006. Sau một năm được chứng nhận, đội tàu này đang hoạt động tại các cảng nước ngoài đều thuận lợi, không có trường hợp nào bị chính quyền cảng nước ngoài phát hiện có khiếm khuyết liên quan đến Công ước MLC 2006. Các quyền lợi của thuyền viên được đảm bảo, góp phần tạo thêm sức hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Vận tải biển nói riêng, cho sự phát triển của kinh tế biển nước ta nói chung trong hiện tại và tương lai.

Phạm Thanh Trường- Giám đốc Trung tâm VRQC, Cục Đăng kiểm VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.