Hạ tầng

Đồng loạt làm nhiều dự án giao thông lớn ở ĐBSCL

01/04/2019, 14:00

Bộ GTVT đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông lớn tại ĐBSCL nhằm gỡ điểm nghẽn lưu thông và tạo cú hích lớn cho khu vực.

img
Hướng tuyến các dự án giao thông lớn về Đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: Nguyễn Tường


Cao tốc, cầu lớn nối thẳng TP Hồ Chí Minh về miền Tây

img
Công trường thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Nằm trên tuyến đường cao tốc nối TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng mức đầu tư 9.600 tỷ đồng, dài 51,1km) đã trải qua gần 4 năm triển khai xây dựng. Đến ngày 22/3 vừa qua, Bộ GTVT chính thức bàn giao dự án BOT này về UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cấp quyết định đầu tư. Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Tiếp nối dự án này, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án dài 23,6km thực hiện đầu tư bằng hình thức đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng BOT, giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tổng mức đầu tư khoảng 5.408 tỷ đồng.

“Đến nay, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã hoàn thành bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Bộ GTVT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 932 tỷ đồng vốn Nhà nước cho dự án”, ông Roãn nói và cho biết, mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo rất quyết liệt Ban QLDA Thăng Long đẩy nhanh tiến độ dự án. Sau thời gian 2 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bố trí vốn ngân sách hỗ trợ dự án, công tác GPMB dự án phải có chuyển động, đồng thời, phấn đấu đến cuối năm 2019, Ban QLDA Thăng Long công bố nhà đầu tư dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA Thăng Long nói: “Dự kiến cuối năm 2019, dự án sẽ thực hiện xong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự án sẽ khởi công xây dựng dự kiến đầu năm 2020 và hoàn thành trong 36 tháng thi công, cuối năm 2022”.

Tuyến cao tốc trọng điểm TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ khớp nối với một công trình cầu có quy mô rất lớn nằm trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu. Ông Đinh Công Minh, Phó giám đốc Ban QLDA7 cho biết, công trình có tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng. Hiện dự án đã lựa chọn xong tư vấn thiết kế kỹ thuật và đang tiến hành cắm mốc GPMB.

“Dự kiến, cuối năm 2019, một số gói thầu của dự án sẽ khởi công xây dựng. Riêng phần cầu chính dây văng do yếu tố kỹ thuật phức tạp sẽ khởi công vào năm 2020 và sẽ hoàn thành trong 43 tháng thi công, kết thúc vào năm 2023”, ông Minh nói.

Sau khi các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ so với tuyến QL1. Đồng thời, tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích lớn để các tỉnh khu vực Tây Nam bộ thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Nâng cấp, cải tạo ngay các tuyến quốc lộ xuống cấp

img
Là tuyến đường rất quan trọng ở ĐBSCL, nhưng Quản Lộ - Phụng Hiệp đang xuống cấp nghiêm trọng cần phải nâng cấp

Trong thời gian các dự án cao tốc, cầu lớn đang triển khai đầu tư, Bộ GTVT cũng tiến hành nâng cấp, cải tạo ngay các tuyến quốc lộ đang xuống cấp tại khu vực miền Tây để đáp ứng nhu cầu đi lại và đảm bảo ATGT cho người dân.

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), trong số 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, có tới 4 dự án thuộc khu vực Tây Nam bộ gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn (TMĐT 1200 tỷ đồng); dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (TMĐT 800 tỷ đồng); dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (TMĐT 900 tỷ đồng) và dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long (TMĐT 875 tỷ đồng). Cả 4 dự án này sẽ được khởi công trong năm 2019 và hoàn thành năm 2020.

Đáng kể nhất là tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua 4 tỉnh miền Tây gồm: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, chạy song song với kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp được xây dựng từ năm 2005 và hoàn chỉnh đưa vào khai thác từ năm 2009 giúp phá thế độc đạo của QL1, đồng thời rút ngắn được 50km từ Cần Thơ đi Cà Mau so với QL1. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm khai thác, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp chưa một lần được đại tu nâng cấp nên chất lượng khai thác của tuyến, nhất là mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa hiện không đáp ứng yêu cầu vận tải do lưu lượng phương tiện lưu thông tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) cho biết, ngày 11/3/2019, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng. “Hiện Ban QLDA7 đang triển khai các thủ tục lựa chọn tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến khởi công xây dựng cuối tháng 9/2019, hoàn thành toàn bộ dự án trong quý 4/2020”, ông Lâm thông tin.

Theo ông Lê Thanh Việt, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp từ khi được xây dựng và đưa vào khai thác tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển KT-XH cho các tỉnh khu vực phía Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. “Riêng đối với Hậu Giang, tuyến đường này không chỉ rút ngắn khoảng cách từ thị xã Ngã Bảy với TP Cà Mau hơn 50km, mà còn kết nối TP Vị Thanh, TX Long Mỹ, huyện Long Mỹ đi Cà Mau thông qua QL61B và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp với lộ trình giảm hơn hơn nửa, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển KT-XH của địa phương”, ông Việt nói.

Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp tạo sự kết nối, giảm tải cho tuyến QL1. Tuy nhiên, hiện nay, các phương tiện lưu thông rất khó khăn do mặt đường chật hẹp. “Khi tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được đầu tư nâng cấp, sẽ tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Đồng thời, tạo tính kết nối giữa Cà Mau với các tỉnh khu vực lân cận”, ông Bi nói.

Chuẩn bị đầu tư hai cầu lớn hơn 13.000 tỷ đồng

Bên cạnh các dự án đang triển khai, hiện Bộ GTVT cũng chuẩn bị đầu tư 2 công trình cầu có quy mô rất lớn tại khu vực Tây Nam bộ là cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2. Cả 2 công trình này đều do Ban QLDA7 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

Ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA7 cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có tổng chiều dài 15,2km, điểm đầu giao với QL54 thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Công trình gồm phần cầu dài 3,42km (cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56km, cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86km) và phần đường dài 11,78km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.040 tỷ đồng, gồm hơn 7.054 tỷ đồng vốn ODA và 986 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước.

“Hiện nay, dự án đang được Bộ KH&ĐT thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết thêm, cầu Đại Ngãi được đầu tư xây dựng sẽ nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP HCM, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa mở rộng giao thương và phá bỏ thế độc đạo của tuyến QL1.

“Cầu Đại Ngãi được đầu tư sẽ rút ngắn khoảng cách 80km so với tuyến QL1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP HCM”, ông Khánh nói và cho biết, dự kiến dự án cầu Đại Ngãi được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

Liên quan đến dự án này, ông Lê Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đây là dự án mang tính lan tỏa rất lớn. Trước tiên là rút ngắn được quãng đường từ Sóc Trăng đi TP HCM khoảng 70km. Khi dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ nối liền QL60 với QL1 và kết nối với tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, thúc đẩy phát triển KT-XH không chỉ của tỉnh Sóc Trăng mà còn các tỉnh lân cận trong khu vực ĐBSCL như: Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang,…

“Hiện trục Nam Sông Hậu kết nối các tỉnh ven biển, tạo lợi thế, tiềm năng về điện gió rất lớn. Điển hình, Sóc Trăng và Bạc Liêu đã triển khai nhiều dự án điện gió. Tỉnh cũng đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm một cảng nước sâu tại Trần Đề”, ông Trí nói và cho biết, khi dự án được triển khai, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là công tác GPMB để chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án.

Còn đối với cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, theo ông Đinh Công Minh, Phó giám đốc Ban QLDA7 cho biết, năm 2009, cầu Rạch Miễu trên QL60 vượt sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre được đưa vào khai thác. “Nhưng từ năm 2015, trở lại đây khi cầu Cổ Chiên thông xe, lượng lưu thông lớn nên cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là đợt nghỉ lễ, Tết do cầu dài và bề rộng hẹp. Trong khi đó, việc mở rộng mặt cầu Rạch Miễu với kết cấu dây văng hiện hữu là không khả thi”, nên việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 đang được đơn vị cấp bách triển khai.

Cũng theo ông Minh, cầu Rạch Miễu 2 được nghiên cứu xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8km về phía thượng lưu. Tổng chiều dài dự án khoảng 17,59km. Trong đó: Cầu chính vượt nhánh chính sông Tiền (từ bờ Tiền Giang đến cồn Thới Sơn) dài khoảng 1,91km, rộng 17,5m với 4 làn xe, kết cấu nhịp chính là dây văng; Cầu vượt nhánh phụ sông Tiền (từ cồn Thới Sơn vào bờ Bến Tre) dài 520m bằng bê tông cốt thép có kết cấu nhịp đúc hẫng cân bằng, rộng 17,5m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.140 tỷ đồng.

“Dự kiến dự án cầu Rạch Miễu 2 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2022. Đây là cầu dây văng nên để hoàn thành sẽ mất khoảng 40 - 45 tháng thi công”, ông Minh nói.

Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:
Giải tỏa điểm nghẽn giao thông cho người dân 4 tỉnh

img

Sóc Trăng là một trong 4 địa phương có tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua. Việc nâng cấp tuyến đường này trong thời gian tới là một tín hiệu rất đáng mừng, sẽ tạo điều kiện rất tốt cho việc phát triển KT-XH của các tỉnh trong vùng ĐBSCL, đặc biệt là Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Riêng đối với tỉnh Sóc Trăng, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, đoạn từ giáp ranh tỉnh Hậu Giang qua địa bàn đến giáp ranh tỉnh Bạc Liêu được xem là một điểm nghẽn giao thông. Bà con nhân dân rất mong đoạn đường sớm được nâng cấp, mở rộng để bà con đi lại được thuận tiện và dễ dàng hơn.

Lê Lối (Ghi)

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:
Cấp bách xây dựng thêm cầu Rạch Miễu 2

img

Từ khi cầu Rạch Miễu được xây dựng, bộ mặt kinh tế, xã hội của tỉnh Bến Tre đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Cùng với sự phát triển kinh tế, hệ thống giao thông được đầu tư như: Cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên… tạo động lực kết nối các tỉnh vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe liên tiếp xảy ra trên cầu Rạch Miễu là minh chứng cho sự phát triển đó. Cầu Đại Ngãi đang được lên kế hoạch xây dựng, khi đưa vào khai thác chắc chắn cầu Rạch Miễu sẽ ùn tắc hơn. Vì vậy, cần cấp bách xây thêm cầu Rạch Miễu 2 để tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng... giảm áp lực cho QL1.

Tốc độ phát triển lưu lượng phương tiện trên tuyến QL60 rất lớn, khoảng 3 năm sau cầu Rạch Miễu hiện hữu ngày nào cũng đông như ngày Tết. Việc kẹt xe không chỉ cản trở phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an toàn cầu. Địa phương sẵn sàng phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện tốt công tác GPMB. Những năm qua tỉnh Bến Tre là địa phương thực hiện rất tốt công tác GPMB tại các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. Điển hình như dự án cầu Hàm Luông, mặt bằng đã được giải phóng sạch hoàn toàn trước khi xây dựng, tạo thuận lợi cho nhà thầu hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:
Địa phương sẵn sàng ứng vốn GPMB cho dự án

img

Hiện tuyến QL30 đang quá tải, sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành đưa vào khai thác, rồi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng đưa vào khai thác trong năm 2020, lượng phương tiện sẽ tăng cao trên tuyến QL30. Vì vậy, việc sớm đầu tư xây dựng tuyến An Hữu - Cao Lãnh là hết sức cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của Đồng Tháp và các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên

Chúng tôi thống nhất về quy mô, hướng tuyến mà tư vấn đề xuất xây dựng tuyến An Hữu - Cao Lãnh, và phương án đền bù GPMB cả cho giai đoạn hoàn chỉnh là 23m. Cần lưu ý đây là tuyến mới, đi qua đồng ruộng là chủ yếu, nên việc vẽ hướng tuyến sao cho hạn chế qua nhà dân để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tỉnh Đồng Tháp sẽ ứng trước 500 tỷ đồng để chi trả cho công tác GPMB dự án được thực hiện sớm.

Phan Tư (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.