Tài chính

Đồng loạt ngân hàng hạ lãi suất cho vay

12/05/2016, 07:01

Từ 29/4 đến nay có gần chục NH hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn về dưới 10%/năm để hỗ trợ DN...

11

Ngoài giảm mặt bằng lãi suất, nhiều NH tung ra những gói tín dụng ưu đãi dành cho các DN đáp ứng tiêu chí riêng - Ảnh: Tạ Tôn

Lãi suất giảm thêm 0,5-1%/năm

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho hay, lãi suất cho vay ngắn hạn được NH hạ thêm 0,5%/năm và lãi suất trung, dài hạn tối đa không quá 10%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này được áp dụng với các khoản vay mới từ ngày 29/4 trở đi.

Tương tự, NH TMCP Công thương (VietinBank) cũng sẽ áp dụng lãi suất trung và dài hạn giảm xuống dưới 10%/năm kể từ ngày có quyết định. Tuy là vậy nhưng ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, thực tế tín dụng trung và dài hạn cho các DN tốt của VietinBank đã duy trì ở mức 8-9%/năm rồi. Nên lần này, những dự án tốt và những DN có khả năng kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh, NH sẽ tiếp tục xem xét để giảm mặt bằng lãi thêm khoảng 1% nữa.

TP.HCM sẽ bơm thêm 250.000 tỷ đồng vốn rẻ

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho biết, năm 2016 sẽ bơm thêm 250.000 tỷ đồng vốn giá rẻ cho người kinh doanh nhờ chương trình kết nối DN – NH với lãi suất ưu đãi ngắn hạn là dưới 7%, trung và dài hạn từ 8-10%. Trong 4 năm triển khai chương trình kết nối này, số vốn được bơm ra hơn 212.000 tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho 21.000 DN. Tính đến nay, đã có 18 đơn vị của 17 NH thương mại đăng ký gói hỗ trợ vốn cho DN với tổng số tiền hơn 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 7%/năm và trung - dài hạn 8%-10%/năm.

Bên cạnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay, nhiều NH còn dành các gói tín dụng ưu đãi riêng cho vay trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Duy Thành, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu lâm sản Sinh Thành, cho biết, được vay gói tín dụng ưu đãi dành cho DN ngành Thủy hải sản với lãi suất dưới 10% của NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN (Agribank) từ lâu. Lãnh đạo Agribank cho biết, tới đây, NH sẽ cho vay lãi suất chỉ 8%/năm với khách hàng bị ảnh hưởng do cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Tổng dư nợ cho vay của Agribank tại 4 tỉnh này mà khách hàng chủ yếu là DN ngành thủy sản trên 27.666 tỷ đồng; trong đó 6.850 khách hàng với dư nợ gần 850 tỷ đồng bị thiệt hại và bị ảnh hưởng trực tiếp.

Ngân hàng Tiên phong (TPBank) cũng vừa công bố dành 5.000 tỷ đồng cho vay các DN xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NH này và các DN công nghiệp phụ trợ với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm.

Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê cũng cho hay, ngoài áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm với tín dụng trung và dài hạn, giảm thêm 0,5%/năm với ngắn hạn, NH còn có các chương trình riêng như mua tạm trữ thóc gạo với tổng hạn mức 6.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bình quân 7%/năm với kỳ hạn ngắn hạn và 9,5%/năm với trung dài hạn; Chương trình kết nối NH - DN dự kiến dành 8.000 tỷ đồng, lãi suất 7-9%/năm…

Một công ty chuyên sản xuất đèn chiếu sáng thông minh tại TP.HCM cũng cho hay, đã vay 100 tỷ đồng từ Vietcombank Chi nhánh TP.HCM với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm nhờ chương trình kết nối DN-HN trong suốt 4 năm qua tại TP.HCM.

Cả NH và DN cùng phải nỗ lực

Theo ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính NH, hiện nay lãi suất huy động dài hạn ở nhiều NH đang ở mức 7-8%/năm, nếu cho vay trung và dài hạn chỉ trên dưới 9%/năm, tỉ suất sinh lợi của NH quá thấp. Bởi thế NH sẽ lựa chọn DN tốt để cho vay chứ không phải bất cứ DN nào cũng được hưởng mức lãi suất này.

Tổng giám đốc VietinBank cũng khẳng định, để có dòng vốn rẻ, NH phải quản lý chặt chẽ để đảm bảo dòng vốn tín dụng đi vào những lĩnh vực mà Chính phủ đang khuyến khích. Bên cạnh đó, các NH phải tích cực xử lý các khoản nợ xấu, kể cả các khoản nợ ngoại bảng cũng như các khoản nợ đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) để tái tạo nguồn vốn giúp NH có thêm chi phí vốn hợp lý hơn. “Chúng tôi phải kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, tiết giảm tối ưu. Từ đó phát triển các dịch vụ NH, trong đó có dịch vụ thanh toán để làm sao các nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế được tập trung vào hệ thống NH”, ông Thọ nói.

Phía NH sẽ không phân biệt DN lớn và DN nhỏ, càng không phân biệt giữa DN nội và DN ngoại. Theo ông Thọ, việc xem xét để cấp hạn mức tín dụng, thẩm định một dự án với mức lãi suất này được căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, mức độ xếp hạng tín nhiệm của DN. “Thế nên, DN cũng minh bạch, nâng cao khả năng quản trị, điều hành. Trên cơ sở đó, NH mới có thể thẩm định và quyết định cho vay. Ngoài ra, lưu ý rằng, NH cũng sẵn sàng có thể cho vay trên dựa trên tín nhiệm của DN”, ông Thọ nói.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, hạ lãi suất là để chia sẻ với DN. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là NH sẽ bị giảm lợi nhuận đâu đó khoảng 450 tỷ đồng. Bản thân NH cũng phải cải tiến quy trình nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính... và tính từ nay đến cuối năm 2016, BIDV sẽ nỗ lực tiết giảm 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.