Chuyện dọc đường

Động lực mới phát triển kinh tế - xã hội

30/10/2017, 06:21

Đầu những năm 2000, thời điểm Hà Nội manh nha đầu tư xây dựng tuyến đường Láng-Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long)...

2

 Kẹt xe trên QL1 đoạn qua Tiền Giang (Ảnh chụp tháng 2/2017)

Trong đó, nhiều người không ngần ngại nói thẳng là: “Xây đường cho trâu bò đi”, vì họ cho rằng với lượng phương tiện hiện tại, một tuyến đường 6 làn xe rộng rãi sẽ là rất lãng phí. Tương tự là đường vành đai 3, tuyến đường trên cao đầu tiên của Thủ đô. Ngày đó, không ít ý kiến bày tỏ là lãng phí nguồn lực vì khu vực phía Tây Hà Nội vẫn khá hoang vắng, giao thông thưa thớt. Việc bỏ hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào các tuyến đường hiện đại đó là chưa thật cần thiết.

Nhưng giờ, chỉ sau hơn chục năm, thực tế lại minh chứng điều ngược lại so với những nhận định đó. Phía Tây Hà Nội trở thành khu vực năng động và phát triển vô cùng mạnh mẽ. Cùng với đó, lưu lượng giao thông gia tăng nhanh chóng, khiến hai tuyến giao thông huyết mạch vành đai 3 và đường Láng - Hòa Lạc mà nhiều người nói “cho trâu bò đi” ngày nào lại thường xuyên đối mặt với quá tải và ùn tắc.

Thực tế này có thể sẽ tái diễn trên tuyến huyết mạch quốc gia QL1. Khoảng những năm từ 2010-2013 khi bàn chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng QL Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối gay gắt. Một trong những lý do được đưa ra là nguồn lực hạn chế, nhiều đoạn QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thưa vắng phương tiện nên để dành tiền làm việc khác.

Nhưng đến nay, chỉ sau hơn 2 năm hoàn thành, đưa vào khai thác, QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã tạo động lực to lớn giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông Bắc - Nam và kéo giảm ùn tắc, TNGT. Cùng đó, lưu lượng phương tiện trên tuyến tăng rất cao, nhiều đoạn tuyến đang và sắp phải đối mặt với nguy cơ quá tải và ùn tắc như trước đây. Đây là điều không ai trong số chúng ta mong muốn, bởi khi đó, lưu thông Bắc - Nam sẽ lại trắc trở, TNGT đối mặt nguy cơ tăng nóng như trước đây.

Tất cả những điều đó càng thêm minh chứng “Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế” và “chính những con đường làm nên sự giàu có”, như nhiều người vẫn nói. Đáng buồn, do nguồn lực đất nước còn hạn hẹp nên giao thông vẫn đang là điểm nghẽn của nền kinh tế. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, Đảng, Nhà nước vẫn phải dành dụm nguồn lực, lựa chọn những tuyến đường thực sự cấp bách để đầu tư. Trong số này, trục huyết mạch Bắc - Nam với tầm quan trọng đặc biệt, lưu lượng phương tiện rất lớn chắc chắn cần được ưu tiên tối đa. Trong bối cảnh QL1 đang ngày càng đối mặt với áp lực quá tải và ùn tắc lớn hơn, việc sớm đầu tư các đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam phía Đông để san sẻ gánh nặng càng cấp bách hơn lúc nào hết. Đồng thời, việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.