Chuyển động Quốc lộ 1 - 14

Động lực phát triển kinh tế khu vực Nam Trung bộ

17/06/2015, 13:08

Hơn 73km của dự án mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 21/6.

61
Dự án hoàn thành góp phần tăng cường năng lực vận tải, đảm bảo ATGT cho tỉnh Bình Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung

Sau gần hai năm triển khai xây dựng, hơn 73 km của dự án mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận (sử dụng nguồn vốn TPCP) đã cơ bản hoàn thành, thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 21/6, vượt tiến độ gần 7 tháng với chất lượng công trình được đảm bảo. Việc đưa dự án vào khai thác là động lực để tỉnh Bình Thuận nói riêng, khu vực Nam Trung bộ nói riêng phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án trái phiếu về đích trước 7 tháng

Chiều 15/6, lưu thông trên toàn tuyến mở rộng QL1 từ huyện Tuy Phong đến huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), cảm nhận đầu tiên của PV Báo Giao thông là một con đường mới khang trang hơn, hiện đại hơn với bốn làn xe rộng mở. Hai bên đường người dân đang tất bật sửa sang nhà cửa. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp nơi dự án đi qua đang từng bước hình thành, tạo diện mạo mới cho vùng đất quanh năm đầy nắng gió.

Suốt hành trình hơn 70 km, theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ mặt đường của dự án đã được thảm đầy đủ hai lớp bê tông nhựa.Các phương tiện lưu thông trên tuyến rất êm thuận, tốc độ di chuyển nhanh hơn và không còn cảnh ùn ứ như trước đây. Trên toàn tuyến, máy móc, thiết bị khổ lớn của các đơn vị thi công đã không còn. Thay vào đó là hình ảnh công nhân các nhà thầu kéo trên tay những chiếc máy sơn kẻ vạch, lắp dải phân cách, đèn tín hiệu,… để hoàn thiện hệ thống đảm bảo ATGT trước khi đưa công trình vào khai thác.

Anh Nguyễn Huy Cường, một người dân sống tại TP Phan Thiết cho biết, trước đây, tuyến đường chỉ có hai làn xe, mặt đường nhỏ hẹp gây nhiều khó khăn cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến, đặc biệt là tình trạng các phương tiện ùn tắc thường xuyên xảy ra. “Mỗi lần, tôi đi từ nhà (Phan Thiết) sang Ninh Thuận phải mất hơn bốn giờ đồng hồ. Nay, đường mở rộng gấp hai lần, mặt đường phẳng phiu, việc đi lại của người dân đã thuận lợi hơn rất nhiều, thời gian đến Ninh Thuận đã giảm một nửa”, anh Cường tâm sự.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Đình Phúc, Tổng Giám đốc Ban QLDA1 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án mở rộng QL1 qua Bình Thuận có tổng chiều dài toàn tuyến 73,5 km sử dụng nguồn vốn TPCP được chia làm hai đoạn: đoạn 1 từ Km1589+300 - Km1642+000 và đoạn 2 từ Km1692+000 - Km1720+800, với tổng mức đầu tư 5.118 tỷ đồng.

Thời gian đầu, dự án triển khai còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về mặt bằng và nguồn vật liệu khan hiếm. Cùng với đó, một số đoạn trên tuyến phải rà soát lại thiết kế để hạ cao độ đường đỏ,... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT, ngay từ khi triển khai dự án, Ban QLDA1 đã khẩn trương vào cuộc phối hợp với chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

“Đến nay, sau gần hai năm thi công, toàn bộ dự án đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật để thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến từ ngày 21/6, vượt tiến độ gần 7 tháng”, ông Phúc nói và cho biết, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện điều kiện khai thác, giảm thiểu ùn tắc và TNGT trên QL1, phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực Nam Trung bộ nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Nhiều giải pháp thúc tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình

Theo ông Nguyễn Đình Vỹ, Tư vấn trưởng dự án (Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam), công trình mở rộng QL1 qua Bình Thuận sử dụng vốn TPCP được chia làm 9 gói thầu xây lắp, trải dài qua địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận.

Ông Vỹ cho biết, do các gói thầu đi qua khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, cùng với đó là nguồn vật liệu phục vụ thi công rất khan hiếm,... đã gây ra nhiều khó khăn, thử thách cho các đơn vị trong quá trình triển khai dự án. Để có nguồn vật liệu đắp mặt đường, các nhà thầu của dự án phải dùng xe vận chuyển đất, đá từ các mỏ ở Ninh Thuận, Núi Giăng, Núi Đất,…cách công trường 50-60 km. Khí hậu ở khu vực này rất khắc nghiệt, khô hạn kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến công tác thi công, đặc biệt là gói thầu số 1 qua địa phận huyện Tuy Phong, nơi được coi là khô hạn nhất cả nước.

Dự án mở rộng QL1 qua Bình Thuận sử dụng nguồn vốn TPCP bao gồm hai đoạn có tổng chiều dài 73,5 km, gồm 21 cầu trên tuyến, trong đó có hai cầu lớn, năm cầu trung và 14 cầu nhỏ. Về mặt kỹ thuật, những đoạn dự án đi qua nằm ngoài đô thị được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với vận tốc thiết kế 80 km/h; đoạn qua khu đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60 km/h. Mặt đường của dự án có bề rộng 20,5 m với thiết kế dành cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp lưu thông.

“Nhiều đơn vị thi công ở gói thầu này đã phải dùng xe téc đi hàng chục cây số để mua nước với giá từ 40.000-60.000 đồng/m3 phục vụ cho quá trình sản xuất cấp phối đá dăm”, ông Vỹ nói và dẫn chứng, trận mưa gần nhất ở khu vực này cách đây đã hơn bốn tháng.

Không chỉ đối mặt khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt, nguồn vật liệu khan hiếm, hai nhà thầu tại gói thầu số 1 là liên danh Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn - Công ty CP Thương mại và Tư vấn đầu tư XDCT số 9 phải thi công, mở rộng hơn 800m đường lấn biển.

Dẫn chúng tôi đến vị trí Km1591+470 thuộc địa phận huyện Tuy Phong, chỉ tay về đoạn đường mới đã hoàn thành nằm sát cạnh biển, ông Vỹ chia sẻ: “Đây là đoạn tuyến thi công khó khăn nhất của dự án. Mặt đường tuyến QL1 trước đây chỉ rộng 10 m, phía phải tuyến nằm sát cạnh với ta luy đường sắt nên bắt buộc đoạn tuyến này phải làm kè biển phía trái tuyến để mở rộng mặt đường lên thành 20,5 m. Để hoàn thành đoạn tuyến này, các nhà thầu phải trải qua một quá trình thi công hết sức gian nan. Các mũi thi công phải tính toán rất kỹ thủy triều của từng ngày trong tháng, từng giờ trong ngày để xem thời điểm nào nước biển rút thì mới triển khai thi công. Sau hơn một năm triển khai xây dựng, hơn 800 m đường lấn biển của dự án đã hoàn thành, bây giờ chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm”, ông Vỹ cho biết.

Để từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng cho dự án, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Ban QLDA 1 đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi dự án đi qua đẩy nhanh công tác GPMB, đồng thời chỉ đạo các nhà thầu phải huy động đầy đủ máy móc, thiết bị làm ba ca liên tục với tinh thần mặt bằng có đến đâu sẽ triển khai làm gọn đến đấy.

Là người trực tiếp phụ trách dự án, ông Nguyễn Doãn Tân, Giám đốc Điều hành dự án (Ban QLDA 1) cho biết, để đảm bảo tiến độ hoàn thành, Ban đã lập kế hoạch thi công tổng chể và chi tiết từng gói thầu, từng nhà thầu của dự án theo từng tháng, từng tuần. Hàng tuần, Ban đều tổ chức họp giao ban trên công trường để kiểm điểm, rút kinh nghiệm với từng gói thầu, từng đơn vị thi công.

“Thời gian đầu, một số nhà thầu thi công yếu kém làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT để tiến hành cắt giảm, điều chuyển khối lượng cho các nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu mới tinh nhuệ hơn, có năng lực hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu phải chủ động tìm kiếm, vận chuyển vật liệu từ các mỏ trong khu vực dự án hoặc các vùng lân cận với phương châm không để dự án phải dừng thi công do thiếu nguồn vật liệu... Đó là những yếu tố quyết định để dự án hoàn thành trước 7 tháng so với kế hoạch tiến độ của Bộ GTVT đề ra“, ông Tân nói.

Về mặt chất lượng công trình, trong quá trình triển khai, Ban QLDA và đơn vị TVGS thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tất cả các khâu trong quá trình thi công ở tất cả các khâu của dự án từ chất lượng nguồn vật liệu, biện pháp tổ chức thi công, công tác bảo đảm ATGT,...

Đặc biệt, đối với công tác sản xuất và thi công bê tông nhựa, do tính chất và nguồn gốc đá ở khu vực này có độ bám dính kém, chúng tôi đã đưa ra giải pháp dùng phụ gia ngay tại trạm trộn để đảm bảo chất lượng bê tông nhựa. Ngoài hiện trường, chúng tôi bố trí một lực lượng kỹ sư có năng lực và kinh nghiệm hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ các quy trình thi công của các nhà thầu. Đến nay, nhiều gói thầu của dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác gần một năm nay nhưng chưa có dấu hiện của tình trạng hằn lún vệt bánh xe“, ông Vỹ đánh giá và nhấn mạnh, chất lượng của dự án cơ bản được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến từ ngày 21/6/2015. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.