Quản lý

Đồng Nai: Bến xe mới thành nơi tập kết phế liệu

14/09/2016, 07:30

Mới đưa vào khai thác được vài năm, song Bến xe Dầu Giây (huyện Thống Nhất) rộng hàng nghìn m2 sớm bị "bỏ hoang".

9

Khuôn viên bên trong Bến xe Dầu Giây thành nơi tập kết phế liệu

Bến xe thành nơi tập kết phế liệu

Những ngày qua, ghi nhận của PV Báo Giao thông, Bến xe Dầu Giây tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) hoàn toàn vắng bóng xe khách. Ngay cổng vào bến là con đường xuống cấp, lầy lội. Khuôn viên bến xe rất rộng không hề có chiếc xe khách, xe buýt nào, thay vào đó là phế liệu, củi gỗ được tập kết vung vãi trong bến xe. Sâu phía trong mới thấy lác đác vài chiếc xe tải. Phương tiện hoạt động đã không có mà nhân viên bán vé, bảo vệ cũng hoàn toàn vắng bóng. Trong khu vực nhà điều hành, PV chỉ thấy vài thanh niên đang trải chiếu nằm nghỉ.

Theo người dân, bến xe đưa vào hoạt động được 3 năm nay. Ban đầu, cũng có khá nhiều xe ra vào bến đón trả khách. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao mà chỉ sau một thời gian ngắn, bến được đầu tư nhiều tỷ đồng lại bị bỏ hoang và trở thành nơi đậu đỗ của một số xe tải và tập kết phế liệu.

Theo thống kê của Công ty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai, tính đến 31/8 đã có 19 xe tuyến cố định ngưng hoạt động tại các bến, trạm xe thuộc các tuyến nội tỉnh và các tuyến đường dài. Cụ thể: Bến xe Long Khánh (6 xe), Bến xe Xuân Lộc (7 xe), Bến xe Sông Ray (6 xe) Bến xe Đồng Nai (4 xe), Bến xe ngã tư Vũng Tàu (1 xe). Qua thống kê cho thấy trong số 19 xe thì hai bến xe Xuân Lộc, Long Khánh chiếm đến 13 xe.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Quan, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, Bến xe Dầu Giây thuộc quyền quản lý của Công ty CP Bến xe và Dịch vụ vận tải Đồng Nai (viết tắt là Bến xe Đồng Nai), phía Sở chỉ quản lý và cấp phép luồng tuyến xe chạy cố định. Hiện tại bến xe này vẫn còn cấp phép hoạt động 1-2 tuyến đi các tỉnh miền Tây. “Vị trí đặt bến xe hoàn toàn đúng quy hoạch và khá đắc địa”, ông Quan nói và phân tích thêm: Bến xe ở gần ngã tư Dầu Giây điểm giao QL1 và QL20, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thuận tiện cho hành khách đi các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc. Ngoài ra, bến xe này có vị trí gần trung tâm hành chính huyện, khu dân cư.

“Việc xây dựng bến xe đặt gần ngã tư Dầu Giây là hợp lý. Hiện một số dự án khu thương mại dịch vụ đang được triển khai sau khi hoàn thành sẽ góp phần tạo cú hích cho bến xe này hoạt động hiệu quả hơn”, ông Quan thông tin.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao một bến xe được cho là ở vị trí đắc địa nhưng mới được xây dựng đã “chết mòn”, PV liên lạc với người đại diện của Bến xe Dầu Giây nhưng vị này cho rằng, “không thuộc thẩm quyền trả lời nên không phát ngôn hay bình luận gì về vấn đề hoạt động của bến xe”.

Bỏ bến lập bến cóc, xe dù để... đỡ tiền bến bãi

Một điểm đáng lưu ý là theo tìm hiểu của PV, không chỉ riêng Bến xe Dầu Giây mà các Bến xe Long Khánh, Bến xe Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) cũng đang rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Theo khảo sát, dù là những ngày cao điểm lễ 2/9 nhưng lượng xe ra vào Bến xe Long Khánh khá vắng vẻ. Những hình ảnh xe khách tấp nập ra vào bến xe chỉ còn trong quá khứ dù trước đây bến xe này là một trong những bến xe lớn hoạt động nhộn nhịp ở Đồng Nai.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, quản lý Bến xe Long Khánh (thuộc Công ty CP Bến xe Đồng Nai) cho biết: Trước đây bến xe này rất nhộn nhịp, bây giờ thì giảm rất nhiều. Xe bỏ bến đã gần hết chỉ còn vài tuyến đường dài do ảnh hưởng bởi các công ty dịch vụ lập bến bên ngoài đón khách. Cụ thể, các nhà xe Kim Mạnh Hùng, Cúc Phương, Cường Thủy không vào bến mà đón khách ngay tại văn phòng nằm trên các tuyến đường Nguyễn Du, Trần Phú… của TX Long Khánh.

“Hiện, các nhà xe này vẫn hoạt động rầm rộ với số lượng lên đến 70-80 xe chất lượng cao nên xe trong bến không thể cạnh tranh nổi. Bến xe Long Khánh đang hoạt động cầm chừng với tình trạng này không biết bao lâu nữa thì hợp tác xã sẽ bỏ bến ra ngoài hết”, ông Lộc chua xót nói.

Tình hình tại Bến xe Xuân Lộc cũng không khá hơn khi nhiều xã viên đã bỏ bến ra ngoài do không cạnh tranh nổi với các loại xe khách “trá hình” núp bóng hợp đồng tuyến cố định. Theo phản ánh của các HTX vận tải, tình trạng các doanh nghiệp vận tải không vào bến đón, trả khách diễn ra ngang nhiên từ nhiều năm nay nhiều xã viên do không cạnh tranh nổi đã chuyển nghề hoặc chạy tuyến khác.

Ông Trần Phước Anh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Đồng Nai cho biết, để tránh phải đóng tiền bến bãi, một số doanh nghiệp vận tải kinh doanh đón khách bên ngoài áp dụng hình thức kinh doanh đặt chỗ qua điện thoại, bán vé tại văn phòng cho dù đây là việc làm trái quy định pháp luật. Đáng nói là theo ông Phước Anh, dù lực lượng chức năng đều đã thanh, kiểm tra hoạt động của các DN này nhưng đến nay DN công khai vi phạm và vẫn sống khoẻ. Chỉ có bến xe thì cứ “sống mòn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.