Thế giới

Đông Nam Á lợi gì trong cuộc đua tìm và sử dụng vaccine chống Covid-19?

11/09/2020, 06:38

Khu vực Đông Nam Á có thể được hưởng rất nhiều lợi ích mà trước mắt là nhu cầu vaccine Covid-19 cao chưa từng có.

img
Đông Nam Á gián tiếp được hưởng lợi từ cuộc đua vaccine thế giới

Khu vực Đông Nam Á đang đứng giữa trò chơi “kéo co” địa chính trị Trung Quốc - Mỹ căng thẳng và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc. Nhưng chính điều này lại tạo cơ hội cho các nước trong khu vực có thể được hưởng rất nhiều lợi ích mà trước mắt là nhu cầu vaccine Covid-19 cao chưa từng có.

Lợi ích và rủi ro đan xen

Thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng đã xác định, đại dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt hoàn toàn và “sống chung an toàn với virus” là giải pháp tình thế bắt buộc trong giai đoạn trước mắt. Để làm được điều này, vaccine là yếu tố quan trọng nhất.

Bất cứ quốc gia nào nắm bắt được thị trường, sở hữu chế phẩm phòng Covid-19 nhanh và hiệu quả nhất sẽ thắng cuộc và có tầm ảnh hưởng không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác. Đó chính là lý do vì sao, các cường quốc trên thế giới như Trung Quốc, Australia, Nga… rất tích cực nghiên cứu, thử nghiệm vaccine và tìm đến những thị trường chiến lược như Đông Nam Á.

Theo ông Sebastian Strangio, nhà báo chuyên trách về Đông Nam Á của Tạp chí đối ngoại The Diplomat, động thái rõ nhất chứng minh điều này là việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 24/8 vừa qua đã hứa hẹn với các quốc gia khu vực hạ lưu sông Mekong như Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar rằng sẽ được ưu tiên hàng đầu tiếp cận nguồn vaccine do các công ty Trung Quốc sản xuất.

Ngoài ra, Philippines cũng được Bắc Kinh hứa hẹn sớm cho phép tiếp cận chế phẩm phòng Covid-19, trong khi Malaysia đang trong quá trình đàm phán để thực hiện thoả thuận tương tự.

Một ngày sau khi ông Lý hứa hẹn, doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất dược phẩm Sinovac công bố mối quan hệ hợp tác với Tập đoàn PT Bio Farma của Indonesia để phát triển hoạt động phân phối một loại vaccine hiện đang được thử nghiệm tại nước này.

Trên quy mô thế giới, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhiều lần cam kết vaccine Covid-19 “Made-in-China” sẽ được coi là sản phẩm cộng đồng toàn cầu.

Ở một khía cạnh khác, chính chiến dịch “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh đã khơi mào cuộc chạy đua giành ảnh hưởng, lãnh đạo toàn cầu về y tế của các cường quốc đối với khu vực Đông Nam Á.

Cuối tháng vừa rồi, Chính phủ Australia thông báo “bơm” 58 triệu USD vào liên minh vaccine quốc tế GAVI - tổ chức điều phối và phân bổ vaccine, thuốc điều trị Covid-19 (COVAX) để đảm bảo toàn cầu được tiếp cận các chế phẩm liên quan một cách công bằng và nhanh chóng.

Đặc biệt, chính quyền Canberra còn dự định đảm bảo quyền tiếp cận chế phẩm phòng virus cho 7 nước Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam cùng 8 quốc gia Thái Bình Dương. Cam kết được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrisonhứa sẽ giúp “gia đình Thái Bình Dương” được tiếp cận nguồn vaccine có kiểm chứng. Động thái được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Australia với sự nổi lên của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Nga - một ứng cử viên khác trên đường đua vaccine - gần đây mới cấp phép phân phối một mẫu chế phẩm phòng Covid-19 (được biết với cái tên Sputnik V), vừa đạt được thoả thuận với Việt Nam để bán tới 150 triệu liều. Vaccine này còn được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tình nguyện đích thân tiêm thử bất chấp sự hoài nghi về độ an toàn và đáng tin cậy trên thế giới.

Tuy nhiên, xen kẽ giữa lợi ích đó lại là những rủi ro về địa chính trị khiến chính phủ các nước Đông Nam Á rất cẩn trọng. “Bởi có nhiều báo cáo chỉ ra, chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng lời hứa tiếp cận nguồn vaccine để buộc các nước trong khu vực phải nhượng bộ đối với một số vấn đề quan trọng từ tranh cãi liên quan tới con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong cho đến những tranh chấp chủ quyền và hàng hải trên Biển Đông”, theo ông Strangio.

Mỹ phản ứng chậm?

Bất ngờ nhất trên đường đua vaccine lần này là phản ứng của Mỹ. Quốc gia luôn thường trực nỗi lo trước sự nổi lên của Trung Quốc tại Đông Nam Á, dường như có phản ứng khá chậm. Nhìn chung, chính quyền ông Trump ngay từ đầu đã đi theo cách tiếp cận “Nước Mỹ là trên hết” (American First) và rút khỏi nhiều diễn đàn đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới.

Thay vì tham gia các nỗ lực hợp tác toàn cầu để phát triển vaccine, Washington chọn tập trung vào Chiến dịch Warp Speed - một kế hoạch của Mỹ nhằm phát triển vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu sản xuất 300 triệu liều vào tháng 1/2021.

Dù vậy, thời gian để Mỹ nghĩ lại vẫn còn khá nhiều. Một bài bình luận gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở tại Washington chỉ ra, sau thời gian đầu chậm chạp ủng hộ Đông Nam Á liên quan tới đại dịch, nước này bắt đầu tăng tốc bắt kịp những nỗ lực từ Bắc Kinh.

Đầu tháng 6 này, Mỹ đã tăng gấp đôi ngân quỹ dành cho phòng chống Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á (từ 18 triệu USD lên tới 77 triệu USD), đưa Washington trở thành quốc gia tài trợ lớn nhất cho khu vực này, ít nhất là xét về giá trị.

Hiện tại Mỹ đang có rất nhiều công ty dược thử nghiệm hàng loạt vaccine tiềm năng.

Tháng vừa rồi, Đại học Duke và công ty dược phẩm Mỹ Arcturus thông báo hợp tác với Singapore để phát triển vaccine được gọi là Lunar-Cov19, hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên.

Một công ty khác của Mỹ đang phát triển chế phẩm phòng virus là Novavax đã thông báo thoả thuận hồi đầu tháng 8, hợp tác với Viện Serum của Ấn Độ.

“Với những tiềm lực đó, tới cuối cùng, Mỹ rất có thể sẽ vươn lên trở thành đối tác quan trọng của các nước Đông Nam Á trên con đường săn lùng những nguồn vaccine đảm bảo”, ông Strangio nhận định.

Tạp chí The Diplomat bình luận, với khu vực đang phát triển như Đông Nam Á, dù chọn bên nào, các nước cũng phải cân nhắc thật kỹ, xuyên suốt dài hạn. Bởi mỗi bước đi, mỗi sự phụ thuộc, dù là trong chiến lược ngoại giao khẩu trang hay vaccine, họ cũng đều đối mặt với nguy cơ buộc phải “chọn bên” trong những cuộc tranh chấp sắp tới hoặc chịu áp lực để nhượng bộ khi tham gia vào bất cứ thoả thuận nào trong tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.