Y tế

Đột biến ca bệnh vì kiến ba khoang, nhiều ca bội nhiễm mưng mủ khắp mặt

02/10/2020, 11:20

Những ngày gần đây, mỗi ngày BV Da liễu TƯ tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám vì ngứa ngáy, đau rát, do kiến ba khoang, nhiều ca bội nhiễm.

img
Một ca đến khám vì tổn thương da do kiến ba khoang gây nên

Bội nhiễm mưng mủ khắp mặt vì kiến ba khoang

Đến viện thăm khám trong tình trạng kheo chân lan rộng vết mụn mủ do tiếp xúc với kiến ba khoang gây nên, anh N.V.A (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay: "Những vết ngứa rát xuất hiện từ thứ 6 tuần trước, ban đầu chỉ là vết nhỏ, sau đó tôi có ra hiệu thuốc mua loại thuốc mỡ rồi tự bôi. Thế nhưng không đỡ, thậm chí còn lan rộng hơn và đặc biệt rất khó chịu, rát, ngứa. Tôi đã phải nghỉ làm mấy ngày nay".

Anh A. cho hay, ngay từ đầu anh cũng đoán là do kiến ba khoang gây ra, có thể khi nằm ngủ anh đã đè lên kiến, tuy nhiên, anh A. không thể ngờ vết thương ngày một lan rộng và đau rát. "Tại khu ở chỗ tôi, cũng nhiều gia đình phàn nàn về kiến ba khoang trong những ngày gần đây. Và ngay tại trong gia đình, thi thoảng cũng bắt gặp một vài con kiến ba khoang", anh A. cho biết.

Cũng tại đây, còn có trường hợp cả nhà 3 mẹ con cùng đến khám vì viêm da do kiến ba khoang gây nên. Hay như trường hợp cả hai bố con anh T.V.T (Sóc Sơn, Hà Nội) đến khám, trường hợp anh T. khá nặng và có dấu hiệu của bội nhiễm. Anh T. đến viện trong tình trạng một mắt sưng nề đỏ, má có một số mụn mủ, đau rát nhiều. Sau 3 ngày bị tiếp xúc với kiến khoang, ban đầu cảm giác vướng rát, sau quệt gãi rụi, tự ý bôi kem và anh T thấy rát hơn, sưng nề nhiều hơn nên buộc đến viện.

Còn trường hợp anh N.V.P (Hà Nội) đến viện khám khi vết mụn mủ trên mặt loang rộng. Theo chia sẻ của anh P. đầu tiên cũng chỉ nghĩ giời leo, nên vợ học bài trên mạng nhai đậu xanh, gạo nếp đắp. Ai dè không đỡ, mà con đau rát hơn, bội nhiễm mưng mủ nên mới đến viện để khám.

BS. Khuất Hà Giang, trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, BV Da liễu TƯ cho biết: "Không hiếm các bệnh nhân vị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang đến viện rất muộn, thậm chí sau khi tự dùng thuốc hay đắp lá, nhai gạo, nhai đỗ đắp dẫn đến bội nhiễm mới tìm đến bệnh viện thăm khám. Với các trường hợp này, thời gian điều trị sẽ lâu hơn, bị tăng sắc tố hình thành sẹo sau viêm".

img
Một trường hợp bị bội nhiễm sau viêm do kiến ba khoang

Gia tăng đột biến bệnh nhân do kiến ba khoang

BS. Khuất Hà Giang cho biết, thường các bệnh nhân đến thăm khám có liên quan đến viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang rải rác quanh năm, nhưng khoảng thời gian chừng 3-4 tuần đổ lại đây, lượng bệnh nhân tăng lên đột biến. Có những ngày xấp xỉ cả trăm bệnh nhân đến thăm khám vì nguyên nhân này.

Theo bà Giang, kiến ba khoang là loại côn trùng cánh cứng, nếu vô tình chạm cũng gây tổn thương ngoài da. Chúng sống ở vùng cây cối, sông nước, hay các công trình xây dựng… Tuy nhiên, thời gian gần đây mưa ẩm, mùa gặt, nên kiến sinh trưởng mạnh… nơi trú ngụ hạn chế kiến nên theo gió, ánh đèn bay vào nhà. Đó cũng là nguyên nhân khiến gia tăng bệnh nhân đến thăm khám vì tổn thương da do kiến khoang gây nên.

Đáng nói, nhiều bệnh nhân nhầm lẫn giữa vết thương do kiến ba khoang và Zona thần kinh nên đã có những xử trí không phù hợp dẫn đến chậm trễ trong điều trị.

Theo BS Giang, các triệu chứng viêm da do kiến ba khoang gây ra gồm: Vùng da dễ bị kiến tấn công gồm cổ, mặt, tay, chân… vùng da có nếp gấp nhiều đồng thời không được che chắn cẩn thận bởi quần áo.

Các tổn thương thường ở một hoặc hai bên, da viêm đỏ giống như vết cào xước, có xu hướng tạo thành vệt dài theo hướng mà chúng ta giết kiến.

Cảm giác nóng rát tại chỗ bị kiến tấn công sau đó sẽ xuất hiện những vết viêm phỏng giống như bị bỏng và không kèm theo dấu hiệu ngứa.

Khi các vết phỏng trên da này bị vỡ ra sẽ khiến cho dịch lan rộng và vùng tổn thương cũng như thế mở rộng hơn và có thể gây ra bội nhiễm.

Sau khoảng từ 5-7 ngày các dấu hiệu viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang sẽ bắt đầu khô và bắt đầu lành thương. Tuy nhiên, tại vùng da bị kiến tấn công sẽ bị thâm khá lâu. Kiến ba khoang chỉ cần dùng đúng thuốc là có thể chữa khỏi bao gồm các loại thuốc như hồ nước, kem kẽm, kem corticoid và nếu nhiễm trùng sẽ dùng thêm kháng sinh tại chỗ.

Còn vết thương do zona là bệnh do virus, không phải là do côn trùng gây ra như viêm da phỏng do kiến ba khoang. Bệnh thường có các dấu hiệu sốt nhẹ khoảng từ 38 độ C kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp; Cảm giác nhức đầu, mệt mỏi và tuổi càng lớn thì cảm giác đau sẽ càng tăng nhiều hơn; Đau xương sống, đau nhức dọc theo dây thần kinh vùng da bị zona và tổn thương thường chỉ xuất hiện ở 1 bên cơ thể, thường là ở vị trí liên sườn; Trên da sẽ bị nổi những mụn nước, thường liên kết lại với nhau thành các chùm và thấy có lõm ở giữa các mụn nước này.

Zona cũng điều trị bằng thuốc Acyclovir đường uống và đường bôi, chống viêm, giảm đau và các loại thuốc an thần.

"Khi xác định có tổn thương do kiến ba khoang gây nên người dân nên rửa vết thương dưới vòi nước, bằng xà phòng hoặc nước muối nhẹ để giảm trung hòa độc tố. Nhẹ thì bôi thuốc mỡ dịu da; nặng đau rát nên đến bệnh viện để được thăm khám, chỉ dẫn điều trị phù hợp. Cũng cần lưu ý, nếu gặp kiến ba khoang, khi diệt kiến không được thực hiện trực tiếp để tránh chất độc từ kiến gây nên các vết tổn thương trên da. Chất dịch gây phỏng da của kiến ba khoang có độ độc cao gấp 15 lần nọc độc của rắn hổ mang", BS. Giang cho biết.

img

Hoàn thành sứ mệnh xóa Covid-19, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được giải thể

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.