Đường sắt đô thị

“Đốt đuốc” tìm nhân sự vận hành đường sắt đô thị

03/12/2020, 06:21

Việc tuyển dụng học viên để vận hành các tuyến đường sắt đô thị sắp đưa vào khai thác đang rất khó khăn.

img
Đoàn tàu đầu tiên của dự án đường sắt đô thị được đưa về dự án từ tháng 10/2020, song đến nay vẫn chưa tuyển dụng đủ nhân lực khai thác, vận hành để bắt đầu đào tạo

Dự kiến năm 2021, các tuyến đường sắt đô thị đầu tiên như: Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác. Tuy vậy, việc tuyển dụng học viên để vận hành vẫn rất khó khăn...

Nhiều lần gia hạn tuyển người học

Năm 2019, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định đưa dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tiến độ trên phải lùi đến cuối năm vì nhiều lý do.

Ngoài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc chậm chuẩn bị nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án. Trong đó, các vị trí quan trọng như lái tàu, nhân viên điều hành chạy tàu, giám sát an toàn, quá trình tuyển dụng đều chậm hơn dự kiến.

Đơn cử vị trí lái tàu, từ tháng 2/2020, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) bắt đầu tổ chức tuyển để đào tạo 40 lái tàu, song đã vài lần gia hạn tuyển dụng đến nay mới “cơ bản” đủ.

Với các chức danh khác, từ tháng 7/2020, Metro Hà Nội tổ chức tuyển hơn 400 nhân sự khác để đào tạo cho các vị trí công việc như: Điều độ chạy tàu, kỹ thuật công nghệ, giám sát an toàn, vận hành nhà ga, duy tu sửa chữa công trình, duy tu sửa chữa thiết bị, Depot Nhổn… với mức thu nhập từ 6,5 - 13 triệu/tháng (lái tàu 15 triệu), chưa kể tiền ăn trưa, thưởng năng suất. Dù vậy, do không tuyển đủ người, thời hạn tuyển dụng đang phải gia hạn đến cuối tháng 12/2020.

“Hiện, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chưa tuyển đủ số lượng nhân sự cần thiết để đào tạo khai thác, vận hành và cũng chưa xác định được thời gian khai giảng đào tạo cụ thể. Nếu theo đúng kế hoạch tháng 12/2020 mới có thể bắt đầu”, lãnh đạo Metro Hà Nội cho biết.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến đi vào hoạt động năm 2021, song có gần 100 nhân viên đã được tuyển dụng xin nghỉ. Trong đó, có các vị trí quan trọng như: Lái tàu, quản lý điều phối điện, điều độ chạy tàu, giám sát an toàn đoàn tàu; thợ sửa chữa thông tin, sửa chữa tín hiệu; kỹ sư đường hầm; kỹ sư kiểm tra đo lường, trưởng ca quản lý thiết bị nhà ga… Vì vậy, Metro Hà Nội mới đây phải tuyển dụng bổ sung và cần thời gian để đào tạo.

“Nguyên nhân khó tuyển dụng do thời gian qua bị ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, cũng như khó thu hút ứng viên là người ngoại tỉnh Hà Nội đăng ký”, theo Metro Hà Nội.

Tuyến Bến Thành - Suối Tiên, dự kiến hoạt động cuối năm 2021 có tiến độ đào tạo khả quan nhất, bởi từ tháng 7/2020 bắt đầu khai giảng đào tạo 58 lái tàu. Về thời gian đào tạo, theo Trường Cao đẳng Đường sắt - đơn vị đào tạo lái tàu, thời gian đào tạo lái tàu 15 tháng, với lộ trình hai giai đoạn: Đào tạo cơ bản tại cơ sở đào tạo trong nước và đào tạo chuyển giao công nghệ (trong đó một số học viên được đào tạo tại nước ngoài). Sau đó, học viên phải được cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái tàu mới có thể chính thức được điều khiển tàu.

Không dám mạo hiểm tuyển sinh sớm

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các dự án đường sắt đô thị tổ chức đào tạo nhân lực khác nhau. Chẳng hạn, dự án Bến Thành - Suối Tiên, Cát Linh - Hà Đông dùng nguồn kinh phí dự án để đào tạo nhân lực, trong khi dự án Nhổn - ga Hà Nội dùng nguồn ngân sách của thành phố, khi lựa chọn cơ sở đào tạo trong nước phải qua đấu thầu.

Trong nước hiện có Trường Đại học GTVT ở Hà Nội và TP HCM đào tạo chuyên ngành về giao thông điện, cùng với các trường cao đẳng đường sắt, là nguồn kỹ thuật viên chuyên môn cao cho đường sắt đô thị. Việc liên kết đào tạo tại các trường đại học sẽ góp phần tiết kiệm chi phí cho quá trình tuyển chọn và đào tạo nhân lực cho dự án so với phải đưa ra nước ngoài học tập.
Giảng viên Nguyễn Thái, Trường Đại học GTVT TP.HCM


Theo chuyên gia đường sắt, kinh nghiệm từ một số nước bắt đầu phát triển đường sắt đô thị hiện đại cũng thường xuyên xảy ra tình trạng trên. Tuy vậy, thời gian qua các dự án đều chậm tiến độ nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý, đối tượng muốn vào học, làm việc trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Ân, chuyên gia đường sắt chia sẻ, trong giai đoạn đầu phát triển đường sắt đô thị, nguồn lực được đào tạo theo dự án và thường do nhà thầu chính chịu trách nhiệm từ tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào cho từng chuyên môn cụ thể.

“Mỗi dự án lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ khác nhau, phụ thuộc nhà tài trợ vốn, nên khó để đào tạo đại trà nhằm cung cấp sẵn nguồn lực cho các dự án”, ông Ân nói và cho rằng, quy hoạch đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM chỉ gần 300km, nên việc tìm nhân lực cho từng dự án là khả thi nhất.

Ông Nguyễn Thái, giảng viên Trường Đại học GTVT TP.HCM cho biết, tại các quốc gia lần đầu vận hành hệ thống đường sắt đô thị, đội ngũ nhân lực khai thác được đào tạo ngắn hạn theo hợp đồng với nhà thầu (nếu có kèm hợp đồng cung cấp điện và tàu) hoặc tuyển dụng để đào tạo cho dự án. Còn ở quốc gia có đào tạo chuyên ngành điện khí hóa đường sắt hoặc giao thông điện (trong các trường đại học kỹ thuật hoặc đường sắt) thông thường có tiến trình đào tạo nguồn nhân lực trước khi dự án đi vào xây dựng.

“Năm 2015, Trường Đại học GTVT TP.HCM có hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ cho đối tác dự án. Đáng tiếc, nguồn nhân lực này ra trường nhưng dự án lại không có tiến triển”, ông Thái nói về tầm quan trọng tiến độ dự án đối với chuẩn bị nguồn nhân lực.

“Các trường đại học, cơ sở đào tạo không dám mạo hiểm tuyển sinh khi chưa biết được quy hoạch nhu cầu sử dụng nhân sự đường sắt đô thị, cơ sở nào cũng chỉ đào tạo kiểu chạy theo. Điều này đi ngược với nhiều nước trên thế giới.

Nếu có sự liên kết tốt giữa các cơ quan liên quan đến quản lý, phát triển đường sắt hoặc nhà thầu với trường đại học, cơ sở đào tạo đường sắt sẽ rất tốt, kết hợp cả chương trình đào tạo của nhà trường và yêu cầu đào tạo của dự án để chủ động hơn khi chuẩn bị nguồn nhân lực”, giảng viên Nguyễn Thái chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.