Xã hội

Đột nhập tổng kho hàng lậu xứ Tàu: “Cõng” hàng lậu về nước

30/03/2015, 08:30

Sau một ngày thâm nhập tổng kho hàng lậu Lũng Vài, Bào (hoa tiêu dẫn đường) hối chúng tôi quay về

51
Đường mòn vận chuyển hàng lậu trơn trượt, khó đi

Sau một ngày thâm nhập tổng kho hàng lậu Lũng Vài, Bào (hoa tiêu dẫn đường) hối chúng tôi quay về chân núi sát biên giới trước 17h để kịp theo đoàn cửu vạn “cõng” hàng về nước. Chúng tôi phải xách theo một số đồ “made in China” nhằm qua mắt “lính canh”.

Hàng lậu “đi” xuyên đêm

Từ cửa hầm Lũng Vài, một loạt xe su-cóc (giống “xe thương binh” của Việt Nam), xe máy, ô tô chở hàng hóa thi nhau nổ máy, nối đuôi nhau vượt dốc tiến về chân núi sát biên giới để tập kết hàng. Tại đây, chủ hàng phân công cửu vạn vác đồ và ra lệnh xuất phát đi theo con đường 06. Cùng lúc, Bào hất cằm ra hiệu chúng tôi bám theo.

Con đường dốc đá uốn quanh, trơn trượt cùng với trời mờ tối khiến chúng tôi phải cắm mặt nhìn đường, thỉnh thoảng phải giơ tay về phía trước để mò đường cho đỡ vấp ngã. Đoàn cửu vạn cứ lầm lũi tiến về phía trước với khối hàng to, nặng gấp nhiều lần cơ thể người.

"Lực lượng chức năng chỉ có thể làm giảm, hạn chế hàng lậu chứ khó ngăn chặn triệt để”.

Ông Nông Văn Vịnh
Phó cục trưởngCục Hải quan Lạng Sơn

Sau gần một tiếng đồng hồ trườn núi, băng qua đoạn dây thép gai đã bị đạp đổ (tới đất Việt Nam), đi tiếp một đoạn ngắn, chúng tôi đến điểm tập kết kho hàng nằm ngay thị trấn Đồng Đăng. Mỗi khi cửu vạn đưa hàng vào kho, chủ kho cầm bút ghi chép tiếp nhận và tính tiền công. Mỗi lô hàng về, cửu vạn nhận được 300-400 nghìn đồng/người. Bào cho biết, dân cửu vạn ăn công từ chủ kho chứ không ăn theo chủ hàng. Muốn biết chủ hàng, phải nhìn vào tên và số điện thoại ghi trên bao tải.

Lúc này khoảng 19h, trời đã tối, nhưng một vệt ánh sáng dài từ những chiếc đèn pin vẫn đang lấp lóe chỉ đường cho dân cửu vạn cõng hàng vượt biên trên đồi Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng). Ước tính, có cả hàng trăm người. Mặc cho tiếng chó sủa dồn dập từ nhà dân và cảnh nhộn nhịp của dân buôn là vậy, tuyệt nhiên không có bất cứ bóng dáng của lực lượng chức năng nào.

Ngay dưới khu vực đồi Kéo Kham là dòng “xe thương binh”, xe máy, xe tải kéo đến để chở hàng lậu vào nội địa. Chỉ vài động tác thoăn thoắt của dân cửu vạn, những chiếc xe đã được chất đống hàng. Khoảng 20h, dòng xe máy, ô tô chở hàng lậu bật đèn, rú ga chạy ra khỏi bãi tập kết, chúng tôi nhanh chóng bám theo và điểm đến của lô hàng này là bến xe Đồng Đăng. Chỉ trong vài phút, hàng lậu đã được nhét vào trong cốp xe, thậm chí là hàng ghế ngồi của xe khách để sẵn sàng tỏa về các tỉnh miền xuôi.

Lực lượng chức năng “bó tay”?

Sau khi tận mắt thấy con đường “hàng Tàu” lậu về Việt Nam, PV Báo Giao thông đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn. Ông Nghĩa cho biết, theo quy định hiện hành, hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày và có 38 mặt hàng không phải đóng thuế.

“Quy định ưu tiên dân cư vùng biên giới này đang bị giới buôn lậu lợi dụng và biến thể một cách trắng trợn. Vì cơ quan chức năng khó có thể định lượng được số hàng cư dân vùng biên mang về trị giá bao nhiêu tiền, vì hàng không có hóa đơn, chứng từ”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA quy định, hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh, có thể xuất trình hóa đơn lô hàng trong vòng 72 giờ. Việc cho phép thời gian xuất trình quá dài này vô tình đã tạo điều kiện cho giới buôn lậu hoàn tất các thủ tục liên quan dù hàng lậu đang trong tầm kiểm soát của lực lượng chức năng.

“Ngoài ra, chủ hàng lậu thường lợi dụng người dân địa phương nghèo khó làm cửu vạn vận chuyển hàng lậu. Nhiều trường hợp lúc bị bắt giữ, cửu vạn thường bỏ chạy vào rừng, hoặc sau khi nài nỉ xin không đường thì quay ra giằng co tranh cướp lại hàng, thậm chí gây rối, ăn vạ... gây khó cho cơ quan chức năng”, ông Nghĩa lý giải.

Ông Nông Văn Vịnh, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, hoạt động của giới buôn lậu ngày càng biến thể tinh vi, như dân buôn chỉ nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về lắp ráp, dán tem giả rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Đối tượng buôn lậu còn làm giả chứng từ nhập khẩu, tờ khai, con dấu của nhân viên kiểm hóa hải quan đóng lên phiếu giao nhận container, con dấu của viên chức hải quan để đánh tráo số lượng lớn container hàng nhập lậu ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.