Xã hội

Đột nhập tổng kho hàng lậu “xứ Tàu”

28/03/2015, 16:10

Sau khi “lót tay” tiền triệu cho một cửu vạn thâm niên khu vực biên giới Lạng Sơn - Trung Quốc

51
Một góc dân buôn lậu đóng hàng tại chợ Lũng Vài (Quảng Tây, Trung Quốc) để vượt biên

Trước khi bộ hành qua biên giới, Bào - một tay cửu vạn thâm niên ở biên giới Lạng Sơn - Trung Quốc dặn dò: “Đây là đường dành riêng cho giới buôn lậu nên không được quay phim, chụp ảnh hay ngó nghiêng”.

Theo chân cửu vạn vượt biên

Sau vài lần lân la trà đá tại một quán nước gần khu vực cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), tôi được bà chủ quán tên Thơm mách: “Muốn sang Trung Quốc mua hàng lậu về, chỉ cần bỏ ít tiền cho mấy cửu vạn mở đường dẫn qua”. Sau đó, bà Thơm đã giới thiệu cho tôi một cửu vạn thâm niên tại biên giới Lạng Sơn tên Bào.

Sau một hồi thuyết phục cùng “lót tay” gần triệu đồng, Bào đồng ý cho tôi đi theo đường dây “cõng” hàng lậu từ Trung Quốc về. Từ khu vực dốc Khơ Đa (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng), Bào dẫn tôi đi men theo đường mòn đất hẹp, chỉ đủ một người đi, đôi lúc chân đi khập khiễng vì vấp phải những hòn đá trơn trượt. Để đến được khu vực Hang Dơi (nơi nhìn thấy đất Trung Quốc), chúng tôi phải trèo qua hai quả đồi rồi trườn theo sườn núi đá bám đầy rêu xanh.

Trong tháng 2/2015, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra và xử lý 383 vụ buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại với số tiền phạt 1.240.650.000 đồng; trị giá hàng hóa tịch thu là 12.852.020.000 đồng.

Để tránh bị xét hỏi, Bào yêu cầu tôi đi lẫn vào đoàn cửu vạn và tuyệt đối im lặng. Lúc này, trên những tảng đá lớn ven đường là đám thanh niên đầu trọc hay tóc nhuộm đỏ tía, mình đầy xăm trổ, tướng bặm trợn chỉ tay hối giục đoàn người đi nhanh. Đang cắm cúi đi, tôi giật mình bởi tiếng quát: “Bọn kia đứng lại, đi đâu đây?”.

Bị phát hiện có người lạ mặt, Bào lập tức đỡ lời “mấy đứa em dưới Lạng Sơn xin đi qua cùng để mua ít hàng, có em giám sát, anh yên tâm”. Gã thanh niên lập tức nhảy từ trên tảng đá xuống, căn vặn chúng tôi đủ điều, rất may vì được Bào dặn dò trước nên tôi được cho qua.

Khi đến gần địa phận Trung Quốc, Bào yêu cầu tôi đưa 50 nghìn đồng để đổi ít tiền Nhân dân tệ (NDT) dùng cho việc mua vé qua cửa và nhập cảnh. “Bước qua chốt kiểm soát này là vượt biên thành công”, Bào nói và đưa tay chỉ những dãy nhà cao tầng được xây giống nhau, nằm liền kề, trên nóc nhà là các biển hiệu kinh doanh in nửa tiếng Trung Quốc, nửa tiếng Việt: “Chợ Lũng Vài, tổng kho hàng hóa đấy. Hàng ở đây rẻ lắm, chỉ bằng 1/3-1/4 giá bán ở Lạng Sơn thôi. Nhưng tổng kho nên không bán lẻ, chỉ đóng hàng theo thùng”.

Tại khu chợ Lũng Vài, có tới hàng trăm kho hàng chất đầy hàng hóa. Đội cửu vạn hối hả đóng hàng và cõng trên lưng những thùng hàng tiến đến chân núi sát đường biên chờ thời cơ vượt biên về Lạng Sơn. Tiếng cười nói, giao dịch mua bán náo động cả khu vực biên giới.

“Hàng nào cũng vượt biên được”

Từ Lũng Vài, chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ hẹp mà dân cửu vạn ngày đêm cõng hàng để đến thị trấn Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc). Tại đây, hàng chục cô gái mặc hở hang đứng công khai ngay bên vệ đường liên tục mở lời chào khách mua dâm. Thậm chí, họ cầm trên tay lọ nước in dày đặc chữ Trung Quốc được giới thiệu là “thuốc kích dục” với giá bán 30 NDT (khoảng 100 nghìn đồng). Đám đàn ông vây quanh ngắm nghía và không ít người rút ví mua hàng. Nằm cách đó khoảng 30m là dãy sạp hàng bày bán toàn hàng “lạnh” như: Dao, kiếm, rồi băng đĩa sex, dụng cụ hỗ trợ phòng the, thậm chí có cả súng và pháo nổ…

Theo tay buôn tên A Cường (người Trung Quốc), hàng nào cũng vượt biên được. Nếu khách mua hàng “lạnh” số lượng lớn thì chỉ cần thanh toán hết tiền và phí cước vận chuyển trước, bên bán sẽ giao hàng tại Việt Nam. Riêng hàng “nóng” như súng, thì phí giao hàng sẽ cao hơn và phải chi tiền “lót tay” nếu gặp sự cố.

A Cường cho hay, có hai cách vận chuyển hàng lậu, hàng “nóng”, “lạnh” qua biên giới Lạng Sơn, một là “sẻ cơm” với một vài cán bộ làm nhiệm vụ canh gác ở cửa khẩu, sau khi tuồn hàng qua thì phải “ngụy trang” vào các lô hàng bình thường, còn hàng lậu thì kê khai khống số lượng hàng hóa để hợp thức hóa. Hai là vận chuyển lậu qua các sườn núi, đường mòn dọc hai bên cửa khẩu vào ban đêm nhưng sẽ mất thời gian hơn. Khi hàng đã sang đất Việt Nam thì quan trọng nhất chỉ là bố trí được xe chở hàng về xuôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.