Xã hội

Đột phá chọn người tài làm lãnh đạo ở Bắc Kạn

02/02/2017, 18:03

Bắc Kạn đã lựa chọn được 11 cán bộ nổi trội và xứng đáng từ phương pháp có tính đột phá này.

62

Ông Sầm Văn Trân, nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ trình bày và bảo vệ chương trình hành động trước Hội đồng tư vấn. Ông Trân sau đó đã trúng cử chức vụ Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy

Để bổ nhiệm được những người có năng lực quản lý, chuyên môn tốt vào các vị trí lãnh đạo, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức cho các ứng cử viên tham gia bảo vệ chương trình hành động. Sau hơn 1 năm triển khai với 4 lần tổ chức hội đồng bảo vệ, Bắc Kạn đã lựa chọn được 11 cán bộ nổi trội và xứng đáng từ phương pháp có tính đột phá này.

Cuộc tuyển chọn khắt khe, minh bạch

Ngày 2/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã thành lập Hội đồng tư vấn gồm 2/3 thành viên là của Ban Thường vụ, 1/3 thành viên là thủ trưởng của đơn vị của vị trí ứng cử và các chuyên gia trong lĩnh vực đó. Hội đồng tư vấn đã nghe 9 ứng cử viên lần lượt trình bày chương trình hành động với những giải pháp nhằm đưa hoạt động của đơn vị đạt hiệu quả cao nếu được bổ nhiệm. Sau đó, các thành viên Hội đồng tư vấn sẽ đặt câu hỏi xung quanh việc thực hiện nhiệm vụ của các ứng viên; những hạn chế, tồn tại trong ngành; nguyên nhân và những giải pháp khắc phục... Cuối cùng, Hội đồng tư vấn họp kín để đánh giá kết luận, lựa chọn 2 cán bộ bổ nhiệm vào chức danh Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy và Phó giám đốc Sở Y tế.

Đây là lần thứ tư Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo thông qua việc lập Hội đồng tư vấn chấm điểm cho các ứng viên tham gia bảo vệ chương trình hành động. Trước đó, tháng 7/2016, đã có 12 ứng cử viên tham gia bảo vệ chương trình hành động, qua đó lựa chọn được 4 lãnh đạo cho các vị trí Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh; Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và 2 Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.

"Đến thời điểm này, khẳng định tất cả những người bổ nhiệm qua thi tuyển đều nổi trội và xứng đáng, dù có khoảng gần 1 nửa trong số người trúng tuyển không đúng với giới thiệu của cơ quan đó. Có 2 lần tổ chức cho các ứng cử viên bảo vệ chương trình hành động, Hội đồng tư vấn không chọn được người để bổ nhiệm lãnh đạo vì các ứng cử viên đều không đạt."

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp
Phó bí thư thường trực
Tỉnh ủy Bắc Kạn

Là Chủ tịch Hội đồng tư vấn tuyển chọn cán bộ, cũng là một trong những người trực tiếp đề xuất ý tưởng tuyển chọn lãnh đạo mang tính đột phá này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, dù tỉnh trước đây đã có nhiều đổi mới trong công tác bổ nhiệm cán bộ như mỗi vị trí muốn bổ nhiệm phải có 2 người xây dựng chương trình hành động rồi bảo vệ, lấy phiếu tín nhiệm ở cơ sở trước khi gửi lên trên. Tuy vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có trách nhiệm xem xét việc bổ nhiệm cán bộ nhiều khi cũng không nắm được kỹ về cán bộ đó. Ngoài ra, vẫn có thể xảy ra tình trạng xuê xoa, chưa thực sự dân chủ trong bổ nhiệm tại chỗ…

Theo ông Hiệp, đây là cách lựa chọn cán bộ hoàn toàn mới và quá trình triển khai, tỉnh vừa làm vừa nghe ngóng. Lần đầu tiên tổ chức cho 8 ứng cử viên vào vị trí lãnh đạo bảo vệ chương trình hành động là tháng 12/2015, Hội đồng tư vấn đã tuyển chọn được 4 cán bộ cho các chức danh Phó giám đốc Sở Tài chính; Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường; Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông; Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh. Lần thứ hai vào tháng 3/2016, từ 4 ứng cử viên, Hội đồng tư vấn đã lựa chọn được 1 ứng cử viên bổ nhiệm cho chức danh Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

“Quán triệt chỉ đạo Đảng lãnh đạo toàn diện, không phá vỡ quy hoạch bổ nhiệm cán bộ đã có, các ứng cử viên tham gia bảo vệ chương trình hành động phải là người đã được quy hoạch. Đồng thời, để giải quyết tình huống có ứng cử viên trúng tuyển nhưng về đơn vị để lấy tín nhiệm lại không quá bán, trước khi ứng cử viên tham gia ứng tuyển, sẽ lấy trước phiếu tín nhiệm ở cơ quan, quá bán mới đủ điều kiện tham gia ứng tuyển. Sau đó, nếu ứng cử viên được lựa chọn, chỉ cần quay lại bỏ phiếu trong lãnh đạo và Đảng ủy”, ông Hiệp chia sẻ.

Hiệu quả từ sự đột phá

Tháng 7/2016, sau khi tham gia bảo vệ chương trình hành động thành công, bà Âu Thị Hồng Thắm, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng cộng đồng Bắc Kạn đã được lựa chọn vào vị trí Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. Bà Thắm chia sẻ, việc trúng tuyển vào vị trí lãnh đạo ở một cơ quan mới sau khi cạnh tranh với 3 ứng cử viên khác khiến bà rất vui, nhưng không bất ngờ.

“Để tham gia bảo vệ chương trình hành động thành công, ngoài những kiến thức, kỹ năng đã có trong quá trình công tác, tôi đã tự tìm hiểu thêm về chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của cơ quan mới mà mình được quy hoạch. Khi tham gia bảo vệ chương trình hành động, tôi tin tưởng vào sự công tâm, khách quan và trung thực của Hội đồng tư vấn và luôn xác định, tham gia thi để biết thêm, học hỏi thêm… nên không hề bị áp lực, mà tham gia với tinh thần thoải mái, bình tĩnh”, bà Thắm nói.

Tháng 12/2015, sau khi ứng cử chức danh Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh không thành công, ông Bế Ngọc Thuấn, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh đã nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và “đánh bật” 2 ứng cử viên, giành chiến thắng vào tháng 7/2016. “Bật mí” bí kíp thành công, tân Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, ở lần ứng cử thứ hai, ông đã sắp xếp bố cục chương trình hành động ngắn gọn và hợp lý, trình bày các nội dung chính ngắn gọn và xúc tích, đi thẳng vào vấn đề chính, dẫn dắt các vấn đề liên quan hợp lý.

“Để thuyết phục được Hội đồng tư vấn, các ứng cử viên phải thể hiện được kiến thức sâu rộng không chỉ về chuyên môn mà còn cả kiến thức kinh tế, xã hội, có khả năng dự báo những vấn đề sẽ phát sinh trong tương lai khi thực hiện nhiệm vụ, công tác xây dựng chính quyền, đoàn thể, tổ chức cán bộ, xây dựng đảng… Ngoài ra, còn phải có kỹ năng thuyết trình, phong thái quản lý… Bản thân tôi khi được bổ nhiệm qua hình thức công bằng, khách quan, hiệu quả này thấy rất vinh dự, tự tin”, ông Huấn nhìn nhận.

Đã 4 lần tham gia làm ứng cử viên nhưng chưa thành công, ông Triệu Thế Khôi, Chánh Văn phòng Ban Dân vận Tỉnh ủy vẫn quyết không bỏ cuộc. Bởi theo ông, chủ trương này của Tỉnh ủy là đúng, công khai, dân chủ, minh bạch, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa những ứng cử viên nhằm lựa chọn được người xứng đáng nhất.

“Dù đã nhiều lần tham gia ứng cử và vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình, nhưng tôi “được” rất nhiều, đó là cơ hội để trau dồi kiến thức, thể hiện khả năng diễn thuyết trước công chúng. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục được tham gia bảo vệ chương trình hành động của mình, tôi sẽ tiếp tục thể hiện bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm, lắng nghe đầy đủ mọi câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi về tình huống, cố gắng trả lời được tốt nhất có thể, có ví dụ liên hệ thực tiễn”, ông Khôi cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, bảo vệ chương trình hành động cũng là 1 cách đào tạo cán bộ, mỗi lần tham gia phải nghiên cứu sâu, nắm chắc về ngành, các kiến thức sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội… Hội đồng tư vấn sẽ chấm điểm cho các ứng cử viên trên thang điểm 100, trong đó 40 điểm chấm cho chương trình hành động đã chuẩn bị trước, 40 điểm cho kỹ năng lãnh đạo quản lý, từ phong thái, cách thức thể hiện, phẩm chất lãnh đạo tự tin xử lý tình huống hay không… “Chúng tôi muốn tìm ra những lãnh đạo toàn diện, để có thể nâng được ngành, đơn vị mình quản lý đi lên. Do đó, những ai rất giỏi chuyên môn nhưng không có kỹ năng lãnh đạo quản lý cũng không làm lãnh đạo được. Ngoài ra, khi tất cả những người nằm trong quy hoạch phải tham gia chương trình hành động cũng là một cách rà soát lại quy hoạch, không để xảy ra tình trạng quy hoạch trên trời. Nếu những người không làm được chương trình hành động sẽ loại khỏi quy hoạch luôn. Chuyện bổ nhiệm người nhà hay không cũng không còn gây hiểu nhầm trong dư luận, bởi đã có Hội đồng tư vấn thẩm định, nếu người nhà đủ tiêu chuẩn thì bổ nhiệm cũng là việc hoàn toàn khách quan, minh bạch”, ông Hiệp nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.