Hạ tầng

Đột phá từ tuyến đường ven biển miền Tây dài gần 740km

16/08/2022, 20:14

Tuyến đường bộ dài gần 740km được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển của các tỉnh và toàn vùng, đồng thời hình thành khu kinh tế ven biển…

Mở hướng phát triển

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương Văn Ni, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Trà Vinh cho biết: "Tuyến đường bộ chạy dọc ven biển miền Tây tạo nên cảnh quan đẹp. Từ đó, hình thành nên tuyến vành đai kinh tế ven biển quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc ĐBSCL.

Tuyến đường sẽ mở ra không gian phát triển của các tỉnh và toàn vùng. Từ đó hình thành khu kinh tế ven biển với những ngành như: năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, cảng biển, khu đô thị, dịch vụ, du lịch".

img

Phối cảnh tuyến đường ven biển miền Tây.

Tính đến thời điểm này, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai đầu tư cho vùng ĐBSCL. Chẳng hạn như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đã thông xe).

Đây là tiền đề để các tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, rồi Cần Thơ - Cà Mau hình thành trong tương lai, mở ra một tuyến cao tốc xuyên suốt một mạch từ TP.HCM về đất mũi Cà Mau.

Khi thời gian di chuyển được rút ngắn, không còn ách tắc, việc lưu thông hàng hóa sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL.

Trước đó, đầu năm 2021, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chính thức khánh thành, thời gian từ quận Thốt Nốt (Cần Thơ) về trung tâm tỉnh Kiên Giang chỉ còn 50 phút, thay vì 90 phút nếu đi theo QL80.

Hiện, các dự án cao tốc trọng điểm khác cũng đang được tích cực triển khai như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Cùng với các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai là tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) sẽ tạo thành trục dọc thứ hai nối từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Đặc biệt sẽ kết nối với các tuyến cao tốc trục ngang từ Châu Đốc - Trần Đề, Hà Tiên - Cà Mau… tạo nên những trục xương sống, kết nối giao thông hoàn chỉnh, giúp cho vùng ĐBSCL cất cánh.

"Chia lửa", giảm ùn tắc, tai nạn trên QL1A và QL50

Trước đó, ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, quy hoạch tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

Tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài dự kiến là 53km. Tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 và giai đoạn 2 sau năm 2025.

Giai đoạn 1 (2021 - 2025) với kinh phí 13.127 tỷ đồng xây dựng đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới. Xây dựng 13 cầu trên tuyến chính, trong đó có 5 cầu vượt sông lớn.

Giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2025) với kinh phí 15.419 tỷ đồng. Theo đó, sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100m.

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, đoạn đường này nằm trong dự án Đường ven biển miền Tây đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 10 năm trước.

Toàn tuyến dài gần 740km đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Tuyến đường này được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các con đường hiện hữu kết hợp với đầu tư xây mới, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông và phù hợp với các quy hoạch trong vùng.

Khi đường này hoàn thành, các xe sẽ dễ dàng đi từ Sóc Trăng, Trà Vinh qua Bến Tre, Tiền Giang, Long An về TP.HCM. Rút ngắn khoảng cách hàng chục km, góp phần "chia lửa", giảm ùn tắc, tai nạn cho QL1A và QL50.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.