Bạn cần biết

Dự án 500 nhà vệ sinh công cộng của Hà Nội vì sao chậm?

19/09/2017, 07:25

Kế hoạch xây dựng 500 nhà vệ sinh công cộng (VSCC) của Hà Nội trong năm 2017 sẽ phải lùi sang năm 2018...

9

Nhà vệ sinh công cộng được Công ty CP Vinasing lắp đặt trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội

Mới bàn giao được hơn 100 nhà VSCC

Cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) đầu tư xây dựng 500 nhà VSCC, dự kiến hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đức Thùy, Giám đốc Dự án Vinasing cho biết, hiện nay đơn vị mới lắp đặt và bàn giao được hơn 100 nhà VSCC trong nội thành.

Khảo sát tại một số nhà VSCC mà Công ty Vinasing đã lắp đặt ở quận Hoàn Kiếm, PV ghi nhận tại đây đều có công nhân túc trực, lau dọn. Bên trong nhà vệ sinh đều sạch sẽ, hiện đại, được chia riêng khu vệ sinh nam, nữ và đều có tay vịn phục vụ người khuyết tật. Hệ thống bật, tắt nước, đèn sáng đều tự động.

Trả lời câu hỏi của PV về phản ánh của người dân, nhiều nơi nhà VSCC san sát, nhưng có nơi đi cả chục cây số không có, nhất là các khu vực: Cầu Giấy, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, ông Lê Đức Thùy, Giám đốc Dự án Vinasing nói: “Chủ đầu tư hoàn toàn lệ thuộc vào quận, huyện, họ bàn giao chỗ nào công ty thi công chỗ đấy. Tại khu vực Cục Đăng kiểm VN (đường Phạm Hùng), công ty đã lắp đặt nhưng lại bị yêu cầu di dời. Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để hoàn thành lắp đặt 500 nhà VSCC. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ bàn giao cho Hà Nội 250 nhà VSCC, 10 xe bồn, 5 cây lọc nước và 200 ghế đúc gang trong tháng 10/2017 để đưa vào sử dụng. Trong năm 2018, chúng tôi sẽ hoàn thiện 250 nhà VSCC nữa”.

“Năng lực không phải là vấn đề. Mỗi tháng, chúng tôi có thể lắp xong 100 nhà VSCC. Khó khăn chính nằm ở việc chọn các vị trí xây dựng”, ông Thùy nói và cho biết thêm, lãnh đạo các quận phần lớn chọn vị trí nhưng không hỏi ý kiến người dân nên khi thi công người dân phản ứng gay gắt.

Cũng theo ông Thùy, phần lớn người dân cũng đồng tình và cảm thấy có nhà VSCC là cần thiết, nhưng do vị trí công ty thi công  là bãi đỗ xe, quán ăn, quán nước... chạm vào lợi ích cá nhân nên người kinh doanh phản ứng quyết liệt.

“Tại một số vị trí, đơn vị thi công gặp phản ứng gay gắt của người dân, gây cản trở, thậm chí có nơi đơn vị thi công phải ngừng thi công, hoàn trả lại mặt bằng cho người dân. Đơn cử như khu vực hồ Hào Nam làm xong rồi người dân đập, mời công an phường, quận đến nhưng không giải quyết được. Có những cái làm xong rồi phải di dời, đang làm lại có người đập phá như ở Khu đô thị Pháp Vân, hồ Điều Hòa, khu vực Cục Đăng kiểm VN, phố Trịnh Công Sơn”, ông Thùy thông tin.

Khó khăn nữa là một số phường trên địa bàn Hà Nội hiện chưa xác định rõ vị trí lắp đặt nên chưa thể triển khai lắp đặt ngay. Thêm nữa, nhiều cơ quan còn lúng túng trong việc cấp phép cũng như phối hợp thi công lắp đặt.

Sở Xây dựng “chê” chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm

Cũng liên quan đến tiến độ xây dựng 500 nhà VSCC này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân xảy ra chậm trễ là do Công ty Vinasing chưa có kinh nghiệm trong thi công, lắp đặt các nhà vệ sinh.

“Giữa Công ty Vinasing và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp tốt trong việc bàn giao mặt bằng thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt và bàn giao công trình. Ngoài ra, còn do trục trặc trong xin cấp phép thi công đấu nối điện, cấp nước, thoát nước thải; chưa xác định chính xác hệ thống công trình ngầm tại nơi lắp đặt, dẫn đến ở nhiều vị trí phải dừng thi công, hoàn trả mặt bằng do vướng công trình ngầm”, ông Hùng nói.

Thông tin thêm về việc giải quyết nhu cầu nhà vệ sinh của thành phố, ông Hùng cho biết, bên cạnh việc cho phép đầu tư nhà VSCC mới theo hình thức xã hội hóa, thành phố đã thông qua phương án cải tạo các nhà VSCC cũ.

Cụ thể, với nhóm nhà VSCC cũ hiện ở mặt phố, mặt ngõ, có diện tích lớn sẽ đầu tư xây dựng theo hướng kết hợp tầng 1 sử dụng làm nhà vệ sinh có thu phí, các tầng trên sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng... Đối với nhà VSCC cũ trong ngõ, có thể xóa bỏ để làm nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc cải tạo và giao cho cụm dân cư, tổ dân phố trực tiếp quản lý, sử dụng nếu còn nhu cầu…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.