Bất động sản

Dự án BĐS lấn sông Hàn bị chuyên gia phản ứng gay gắt

07/05/2019, 16:59

Các chuyên gia cho rằng dự án Marina Complex làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, viện lý do xây trên kè cũ thời Pháp là không đúng.

img
Dự án Marina Complex bị phản ứng do làm ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn

Chuyên gia phản ứng

Tại hội nghị phản biện dự án BĐS và Bến du thuyền Đà Nẵng (dự án Marina Complex) diễn ra sáng nay (7/5), nhiều chuyên gia phản ứng gay gắt về dự án do lấn sông, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, mất cảnh quan... Theo KTS Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội KHKT cầu đường Đà Nẵng, quy hoạch dự án đã sai ngay từ định hướng, nên việc biện minh 4 lần “điều chỉnh quy hoạch theo hướng tốt hơn” là ngụy biện cho quyết định sai ngay từ ban đầu.

Theo ông Hải, qua 20 năm, trước sức ép của quá trình đô thị hóa, sông Hàn đã bị chèn ép bởi nhiều dự án manh mún trong quy hoạch ngắn hạn. Qua nhiều giai đoạn chỉnh sửa, không chỉ riêng dự án BĐS và Bến du thuyền Đà Nẵng (Dự án Marina Complex) lấn sông.

“Tuy nhiên, dự án này bị dư luận phản ứng mạnh là do đây là khu vực tiếp tục làm thu hẹp lòng sông thêm 60 - 100m. Hình dáng tam giác của bờ kè gây ức chế về thị giác, khiến cảnh quan dòng sông xấu đi”, ông Hải nói.

Ông Bùi Tô Hoài - Phó chủ tịch Hội KHKT cầu đường Đà Nẵng (nguyên Phó cục trưởng Cục QLĐB III) cho biết, nếu sông Hàn bị băm nát, 2 bờ méo mó bởi các khu quy hoạch lấn dòng sẽ dẫn đến giam hãm, tù túng trong một không gian đô thị chật hẹp.

“Do có vị trí đắc địa giữa lòng thành phố lại có cảnh quan xinh đẹp nên các nhà đầu tư đều muốn kinh doanh BĐS ven sông Hàn và việc này sẽ gây hệ lụy không nhỏ cho sự phát triển bền vững của thành phố về sau”, ông Hòai nói và cho biết thêm, dự án sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của sông Hàn.

img
Ông Bùi Tô Hoài cho biết nêu sông Hàn bị méo mó bởi các khu quy hoạch lấn dòng sẽ dẫn đến giam hãm, tù túng

Theo ông Hoài, kè đá được xây dựng từ thời Pháp (ngay tại vị trí dự án Marina Complex) là loại kết cấu đá xếp khan khối lớn cao độ đỉnh kè thấp hơn mực nước lũ lớn nhất, nó có chức năng hướng dòng chảy ra xa bờ để tránh gây xói lở cho các công trình ven bờ sông.

Do vậy, khoảng sông phía trong kè đá vẫn là mặt nước tự nhiên, có nhiệm vụ chia sẻ lưu lượng khi có lũ và thuyền nhỏ vẫn thường xuyên ra vào khu vực phía trong kè đá. Việc làm kè bê tông đã phá đi một đoạn rất dài kè đá (chỉ giữ lại 1 đoạn sát cột đèn hải đăng) và đổ đất đắp lấn đã thu hẹp mặt cắt thoải nước của sông phía hạ lưu.

"Không thể nói việc làm này là “không ảnh hưởng nhiều đến tình hình thoát lũ của toàn khu vực”. Và dĩ nhiên, khi bê tông hóa kè thì khu vực trong bờ kè sẽ không bị xói lở nhưng ở những khu vực lân cận khác không có kè vững chắc thì chắc chắn sẽ bị xói lở", ông Hoài nói.

Còn KTS Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam (nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP Đà Nẵng) cho biết, thời Pháp, xây dựng 2 kè mềm, nhưng nhiều người không hiểu cho rằng người Pháp muốn lấn sông Hàn. Đó là 2 kè mềm chỉ lắp đá để dẫn dòng chảy, đưa bùn cát đi theo dòng chảy thu hẹp, dùng tốc độ của dòng nước đẩy cát bùn ra, không để ảnh hưởng đến cảng Tiên Sa, giúp tàu bè đi vào. Và cũng nhờ kè này mà cảng Tiên Sa không phải nạo vét.

Đà Nẵng sẽ đàm phán với CĐT

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai cho biết, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào dự án Marina Complex, góp phần không nhỏ vào xây dựng đô thị, phát triển và cảnh quan của Đà Nẵng.

img
Bà Loan cho biết công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào dự án

"Từ một bãi tập kết rác bốc mùi hôi thối của nhà máy hải sản thải ra và cảng cá, công ty đã cố gắng xây dựng hình thành khu nhà để bán, không phân lô bán nền, đã cố gắng gồng chịu chi phí lãi vay, chi phí sửa chữa nhà xuống cấp, hạ tầng... nhưng công ty vẫn quyết tâm hình thành dự án. Tuy nhiên, những biến cố xảy ra khiến quyết tâm xây dựng dự án theo ý tưởng thiết kế đã đoạt giải không còn", bà Loan nói.

Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, dự án Marina Complex có trong quy hoạch cũng của TP Đà Nẵng do Thủ tướng phê duyệt năm 2013, đã được cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và bán đảo Sơn Trà do thành phố phê duyệt năm 2017.

Tuy nhiên, trước kiến nghị của người dân, dư luận và các nhà khoa học, thành phố tạm dừng dự án để tìm kiếm giải pháp về mặt quy hoạch không gian, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước.

“Thành phố sẽ đàm phán với nhà đầu tư một phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, làm thế nào để tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Đặc biệt, giảm tối đa mật độ nhà cao tầng của dự án. Bổ sung các công trình công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách", ông Dũng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.