Thời sự

Dự án cầu đi bộ qua sông Hàn quá lãng phí?

10/04/2014, 11:04

Cầu vượt sông chỉ dành cho người đi bộ là chuyện của "nhà giàu" trong khi Đà Nẵng chưa thực sự cần một cây cầu như vậy... ?

TP Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố của những cây cầu” nổi tiếng với những nét kiến trúc độc lạ. Tuy nhiên, sau hàng loạt cây cầu được lãnh đạo TP và người dân đồng thuận xây dựng, hiện nay, một dự án khá thu hút sự quan tâm của dư luận đang đứng trước nguy cơ không thể triển khai. Đó là dự án  xây cầu đi bộ qua sông Hàn.

Cây cầu có thể rất đẹp nhưng chỉ dành cho đi bộ có quá lãng phí
Cây cầu có thể rất đẹp nhưng chỉ dành cho đi bộ có quá lãng phí?

Cầu vỏ sò tạo thêm điểm nhấn

 Ngày 11/1/2013, tại cuộc họp nghe báo cáo 1 số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn TP, Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án cầu đi bộ  hình vỏ sò theo hình thức BT (Xây dựng- Chuyển giao) với tổng vốn đầu tư không quá 30 triệu USD.

Sở dĩ, lãnh đạo Đà Nẵng chọn phương án hình vỏ sò của nhà tư vấn Hyder Consulting (Mỹ) là bởi ý tưởng thiết kế này chính là sự kết hợp của hình tượng các con sóng nhấp nhô và những vỏ sò mang nét đặc trưng của TP biển. UBND Đà Nẵng giao Sở GTVT TP là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, thực hiện ký kết hợp đồng BT và hoàn chỉnh các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.

Theo đó, ngày 28/2/2014, Sở GTVT Đà Nẵng đã ra thông báo số 535/TB-SGTVT về kết luận của Q. Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung:  Tĩnh không thông thuyền do Tập đoàn Mặt Trời đề xuất từ 7,0m- 8,5m là phù hợp. Về kết nối cầu đi bộ với hệ thống đường giao thông và cảnh quan đầu cầu phía Đông thì đề nghị Tập đoàn Mặt Trời phối hợp tư vấn xây dựng từ 2-3 phương án thiết kế, làm cơ sở để so sánh lựa chọn phương án tối ưu. Về việc đảo nổi giữa sông cản trở dòng chảy tự nhiên thì đề nghị Tập đoàn Mặt Trời phải tính toán lại và có số liệu cụ thể, trong đó lưu ý việc xây dựng đảo nổi phải đảm bảo mỹ quan trong cả trường hợp mực nước xuống thấp nhất.

Chỉ dành để đi bộ là quá lãng phí

Tuy nhiên, chưa nói đến hình thức, mà ngay trong buổi lấy ý kiến phản biện về dự án mới được TP tổ chức ngày 8/4 mới đây, nhiều chuyên gia đã phản bác mạnh mẽ ý tưởng xây cầu chỉ để đi bộ, nhất là vào thời điểm này.

Theo kỹ sư trưởng Trần Dân - Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng, không nên gọi cầu đi bộ mà nên gọi là cầu Đống Đa (điểm đầu phía Tây cầu bắt đầu từ đầu đường Đống Đa - PV). Cây cầu sẽ là điểm nhấn thu hút du lịch. Tuy nhiên, không nên chỉ cho xe đạp và đi bộ mà phải kết hợp xe buýt nhanh khối lượng lớn và các loại xe khác mới tốt được cho cả hai mục đích du lịch và vận tải, hiệu quả đầu tư mới tốt.

Lý giải về điều này, ông Trần Dân giải thích,  hiện nay sau khi đã có đường ven biển Nguyễn Tất Thành (4 làn xe), cầu Thuận Phước (2 làn xe du lịch), đường Ngô Quyền và đường Hoàng Sa đều 4 làn xe, thì ta thấy việc làm cầu Thuận Phước cho xe du lịch là chưa hợp lý lắm, làm cho vận tải Đà Nẵng bị cắt khúc, đứt đoạn giữa 2 bờ sông Hàn đoạn phía Bắc TP.  Nhược điểm này không thể nào khắc phục được, TP đành chấp nhận thực trạng và yêu cầu  xe tải hơn 10T đi vòng qua cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và cầu Tuyên Sơn. Bên cạnh đó,  cư dân ở phía Đông cầu muốn qua trung tâm TP, có 2 cách là qua cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn, phải chấp nhận đi vòng cung 1 chút theo hình chữ U với độ dài khoảng 3km. Theo quy hoạch xe buýt nhanh khối lượng lớn từ công viên 29/3 và từ Nam Ô đến Sơn Trà nếu không qua cầu Thuận Phước thì chỉ có qua cầu Đống Đa là tốt nhất.

“Từ những lý giải trên, việc làm cầu Đống Đa là cần thiết nhưng chưa cấp bách như Tập đoàn Mặt Trời giải thích. Khi đã làm cầu thì phải có kết hợp cả vận tải, không chỉ đơn thuần là đi bộ và đi xe đạp. Khúc sông này không còn chỗ nào tốt hơn cho cầu xe buýt nhanh khối lượng lớn”- kỹ sư Trần Dân nhấn mạnh.

Còn Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng thì lại cho rằng, Đà Nẵng đô thị hoá và xây dựng nhanh đôi lúc thiếu tầm kiểm soát và dễ hụt hơi khi bị tác động của suy thoái kinh tế và sự đóng băng của thị trường bất động sản vừa qua. 

KTS Phan Đức Hải - Phó chủ tịch thường trực Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng cho hay “Nếu TP đã xác định cầu đi bộ là 1 điểm nhấn nhằm góp phần thúc đẩy phát triển khu dịch vụ du lịch 2 bên sông Hàn với phương thức đổi đất lấy hạ tầng thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Vì trên thế giới người ta cũng xây dựng cầu vượt sông nhưng đó là chuyện của “nhà giàu” khi đô thị đã phát triển đồng bộ, cây cầu chỉ mang tính làm cảnh, trang trí, tham quan  và thưởng ngoạn nhiều hơn. Trong khi đó, TP bỏ tiền ra xây cầu để làm đẹp và làm lợi cho nhà đầu tư trong khi chúng ta chưa có 1 sự đánh giá nào cụ thể về hiệu quả sử dụng và phục vụ dân sinh. Vì vậy, việc đầu tư cầu đi bộ qua sông Hàn vào thời điểm hiện nay là không cần thiết và cũng chưa cấp bách. 

Dự án cầu đi bộ đã được Đà Nẵng đưa vào quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo QĐ số 2357 ngày 2/12/2013.

1. Các chức năng của dự án cầu đi bộ qua sông Hàn:

- Kết nối các khu vực thương mại dịch vụ ở 2 bên bờ sông Hàn với nhau và kết nối hợp lý với các công trình hiện hữu

- Phục vụ cho người đi bộ và đi xe đạp

- Tổ chức các điểm dừng chân hợp lý trên cầu để ngắm cảnh, tổ chức các sinh hoạt hoặc lễ hội khi cần thiết, thưởng lãm các buổi bắn pháo hoa quốc tế và các dịch vụ giải trí, giải khát và ẩm thực

2. Thẩm mỹ:

- Tạp thành biểu tượng về du lịch và kiến trúc cho TP Đà Nẵng với hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, đảm bảo cây cầu đẹp cả ban ngày lẫn ban đêm

- HÌnh thức kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang nét đặc trưng của văn hoá bản địa. Bản mặt cầu được uốn cong theo 2 phương. Phương đứng: tạo khổ tĩnh không thông thuyền. Phương ngang: tạo nét uyển chuyển cho cầu.

- Đường dẫn 2 đầu cầu đảm bảo độ dốc thoải mái khi lên cầu nhưng không chiếm quá nhiều diện tích không gian xung quanh và vẫn có nét đẹp duyên dáng phù hợp với tổng thể.

3. Các thông số kỹ thuật:

- Chiều rộng cầu đi bộ: B=10,5m

- Khổ thông thuyền: Tĩnh không thông thuyền ngang lớn hơn hoặc bằng 50m, chiều cao thông thuyền lớn hơn hoặc bằng 7m và chiều cao mặt cầu so với cao độ nền bờ dọc sông Hàn là 12m

4. Quy hoạch vị trí cầu đi bộ: nối dài đường Đống Đa (quận Hải Châu), nằm giữa cầu Thuận Phước và cầu quay sông Hàn để đảm bảo khoảng cách các cầu qua sông Hàn hợp lý cho việc phục vụ dân sinh. Điểm đầu cầu bờ Tây được nối với nút giao thông Đống đa- Bạch Đằng. Điểm đầu cầu bờ Đông nối với khu thương mại của dự án Olalani.                                                          

(còn tiếp)        

 Dương Hằng Nga

                                                                                                                                    

 

        

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.