Thời sự

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là "bài học cay đắng"

10/11/2016, 11:55
image

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là "bài học cay đắng" trong việc thẩm định các dự án lớn.

15032594_1385025618183282_941409365_n

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Lê Hồng Tịnh trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội.

Sáng nay (10/11), bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Lê Hồng Tịnh trao đổi với báo giới và lý giải việc xem xét  dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo ông Tịnh, lý do là nếu tiếp tục đầu tư, nợ công có nguy cơ tăng nữa.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Lê Hồng Tịnh cho biết đến nay, tính khả thi của dự án này không còn, chưa tính đến việc nếu dự án triển khai chậm thì còn có thể đội vốn lên nữa. 

Ông Lê Hồng Tịnh phân tích: Bối cảnh năm 2009 khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao khoảng 9-10%, kéo theo nhu cầu tăng trưởng điện từ 17-20%. Khi đó Chính phủ lấy phương án 22% để điều hành nhằm đảm bảo nhu cầu điện của đất nước. Nhưng hiện tại, thì tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn nhiều, khoảng 6-7%/năm nên tốc độ tăng trưởng điện năng cũng thấp hơn, khoảng 11% trong 5 năm tới và 7-8% sau 10-20 năm nữa. 

Trong khi đó hiện nay, công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên hạn chế tiêu tốn năng lượng; tổn hao ngành điện trước đây rất lớn khoảng 8-10% nhưng hiện chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới 2021 điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước.

Ông Tịnh nhận định, việc dừng dự án điện hạt nhân này là hợp lý, vì nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Dừng khi chưa triển khai còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng.

Vậy có những phương án như  thế nào để khắc phục hậu quả của việc dừng dự án, thưa ông?

Thực tế, đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân về chúng ta đã nghiên cứu và đào tạo. Thực tế điện hạt nhân với các dạng nhà máy nhiệt điện khác cũng có công nghệ tương tự. Nó chỉ khác về nguồn sinh nhiệt thôi. 

Cho nên trước mắt một số tổng công ty phát điện, nhà máy điện bây giờ đang triển khai cũng có thể sử dụng được nguồn nhân lực này. 

Có thông tin cho rằng dự án điện hạt nhân đến nay đã tiêu tốn cả hàng nghìn tỉ đồng rồi. Thông tin này có đúng không, thưa ông?

Đúng. Nếu tiếp tục thì còn tiêu tốn nữa. Đúng là tiêu tốn rồi nhưng cái gì cũng có giá của nó. Nếu dừng mà hợp lý hơn thì còn tốt hơn là tiếp tục mà hậu quả lại còn gây những cái lớn hơn nữa thì tác động còn lớn hơn nữa.

Có những cái phải chấp nhận hi sinh như vậy. Nhưng đối với việc nguồn nhân lực thì chúng ta sớm muộn cũng phải đào tạo. Còn hạ tầng mà trước đây mình đã làm thì có thể dùng để làm những việc khác.

Ví dụ giải phóng mặt bằng làm những dạng như điện mặt trời, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp thì vẫn đáp ứng được về công nghiệp đối với Ninh Thuận.

Thưa ông, thực tế trên thế giới có nhiều nơi phải rút lại dự án điện hạt nhân không?

Nhiều chứ. Ví dụ Nam Phi gần như chuẩn bị hết rồi cũng phải dừng. Đặc biệt là Đức, nhiều nhà máy cũng phải bỏ, dừng vì vấn đề công nghệ cao hơn, đầu tư lớn, vấn đề an ninh, vấn đề chất thải quan trọng....

Chất thải của nó xử lý môi trường, lưu trữ, tích trữ không phải dễ, nhất là chất thải vì qua vụ việc Formosa cần phải rút kinh nghiệm. 

Qua sự việc này, chúng ta cần tút ra bài học gì trong vấn đề thẩm định các dự án lớn tương tự?

Đúng rồi. Đây là bài học rất là cay đắng.

Thời điểm đó, giá dầu cao như thế nên nghĩ điện hạt nhân là cứu cánh. Nhưng càng ngày về sau diễn ra thực tế khác thì mình phải chấm dứt ngày càng sớm càng tốt chứ để thêm đầu tư, nhập thêm thiết bị nữa càng nguy hiểm nữa, lúc ấy sẽ tốn kém gấp bội.

Còn việc dừng lại dự án thì phải chịu trách nhiệm, phải cố gắng. Nếu không dám đứng ra, không chịu trách nhiệm thì cứ để diễn ra sau này còn nguy hiểm nữa.

Chính phủ đề xuất dừng dự án này tôi cho là dũng cảm. Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến, tranh luận, nhưng chúng ta còn chờ vào sự quyết định của Quốc hội nữa.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV vừa được bổ sung, chiều nay (10/11), Quốc hội sẽ họp riêng về việc xem xét cho dừng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là nội dung đột xuất, mới được bổ sung sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 9/11, vì chương trình kỳ họp được Quốc hội thông qua không có nội dung này.

Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Năm 2009, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Thời điểm đó, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến được khởi công vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Tuy vậy, thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 phải lùi lại nhiều lần do lo ngại về các yếu tố liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh. 

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.