Đường sắt

Dự án đường sắt đầu tiên xóa dớp... “rùa bò”

29/05/2015, 06:04

Công tác thay thế 44 cầu yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất đang băng băng về đích, vượt xa tiến độ ban đầu.

5
Căn chỉnh ray ổn định để đón tàu qua

Công tác thay thế 44 cầu yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất đang băng băng về đích, vượt xa tiến độ ban đầu. Điều này xóa tan nỗi ám ảnh và cái dớp về các dự án đường sắt ì ạch, chậm tiến độ trong quá khứ.

Công nghệ “đổi cầu” mới

Trời oi nồng, sông Bồ như lặng yên phơi mình mặc cái nắng thiêu đốt gần 40oC. Ngồi trong khu nhà của Ban Chỉ huy công trường mà mồ hôi cứ chảy ròng ròng. Tôi sờ vào máy tính, điện thoại hay bất cứ thứ gì đều hâm hấp nóng, dù trong phòng lúc nào cũng có hai máy điều hòa và khoảng 5 cái quạt chạy hết công suất.

Ông Vũ Trung Thắng, Phó Giám đốc Dự án của Liên danh MES - DPS - CIENCO 1 ở công trường về, vừa lau mồ hôi vừa nói với tôi: “Khó khăn nhất của dự án cầu đường sắt sông Bồ không phải nằm ở vấn đề kỹ thuật hay công nghệ, mà chính là thời tiết khắc nghiệt của xứ miền Trung này đấy. Đã mưa là phải kéo dài cả tháng trời, thối đất thối cát, còn nắng thì cháy da cháy thịt. Nhưng anh em công nhân xác định rồi, dù khó khăn đến mấy cũng quyết tâm hoàn thành dự án trước thời hạn”.

Dự án 44 cầu do Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt là đại diện chủ đầu tư. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án đã được Bộ GTVT quyết định đầu tư ngày 25/6/2004 và được điều chỉnh vào 6/2012 với tổng mức đầu tư hơn 37 tỷ JPY và 1 nghìn tỷ đồng.

Hôm nay, với anh em cán bộ, công nhân tại công trường có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là chuyển tuyến tàu từ đường sắt cũ sang đường sắt mới trên cây cầu mới công nghệ hiện đại bê tông cốt thép dự ứng lực. Đây là cây cầu đầu tiên của đường sắt được làm theo công nghệ này thay vì kết cấu nhịp dầm thép truyền thống của các cầu đường sắt. Ray hàn dài khoảng 200 m được đặt trực tiếp xuống bản bê tông cầu sẽ khiến tàu chạy qua êm thuận hơn, không bị xóc lắc ngay cả khi tàu chạy với tốc độ cao khoảng 80 km/h.

Cách đây bốn năm tôi đã đặt chân đến cầu Sông Bồ cũ bắc qua sông Bồ thuộc TX Hương Trà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, có lý trình Km 671+400 trên đường sắt Bắc-Nam. Cầu được xây dựng từ thời Pháp đã được gia cố sửa chữa nhiều lần, có kết cấu mố đá hộc xây, trụ bằng bê tông, dầm thép đã hoen gỉ, oằn mình chống chọi sự khắc nghiệt của thời gian, mưa nắng. Tốc độ tàu qua chỉ khoảng 20 km/h là cầu đã rung bần bật.

Hôm nay, cầu sông Bồ mới được hoàn thành đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của cây cầu cũ. Cầu mới cách cầu cũ khoảng 50m. Khi đoàn tàu đầu tiên qua cầu mới an toàn, tất cả cán bộ công nhân có mặt trên công trường vui mừng khôn tả. Sau hơn hai năm thi công, cầu sông Bồ đã hoàn thành trước thời hạn gần 6 tháng.

Trước đó chỉ nửa tháng, cầu đường sắt Trà Bồng ở Quảng Ngãi cũng được thay thế bằng cây cầu mới. Ông Vũ Hồng Phương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăng Long, một trong những nhà thầu thi công cầu Trà Bồng chia sẻ, bước quyết định của công nghệ “đổi cầu” là dời cầu cũ sang hệ trụ tạm được dựng sẵn và di chuyển dầm cầu mới từ trụ tạm vào vị trí chuẩn. Sau đó, phải căn chỉnh đường ray trên cầu khớp nối đường ray hai đầu cầu để tàu chạy êm thuận. Công đoạn này phải có sự phối hợp ăn ý và chính xác tuyệt đối, nếu không mọi công sức đều đổ xuống sông, xuống biển hết.

Cách thi công này đã tiết kiệm chi phí, rút ngắn được tiến độ do không phải làm cầu tạm cho tàu hỏa lưu thông. Các nhà thầu trong nước có thể làm chủ được công nghệ này. Cầu Trà Bồng mới thuộc thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có lý trình Km 907+756 trên đường sắt Bắc-Nam, bao gồm 6 nhịp giàn thép với tổng chiều dài cầu gần 260m và tổng trọng lượng khoảng hơn 600 tấn. Cầu Trà Bồng cũng đã được rút ngắn tiến độ khoảng ba tháng so với kế hoạch ban đầu.

Băng băng về đích trước tiến độ

Cầu Sông Bồ và cầu Trà Bồng chỉ là hai trong nhiều cầu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vượt tiến độ. Thực tế từ trước đến nay, gần như 100% các dự án đường sắt đều chậm tiến độ đến vài năm, cá biệt có dự án chậm đến 6 năm. Thế nên, hiện tại khi phần lớn các gói thầu của Dự án “Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh” (dự án 44 cầu) đều về đích trước kế hoạch thì có thể coi là... sự lạ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt cho biết, hiện nay, dự án 44 cầu đang trong giai đoạn thi công nước rút. Đến nay 33/44 cầu và ga Ninh Bình thuộc các gói thầu CP1A, CP1B, CP1C, CP1D, CP2, CP3A và CP4 đã được đưa vào khai thác chạy tàu. 11 cầu còn lại thuộc các gói thầu CP3A, CP3B và CP3C sẽ được thi công lắp đặt, sàng dầm đưa vào khai thác từ nay đến cuối năm 2015. Các hạng mục phụ trợ và công tác hoàn thiện còn lại của các gói thầu được tiến hành và kết thúc trong năm 2016. Với tiến độ như vậy, đến nay, các gói thầu thuộc dự án đã cơ bản về đích đúng thời hạn. Đặc biệt, đối với các gói thầu CP3A, CP3B, CP3C, CP3C và CP4, tiến độ thi công của các cầu được rút ngắn tiến độ so với hợp đồng từ 4 - 10 tháng.

Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm trước năm 2014, tiến độ dự án đã rất chậm. Nhiều gói thầu gần như không triển khai được do vướng mặt bằng, thủ tục và cả nhân lực máy móc thi công... Chỉ đến khi Ban QLDA đường sắt được quy hoạch lại vào cuối năm 2014, tiến độ được đẩy mạnh. Đến nay, sau 6 tháng chính thức được quy hoạch, khối lượng công việc hoàn thành bằng với khối lượng của hàng năm trước đó.

Về biện pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, ông Thành cho biết thêm, cán bộ của Ban QLDA đường sắt phải thường xuyên sâu sát tại công trường, chủ động làm việc với các địa phương để tìm cách giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh. Thêm nữa, đơn vị thi công đã tranh thủ thời tiết những ngày nắng ráo để thi công, thay đổi thời gian làm việc phù hợp điều kiện khí hậu, tăng ca làm đêm. Tiến độ của từng phần việc, từng dự án được lên kế hoạch rõ ràng. Bên cạnh đó là công tác khắc phục, điều chỉnh thiết kế để vẫn đảm bảo an toàn mà lại rút ngắn được tiến độ. Mới đây, Ban QLDA đường sắt đã trình và được Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) thống nhất điều chỉnh rút ngắn tiến độ 16 cầu của gói thầu CP3A, CP3B, CP4 và CP3C từ 6 đến 13 tháng.

“Tất cả các cầu thuộc gói thầu này đều đặt tiến độ đến giữa năm 2016 mới hoàn thành, nhưng Ban QLDA đường sắt quyết tâm đến cuối năm nay sẽ xong”, ông Thành nói.

Đáng chú ý là cầu Cai Thọ, Quảng Ngãi sẽ rút ngắn được tiến độ 13 tháng so với kế hoạch. Riêng ba cầu Tháp Chàm, Sông Quao và Mương Mán thuộc gói CP3C theo kế hoạch phải đến tháng 8/2016 mới kết thúc hợp đồng nhưng đơn vị thi công vẫn quyết định phải hoàn thành đầu quý I/2016, rút ngắn 7 tháng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.