Hạ tầng

Dự án đường sắt đô thị TP. HCM: Vốn đầu tư sẽ không tăng

19/06/2015, 10:04

Ngày 18/6, tại TP.HCM đã có buổi họp báo cáo tiến độ các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2 và 5.

DSC_0555
BQL đường sắt đô thị chủ trì buổi họp

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Ban quản lý (BQL) Đường sắt đô thị cho biết, tình hình triển khai các tuyến metro số 1, 2 và 5 đang đảm bảo đúng tiến độ dự án. Tính đến thời điểm này, tổng mức vốn đầu tư của các dự án sẽ không tăng.

Cụ thể, tại tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố sẽ đảm bảo kết thúc dự án vào năm 2020. Tổng mức đầu tư của dự án ở mức 47.325,2 tỷ đồng. “Năm 2018 sẽ đưa vào sử dụng đoạn metro trên cao (từ Tân Cảng – Suối Tiên), sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Mục đích là để tạo thói quen đi lại cho người dân, đồng thời giảm chi phí duy tu, bảo trì”, ông Bùi Xuân Cường cho biết.

Cũng trong tuyến metro số 1, 5 gói thầu chính đã ký kết hợp đồng với các nhà thầu Nhật Bản và đang trong quá trình triển khai thực hiện đúng tiến độ. Đặc biệt gói thầu số 2 “Xây dựng đoạn trên cao và depot” dài 17,1km đã đạt 40% khối lượng tổng thể và 5 triệu giờ lao động an toàn. Công tác kiểm tra an toàn cũng được BQL giám sát chặt chẽ, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã được UBND thành phố chấp thuận bình đồ vị trí, mặt bằng và phạm vi ranh giới  thu hồi đất của 9/9 nhà ga. Tại depot Tham Lương, việc giải phóng mặt bằng đã giải quyết được 85%, đồng thời hỗ trợ tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, thiết kế nền tảng lẫn công tác đấu thầu đang triển khai hoàn tất thủ tục.

Tại tuyến đường sắt đô thị số 5 (Bến xe Cần Giuộc mới – cầu Sài Gòn) tính đến thời điểm này, dự án đã thu xếp đủ nguồn vốn và hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.

Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án gần 41.615 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đến từ Chính phủ Tây Ban Nha, 1 số ngân hàng trên thế giới và vốn đối ứng của Việt Nam. Trong đó, tại dự án depot Đa Phước (huyện Bình Chánh. TP. HCM), UBND Thành phố đã có Công văn trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với diện tích 31,68 ha.

Tại buổi họp, Nhà thầu Liên danh Sumitomo-Cienco 6 đã giới thiệu về công nghệ thi công lắp đặt dầm cầu cạn tại tuyến metro số 1 (gói thầu số 2). Đây là công nghệ mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Với công nghệ này, các đốt dầm sẽ được đúc sẵn tại bãi đúc, sau đó vận chuyển đến công trình và được lắp đặt bởi giàn lao. Toàn gói thầu số 2 gồm 361 nhịp cầu cạn, trong đó 1 nhịp gồm 13 đốt. Dự kiến 1 nhịp cầu sẽ lắp đặt trong 3 ngày, vì vậy toàn bộ dự án được kiểm soát đúng tiến độ. Công nghệ này sẽ giúp tiết kiệm về kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt hạn chế ảnh hưởng giao thông công cộng.

Trong khuôn khổ buổi họp, ông Bùi Xuân Cường cũng phổ biến cuộc thi “Sáng tác biểu trưng (logo) cho hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM”. Biểu trưng hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM phải mang đặc trưng và tính hiện đại của đường sắt đô thị, đồng thời mang biểu trưng riêng của thành phố. Theo đó, tất cả các tác giả trong và ngoài nước đều có quyền tham gia. Tổng giải thưởng cuộc thi lên đến 70 triệu đồng, trong đó giải nhất trị giá 50 triệu đồng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.