Đường sắt đô thị

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Dân mất đất mỏi mắt chờ đền bù

22/11/2022, 10:00

Sau hơn chục năm nhường đất để làm depot tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, 135 hộ dân Bắc Từ Liêm vẫn đang chờ được Hà Nội đền bù đất theo quy định.

Hà Nội ban hành và áp dụng chính sách chậm, quyền lợi 135 hộ dân có đất phải thu hồi phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu depot thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bị ảnh hưởng, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

16 năm đi đòi quyền lợi

img

Sau hơn chục năm nhường đất để làm depot tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, 135 hộ dân Bắc Từ Liêm vẫn đang chờ được Hà Nội đền bù đất theo quy định. Ảnh: Tạ Hải

Gần đây, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của 135 hộ dân quận Bắc Từ Liêm về việc họ đã bị thu hồi hơn 30% đất sản xuất nông nghiệp, phục vụ dự án thành phần hạ tầng kỹ thuật Khu depot thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội. Đến nay đã 16 năm trôi qua, những hộ dân này vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp.

Chị Trần Thị Kim Phượng (42 tuổi), phường Minh Khai cho biết, nhà chị bị thu hồi khoảng hơn 500m2 đất trồng bưởi. Thời gian thu hồi từ năm 2007.

“Tôi gần như dành cả tuổi thanh xuân để đi đòi quyền lợi. Tôi đang một tay nuôi ba con nhỏ và cha già, thu nhập bập bõm. Tôi chỉ mong Nhà nước sẽ sớm giải quyết khoản hỗ trợ để gia đình ổn định cuộc sống”, chị Phượng bức xúc.

Tương tự, anh Chu Hữu Hùng (phường Tây Tựu) cho biết, nhà anh bị thu hồi khoảng 700m2 đất nông nghiệp tại xứ Đồng Quàn.

Đất của gia đình anh bị thu hồi vào giai đoạn Nghị định 84 của Chính phủ có hiệu lực. Theo quy định tại nghị định này, mỗi hộ gia đình cá nhân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp thì được hỗ trợ 80m2 đất ở.

Nhưng trong quá trình thu hồi, anh và nhiều hộ dân không nhận được thông báo, phổ biến của chính quyền địa phương.

16 năm qua, anh đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan quản lý, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “khiếu nại không có cơ sở”. Đến thời điểm hiện tại, quyền lợi gia đình anh chưa được giải quyết.

“Bị thu hồi đất, chúng tôi rất khó khăn. Thời gian đầu vật lộn, buôn bán để kiếm sống, cũng có lúc tranh thủ chạy xe ôm. Hiện nay, tôi đang phải đi thuê đất địa phương khác để trồng hoa, kiếm sống qua ngày”, anh Hùng nói.

Chậm hướng dẫn thực hiện quy định đất đai

Để tháo gỡ quyền lợi cho 135 hộ dân này, trước đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu Bộ TN&MT hướng dẫn TP Hà Nội thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định.

Đối chiếu các quy định về đất đai, Bộ TN&MT cho biết, trong tổng số 153 hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp thì có 52 hộ được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong khoảng thời gian 21/9/2006 đến trước 1/7/2007, thuộc đối tượng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị định 17/2006 (hiệu lực tháng 1/2006).

Theo nghị định này, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng việc giao đất để làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ.

Có 83 hộ thuộc đối tượng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Nghị định 84 (hiệu lực tháng 8/2007). Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng việc giao đất ở.

Tuy nhiên, Hà Nội lại ban hành các quyết định quy định chi tiết thi hành và thực hiện chưa đúng. Cụ thể, Nghị định 17/2006 ban hành 27/1/2006 và có hiệu lực sau 15 ngày đăng công báo.

Nhưng Hà Nội lại quy định, từ 1/7/2004 - 31/12/2007, áp dụng chi trả 25.000 đồng/m2 đối với các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại các xã, thị trấn ngoại thành và các phường mới thành lập sau 1997 khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp.

Còn Nghị định 84, ban hành 25/7/2007, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày công báo. Nhưng đến tháng 6/2008, Hà Nội mới ban hành quyết định hướng dẫn thi hành. Hiệu lực áp dụng của quyết định từ 1/1/2008.

Do đó, Bộ TN&MT kết luận, Hà Nội chậm ban hành chính sách để thực hiện việc giao đất dịch vụ, đất ở cho 135 hộ dân nêu trên, dẫn đến sự không công bằng cho các hộ gia đình có đất thu hồi và chưa thực hiện đúng quy định (Nghị định 17, 84).

Quyết định chồng quyết định

Bên cạnh đó, hồ sơ của PV còn cho thấy, Hà Nội còn ban hành 2 quyết định tái định cư vào cùng 1 khu đất. Cụ thể, năm 2011, TP Hà Nội chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khu đất xây dựng Depot của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội tại vị trí DD1 xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm).

Theo đó, mục tiêu đầu tư nhằm phục vụ công tác GPMB, bố trí tại định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất, nhà ở nằm trong ranh giới của hạng mục khu depot và đường vào khu depot (Quyết định 7911). Quy mô đầu tư xây dựng khu tái định cư khoảng 1,65ha.

Nhưng đến năm 2016, xét đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông, Hà Nội lại ban hành Quyết định 5013 chấp thuận nguyên tắc bố trí quỹ đất tái định cư, phục vụ GPMB 5 dự án: Nâng cấp mở rộng đường 70 đoạn từ Trần Hữu Dực kéo dài đến QL32, đường nối từ Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì, Xây dựng tuyến đường nối từ Phạm Hùng đi Lê Đức Thọ, Cải tạo mở rộng tuyến đại lộ Thăng Long đến đường 70 đoạn qua vị trí cầu đôi, xây dựng tuyến đường từ Tố Hữu đến đường 70 mở rộng vào khu đất này.

Đến nay, khi những gia đình bị thu hồi đất năm 2006-2007, phục vụ dự án depot chưa được trả quỹ đất hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thì một số hộ dân thu hồi sau, phục vụ 5 dự án theo Quyết định 5013 đã được cấp đất. Điều này gây bức xúc trong nhân dân.

Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, trong đó và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến các nội dung trên, đồng thời xem hướng giải quyết của TP ra sao.

Sau đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở TN&MT Hà Nội trả lời, nhưng đến nay Báo Giao thông chưa nhận được hồi đáp.

Được biết, mới đây, liên ngành TP Hà Nội gồm: Sở Tài chính, Thanh tra TP Hà Nội, Sở TN&MT, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có tờ trình đề xuất chính sách chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp để thực hiện Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội).

Theo đó, liên ngành đề xuất TP Hà Nội chấp thuận giao đất dịch vụ cho 130 hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp. Giao UBND quận Bắc Từ Liêm rà soát quỹ đất dịch vụ và tổ chức điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tổ chức giao đất dịch vụ và thu nghĩa vụ tài chính.

Đề xuất đã có, tuy nhiên khi nào Hà Nội phê duyệt và áp dụng vào thực tiễn thì người dân vẫn tiếp tục phải chờ.

Năm 2009, TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3), chiều dài 12,5km.

Trong số diện tích đất phải thu hồi phục vụ dự án thì có khoảng 161,8 nghìn m2 đất nông nghiệp của 290 hộ gia đình tại các xã Tây Tựu, Minh Khai của huyện Từ Liêm (nay là phường Tây Tựu, Minh Khai quận Bắc Từ Liêm). Đến nay, depot cơ bản đã hoàn thiện nhưng quyền lợi của 135 hộ dân bị thu hồi đất vẫn chưa được giải quyết đầy đủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.