Hồ sơ tài liệu

Dự án Keystone XL: Liệu ông Obama có trái ý Quốc hội?

12/02/2015, 13:05

Dự án Keystone XL có vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiều dài 3.462 km, vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày.

img
Ông Obama có 10 ngày để quyết định ký ban hành hay phủ quyết dự án Keystone XL

Hôm qua (11/2), với 270 phiếu thuận, 152 phiếu chống, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự án xây Keystone XL, giúp vận chuyển dầu thô từ Canada tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ.

Hiện, dự luật nói trên đã được chuyển tới Nhà Trắng và Tổng thống Obama có 10 ngày để cân nhắc liệu có nên ký ban hành thành luật hay không.

Các nhà quan sát cho rằng, dự luật này nhiều khả năng sẽ bị ông Obama phủ quyết. Trong khi đó, ông Obama cũng trình Quốc hội dự luật cho phép sử dụng vũ lực có giới hạn tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trong 3 năm. Và Quốc hội đang xúc tiến các thủ tục để sớm điều trần và sẽ bỏ phiếu quyết định có đồng ý hay không trong khoảng 16-20/2.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố: “Tổng thống cần lắng nghe người dân Mỹ và tán thành dự án Keystone”. Phe Cộng hoà đang nắm quyền lãnh đạo ở cả Thượng viện và Hạ viện coi dự án này sẽ giúp tạo thêm việc làm cũng như tăng cường sự độc lập về năng lượng của Mỹ.

Những người ủng hộ Keystone XL cho rằng dự án sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người Mỹ, bảo đảm an ninh năng lượng cho cả Mỹ và Canada. Còn các nhà bảo vệ môi trường lo ngại dự án sẽ khiến tình trạng nóng lên toàn cầu càng trầm trọng thêm. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của đảng Dân Chủ từng chỉ trích khi Thượng viện thông qua dự án: “Đảng Cộng hòa liên tục bán mình cho các lợi ích đặc biệt của nước ngoài, không đếm xỉa tới tầng lớp trung lưu ở Mỹ”.

Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với vốn đầu tư 7 tỷ USD, có chiều dài 3.462 km. Khi hoàn thành tuyến đường ống này có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ. 

Năm 2015 được dự báo sẽ có nhiều sóng gió, bế tắc trong chính trường Mỹ. Ngay khi bắt đầu họp khóa 114 đầu năm 2015, Hạ viện Mỹ đã thông qua nhiều dự luật gây tranh cãi như Dự án Keystone XL nói trên. Còn Nhà Trắng thì tuyên bố, Tổng thống Obama sẽ không ngần ngại sử dụng quyền Hiến định phủ quyết những dự luật để bảo vệ các chương trình, dự luật của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu một dự luật được cả hai viện thông qua với 2/3 số phiếu thì đương nhiên trở thành luật, không cần tổng thống phê chuẩn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.